Trường Mầm non Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ với sự tham gia của phụ huynh, đại diện chính quyền địa phương. Ảnh: NTCC
Chiều 24/4, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết chuyên đề mô hình “Phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ” và Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2020 – 2025.
Các mô hình này được triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Thay đổi diện mạo trường mầm non
Trong quá trình thực hiện, các nhà trường đã chủ động phối hợp với phụ huynh xây dựng chương trình giáo dục mầm non, tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhiều kế hoạch trải nghiệm theo chủ đề, chủ điểm cũng được triển khai nhằm tăng cường kỹ năng, khơi dậy hứng thú khám phá thế giới xung quanh cho trẻ.
Hội nghị tổng kết mô hình “Phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ” và Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2020 – 2025 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Các trường cũng phối hợp với Ban đại diện cha mẹ trẻ xây dựng kế hoạch hóa xã hội hóa giáo dục với nhiều hình thức như ủng hộ kinh phí, ngày công, hiện vật để, xây dựng môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện. Hiện 100% cơ sở giáo dục mầm non đã xây quy chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ.
Bên cạnh đó, huy động nhiều nguồn lực từ cộng đồng, các đơn vị, tổ chức đoàn thể để tăng cường cơ sở vật chất, các điều kiện hỗ trợ chăm sóc trẻ toàn diện. Trong 5 năm thực hiện mô hình, toàn ngành đã huy động được hơn 800 nghìn ngày công, vận động trên 900 tỷ hỗ trợ các trường mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi... cho trẻ.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại hội nghị tổng kết. Ảnh: Hồ Lài
Qua 5 năm triển khai, các trường mầm non trên địa bàn toàn tỉnh đã có thay đổi đột phá về diện mạo trong xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, chấm dứt được tình trạng xây dựng môi trường mang tính trang trí, hình thức.
Nhiều trường mầm non đã thực sự trở thành điểm sáng về không gian vui chơi, học tập sáng tạo của trẻ, các khu vực cho trẻ trải nghiệm ngoài sân trường được thiết kế sáng tạo, đa dạng, đầu tư nhiều đồ dùng đồ chơi hiện đại, bố trí, sắp xếp khoa học, hợp lý với diện tích và không gian hiện có của từng nhà trường.
Tiếp tục triển khai chuyên đề theo chiều sâu
Tại hội nghị, đại diện nhiều đơn vị đã trình bày tham luận về mô hình, kinh nghiệm hay trong quá trình thực hiện 2 chuyên đề. Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương chia sẻ kinh nghiệm vận động xã hội hóa sức dân; tăng cường tương tác với phụ huynh vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phối hợp chăm sóc trẻ; vận dụng các nguồn lực tài trợ, ngân sách địa phương… Đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An chia sẻ về công tác hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường vùng biên, triển khai các chương trình nuôi em, đồng hành cùng ký túc xá vùng biên hỗ trợ trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số. Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Vinh (Nghệ An) trao đổi về công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phát biểu tham luận về phối hợp triển khai các chuyên đề chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Ảnh: Hồ Lài
Các đại biểu cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế tập trung vào các vấn đề như công tác quy hoạch về các công trình xây dựng, việc đổi mới phương pháp giáo dục của giáo viên còn chậm, việc triển khai mô hình ở các trường ngoài công lập... để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Khoa ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các nhà trường đã đạt được trong 5 năm qua. Thời gian tới, để duy trì và nhân rộng các mô hình, lãnh đạo Sở đề nghị các cơ sở giáo dục cần làm tốt công tác tham mưu quy hoạch mạng lưới trường lớp để phù hợp với sự phát triển trong giai đoạn mới. Đảm bảo mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo và thực hiện đổi mới chương trình chăm sóc giáo dục trẻ.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình. Ảnh: Hồ Lài
Bên cạnh đó, cần phối hợp hiệu quả với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và phụ huynh để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các trường cải thiện cơ sở vật chất, nhất là các trường thuộc vùng miền núi, vùng khó khăn. Tiếp tục đầu tư xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện. Chủ động chuyển đổi số, ứng dụng AI trong xây dựng kế hoạch, chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhân rộng có chọn lọc các phương pháp giáo dục tiến tiến, phù hợp thực tiễn nhà trường, địa phương.
Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An trao giấy khen cho các tập thể thực hiện tốt mô hình chăm sóc, giáo dục trẻ. Ảnh: Hồ Lài
Dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã trao GIấy khen cho 44 tập thể và 109 cá nhân đã thực hiện tốt mô hình Mô hình “Phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ” và Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2020 - 2025.
Thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, thực hiện mô hình “Phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng động trong chăm sóc, giáo dục trẻ” đã có 438/540 trường mầm non được đánh giá và xếp loại tốt (tỷ lệ 81,1%), loại khá 85 trường (tỷ lệ 15.8%) và có 17 trường đạt yêu cầu (tỷ lệ 3.2%). Số cơ sở nhóm lớp độc lập được đánh giá và xếp loại khá và tốt là 196/340 cơ sở (tỷ lệ 57,7%). Số cơ sở đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ 38.2%; chưa đạt yêu cầu tỷ lệ 4.1%.
Đồng thời, 100% các trường mầm non, các cơ sở mầm non độc lập tư thục đã thực hiện mô hình “ Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, trong đó có 65% số trường đạt loại tốt, 25% số trường đạt loại khá, 10% số trường đạt yêu cầu.
Hồ Lài