Thay đổi thói quen khám bệnh: Lợi ích kép

Thay đổi thói quen khám bệnh: Lợi ích kép
4 giờ trướcBài gốc
Thay vì bắt chuyến xe sớm để đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) xếp hàng chờ khám bệnh, chị Nguyễn Minh Trang (48 tuổi, ở Hải Phòng) đã lướt điện thoại đặt lịch, chọn chuyên khoa và khung giờ khám bệnh trên ứng dụng "Bạch Mai care". Tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, chị chỉ mất 15 phút làm các thủ tục và vào gặp bác sĩ.
Giải tỏa nỗi khổ xếp hàng chờ đợi
"Có mặt tại bệnh viện lúc 13 giờ 30 phút, sau khi được khám, làm các thủ tục siêu âm, xét nghiệm, chụp chiếu cơ bản, tôi quay lại phòng bác sĩ đọc kết quả lúc này là 16 giờ cùng ngày. Khám xong, tôi trở về nhà và vẫn kịp ăn tối cùng gia đình khỏe re" - chị Trang nói.
Những năm qua, tình trạng quá tải khám chữa bệnh xảy ra hầu hết không chỉ tại các bệnh viện tuyến trên, tuyến trung ương mà ngay cả tuyến ban đầu cũng không tránh khỏi. Chỉ riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày trung bình tiếp nhận khoảng 7.000 - 8.000 bệnh nhân, có thời điểm lên tới 10.000 người. Hiện nay, khoảng 70% - 75% lượng người bệnh đổ dồn đến khám vào đầu giờ sáng, còn lại khoảng 25% - 30% đến buổi chiều. Tình trạng này là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống y tế quá tải, cảm xúc của người bệnh bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nhiều người chọn khám bệnh buổi chiều tại Bệnh viện Bạch Mai
Trước tình trạng gia tăng lượng người bệnh đến khám từ nhiều tháng qua, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó mở rộng khung giờ khám và khuyến khích người dân thay đổi các thói quen khám bệnh. Đó là đặt lịch trước khi khám bệnh, thay đổi khung giờ khám từ sáng sang chiều hoặc tối để giảm tải tình trạng ùn tắc cục bộ, tránh xếp hàng chờ đợi. PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong bối cảnh các bệnh viện tuyến trung ương thường xuyên quá tải, việc chuyển đổi từ thói quen khám bệnh tự phát sang đặt lịch hẹn trước đang là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho cả người dân và hệ thống y tế. Đây không chỉ là xu hướng toàn cầu, mà còn là chìa khóa giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, xóa tan nỗi lo xếp hàng từ nửa đêm của người bệnh. "Tại Nhật Bản, Singapore, Mỹ và nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, việc đặt lịch trước đã trở thành văn hóa khám chữa bệnh không thể thiếu. Khi bệnh viện biết trước số bệnh nhân sẽ đến khám, chúng tôi có thể chủ động phân bổ nhân lực, điều tiết trang thiết bị hợp lý. Điều này giúp bác sĩ tập trung tư vấn kỹ lưỡng, còn người bệnh tránh được cảnh chờ đợi mệt mỏi" - PGS Cơ nhấn mạnh.
Tương tự, Bệnh viện K (một trong những cơ sở lớn cả nước chuyên về ung thư) cũng khuyến khích người bệnh đặt lịch khám tối thiểu trước ngày khám một ngày. Khi đăng ký trước người bệnh sẽ được hẹn giờ và đến quầy đăng ký khám ưu tiên. Theo GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, hiện cả 3 cơ sở của bệnh viện đều bố trí cửa ưu tiên dành cho người bệnh đăng ký đặt lịch hẹn khám trước. Bệnh nhân có thể chủ động thời gian thăm khám, đến theo giờ đã hẹn và giảm thiểu thời gian chờ đợi trong quá trình thăm khám, tầm soát bệnh.
Không sợ sai kết quả xét nghiệm
Theo PGS-TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, nhiều người dân chưa có thói quen đặt lịch khám trước, khiến bệnh viện bị động trong việc sắp xếp nhân lực, thuốc men và trang thiết bị. Trong khi đó, tại các nước phát triển, việc đăng ký khám trước đã trở thành thông lệ giúp quá trình khám chữa bệnh diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.
"Với khoảng 5.000 - 6.000 người bệnh đến khám buổi sáng là con số rất lớn, nhân lực bệnh viện làm hết tốc lực nhưng người bệnh vẫn phải chờ vài giờ. Trăn trở trước những vất vả của người bệnh ở xa phải ra khỏi nhà từ 12 giờ đêm để 3 - 4 giờ sáng có mặt xếp hàng chờ đến giờ khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai khuyến khích người dân nên thay đổi thói quen khám bệnh bằng việc đặt lịch trước. Việc đăng ký trước giúp người bệnh có thể chủ động lựa chọn bác sĩ, chọn chuyên khoa, chọn thời gian và địa điểm khám theo ý mình. Bệnh nhân đến đúng giờ hẹn được tiếp nhận khám ngay không cần xếp hàng. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao nếu người dân thay đổi thói quen khám chữa bệnh" - PGS Giáp cam kết.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, buổi sáng thường là khoảng thời gian rất đông bệnh nhân đến thăm khám, vì thế, người dân có thể cân nhắc đi khám vào buổi chiều hoặc buổi tối (ngoài giờ hành chính). Trừ các trường hợp cấp cứu, người bệnh có thể đăng ký qua tổng đài 1900.888.866, qua website của bệnh viện hoặc qua app Bạch Mai care. Trong khi đi khám buổi chiều, tối, các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, thậm chí nội soi dạ dày vẫn bảo đảm kết quả tốt nhất.
"Kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng bởi thời gian khám sáng hay chiều, chỉ cần nhịn ăn 6-8 giờ trước khi xét nghiệm máu hoặc nội soi. Người dân có thói quen, sau nhịn ăn một buổi tối 8-10 giờ, sáng dậy bụng đói đi khám, phải nhịn thêm vài tiếng để lấy máu, nội soi... dẫn đến nhiều người hoa mắt, chóng mặt vì đói quá. Trong khi đó, nếu có kế hoạch trước là định khám vào 1 giờ 30 phút chiều thì 6 giờ sáng dậy vẫn được ăn nhẹ bữa sáng; trưa nhịn đến giờ khám, bảo đảm các kết quả xét nghiệm máu về tiểu đường, mỡ máu, hay nội soi dạ dày vẫn cho kết quả chính xác nhất" - PGS Giáp nói.
Vẫn hưởng quyền lợi BHYT thanh toán
Việc người bệnh băn khoăn khám ngoài giờ sẽ không được BHYT thanh toán, đại diện các bệnh viện cũng khẳng định người bệnh có thẻ BHYT khi đến khám đều được quyền lợi từ xét nghiệm, chụp chiếu, đơn thuốc, các kỹ thuật sẽ không khác so với khám chữa bệnh trong giờ hành chính. Chi phí khám ngoài giờ không thay đổi, được công bố công khai tại khu vực khám bệnh, người dân có thể tham khảo. Theo PGS Giáp, với những nhóm bệnh thông thường có chỉ định làm xét nghiệm, chụp chiếu cơ bản thì chỉ sau 2 giờ là người bệnh đã có kết quả, được bác sĩ tư vấn, cho đơn thuốc và có thể ra về. Với nhóm bệnh cần xét nghiệm, những chỉ định đặc biệt hơn thì chỉ khoảng sau 4 đến 5 giờ là có thể được bác sĩ kết luận, ra đơn thuốc.
Bài và ảnh: NGỌC DUNG
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/thay-doi-thoi-quen-kham-benh-loi-ich-kep-196250407202451885.htm