Hỏi: Tôi nghe nói mới có chính sách thay đổi thủ tục khi đi khám chữa bệnh từ ngày 15/8, nhưng tôi không rõ đó là những thay đổi gì? Người bệnh cần làm sao để được hưởng chế độ BHYT?
Nguyễn Thị Hòa (Hà Nội)
Ảnh 1: Thủ tục thanh toán BHYT khi đi khám chữa bệnh - Ảnh minh họa/ Nguồn internet
Trả lời: Nghị định 188/2025/NĐ-CP của Chính phủ mới đây đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Nghị định sẽ có hiệu lực từ 15/8/2025.
Theo Điều 37 Nghị định 188/2025/NĐ-CP hướng dẫn thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2024) như sau:
Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó theo một trong các hình thức sau đây:
Căn cước hoặc căn cước công dân hoặc tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 đã tích hợp thông tin về thẻ BHYT;
Thẻ BHYT bản điện tử hoặc bản giấy. Đối với đối tượng tham gia BHYT quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 12 Luật BHYT 2008 (sửa đổi năm 2024) chưa có thông tin về thẻ BHYT tra cứu được trên hệ thống công nghệ thông tin thì phải xuất trình thẻ BHYT bản giấy.
Trường hợp sử dụng thẻ BHYT chưa có ảnh hoặc mã số BHYT thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ chứng minh thân nhân: Căn cước, căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu, liên kết với tài khoản định danh điện từ (VNeID) mức độ 2 hoặc ứng dụng VssID hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT bản giấy hoặc bản điện tử hoặc mã số BHYT; Trường hợp chưa được cấp thẻ BHYT thì xuất trình giấy chứng sinh bản gốc hoặc bản chụp.
Đối với trẻ vừa sinh, cha, mẹ hoặc thân nhân của trẻ ký xác nhận trên hồ sơ bệnh án hoặc người đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận trên hồ sơ bệnh án trong trường hợp trẻ không có cha, mẹ hoặc thân nhân.
Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp hoặc thay đổi thông tin về thẻ BHYT, khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp, cấp lại và đổi thẻ BHYT, thông tin về thẻ BHYT do cơ quan BHXH hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan BHXH ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định 188/2025/NĐ-CP.
Người đã hiến bộ phận cơ thể phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT tế theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 37 Nghị định 188/2025/NĐ-CP.
Trường hợp chưa có thẻ BHYT thì phải xuất trình giấy ra viện do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể người cấp cho người đã hiến bộ phận cơ thể người và một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó: Căn cước, căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu, liên kết với tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 hoặc ứng dụng VssID hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
Trường hợp chưa có thẻ BHYT, nhưng phải điều trị ngay sau khi hiến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh xác nhận vào hồ sơ bệnh án.
ThS.LS Trần Kim Thọ (Liên đoàn luật gia Hà Nội)
Thúy Nga