Mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được chuyển đổi cũng sẽ khắc phục triệt để những tồn tại, khó khăn để hoàn thành tốt hơn chức năng nhiệm vụ được giao.
Cần sớm “danh chính ngôn thuận”
Kể từ năm 2018 tới nay, thành phố Hà Nội thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm này, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng kết công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng những năm gần đây của Thanh tra Sở Xây dựng cho thấy, những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, gây bức xúc dư luận đã dần được hạn chế.
Theo báo cáo mới nhất, trong năm 2024, trên địa bàn thành phố, một số địa phương không phát sinh công trình vi phạm trật tự xây dựng như quận Hai Bà Trưng, thị xã Sơn Tây, hoặc có tỷ lệ công trình vi phạm thấp (dưới 1%) như các quận Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai; các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thường Tín. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2023, tổng số công trình xây dựng năm 2024 tăng 7.061 công trình, nhưng tỷ lệ công trình vi phạm giảm.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Xây dựng, mô hình thí điểm này cũng có một số bất cập, như khó khăn trong việc sắp xếp bộ máy và hoạt động. Đặc biệt, tổ chức bộ máy của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị không ổn định, không có luật quy định; cán bộ, công chức tâm tư không ổn định để công tác.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau thời gian thực hiện thí điểm kéo dài tới 7 năm, đã đến lúc Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cần được “danh chính ngôn thuận” và được trang bị chế tài mạnh hơn nữa.
Trong khi đó, với địa bàn huyện thuần nông, có diện tích rộng, số lượng đơn vị hành chính đông như Chương Mỹ, lãnh đạo UBND huyện cho biết, biên chế bộ phận quản lý trật tự xây dựng được giao là 21 người nhưng thực tế đang bố trí là 16 người, khiến hoạt động gặp nhiều khó khăn. Do đó, huyện đã nhiều lần đề nghị được tăng biên chế của lực lượng này.
Chuyển đổi nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn
Theo nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong (nay là Giám đốc Sở Công Thương), những năm gần đây, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố luôn tiềm ẩn những nguy cơ vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt liên quan đến các công trình nhiều hộ, nhiều tầng. Do đó, mô hình này cần sớm có sự tổng kết và điều chỉnh để tiếp tục phát huy vai trò hơn nữa.
Trong giai đoạn từ nay cho đến khi hoàn tất việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thành phố đã ban hành chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Cùng với đó, các cấp chính quyền tiếp tục quản lý, duy trì hoạt động hiệu quả Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện theo mô hình thí điểm cho đến khi có quyết định chính thức.
Đồng thời, các cấp chính quyền cũng chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thành ủy, UBND thành phố về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý. Có thể thấy công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn toàn thành phố được bảo đảm duy trì, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong mọi thời điểm, giai đoạn, không để các cá nhân, tổ chức lợi dụng thời điểm chuyển đổi để cố tình vi phạm.
Khi địa giới hành chính của đơn vị cấp xã được mở rộng, dân số tăng lên, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn mới dự báo cũng sẽ phát sinh nhiều phức tạp. Thực tế này đặt ra nhiều đòi hỏi cao hơn với cách thức tổ chức tới đây của đội ngũ cán bộ quản lý trật tự xây dựng đô thị ở cấp xã. Trên tinh thần đó, mô hình cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị được chuyển đổi cũng được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để những tồn tại, khó khăn để hoàn thành tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm:
Cần phân cấp, trao thẩm quyền triệt để
Khi hoàn tất việc tổ chức các cấp đơn vị hành chính mới, một số nhiệm vụ cấp quận, huyện sẽ phải chuyển tiếp xuống cấp xã. Các cấp xã mới, với địa giới hành chính mở rộng, dân số đông lên, tình hình vi phạm trật tự xây dựng chắc chắn sẽ có diễn biến phức tạp. Do đó, nên thành lập bộ phận chuyên trách về quản lý trật tự xây dựng ở cấp xã với sự phân cấp, trao thẩm quyền triệt để.
Gần đây trong cụ thể hóa Luật Thủ đô, thành phố đã chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn xuống cho cấp xã. Chẳng hạn, chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trong một số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Thực hiện tinh giản bộ máy, thành phố cần tiếp tục xác định rõ và phân cấp phân quyền cho chính quyền cấp xã trực tiếp giải quyết nhiệm vụ phát sinh tại địa phương.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Hạn chế thấp nhất vi phạm phát sinh
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao, nhu cầu về đất đai, nhà ở của người dân Thủ đô cũng như tại quận Hoàng Mai ngày càng lớn. Đối với vi phạm trật tự xây dựng, từ năm 2020 đến nay, quận Hoàng Mai đã xử lý 119 vụ việc; ngăn chặn, xử lý trên 800 trường hợp vi phạm đất đai với diện tích trên 30 héc ta; kiểm điểm trách nhiệm 14 tập thể, 43 cá nhân để xảy ra vi phạm. Quận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên và đột xuất, tập trung vào các địa bàn “nóng”, kiên quyết không để các vi phạm mới phát sinh.
Từ nay đến hết ngày 30-6, trên địa bàn quận còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho người dân. Vì vậy, UBND quận tập trung chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, duy trì việc báo cáo hằng ngày và kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm phát sinh (nếu có).
Ông Nguyễn Đức Hải (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai):
Tránh tình trạng chồng chéo chức năng
Qua theo dõi báo chí, tôi nhận thấy các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng nổi cộm, phát sinh mới thời gian gần đây đã hạn chế nhiều.
Thành phố cũng đã ban hành nhiều chế tài mạnh, được người dân đồng thuận như yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại những công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Tuy nhiên trên thực tế, vi phạm trật tự xây dựng đô thị vẫn có thể âm thầm diễn ra với nhiều cách thức tinh vi. Do đó, thời gian tới, khi địa giới hành chính mới cấp xã được thành lập, lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị cần tránh tình trạng chồng chéo chức năng hoặc né tránh trách nhiệm.
Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng phát sinh mới, lực lượng xử lý cần được trao quyền mạnh hơn nữa. Lãnh đạo chính quyền cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý trật tự xây dựng.
Triệu Hoa thực hiện
Bảo Hân