Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại Chương trình Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ điều này tại buổi gặp mặt của Tổng Bí thư Tô Lâm với đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Ngành GD-ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng
Thay mặt ngành Giáo dục báo cáo vắn tắt một số thông tin về ngành GD-ĐT, về việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, về đội ngũ các nhà giáo ở thời điểm hiện nay, Bộ trưởng cho biết: Sau gần 40 năm đổi mới và đặc biệt là 10 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành GD&ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông thay đổi mạnh mẽ chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học.
Trường học đã thay đổi từ hình thức bên ngoài tới chất lượng giáo dục bên trong. Giáo viên chủ động sáng tạo hơn, học sinh tự tin chủ động hơn, các hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá được đổi mới căn bản. Chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức. Các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện.
Giáo dục đại học tiếp tục đổi mới. Việc tăng cường tự chủ và hội nhập quốc tế đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Số lượng người tham gia học tập ở bậc đại học và sau đại học tăng lên. Lực lượng giảng viên có trình độ cao ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, tiếp cận với trình độ quốc tế.
Hiện nay, 241 trường đại học của Việt Nam có chuyên gia và tổ chức đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục các ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất. Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.
Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT.
Ngành GD-ĐT cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số. Trong 3 năm 2022-2024 hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục từ mầm non, phổ thông; lần đầu thực hiện thành công việc kết nối cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm và thực hiện thanh toán 100% lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến, thanh toán học phí không dùng tiền mặt; thí điểm triển khai học bạ điện tử đối với tiểu học vào năm 2023 và triển khai học bạ điện tử đại trà với giáo dục phổ thông từ năm 2024.
Đất nước ta vừa mới thoát nghèo và còn đang trên đường phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao. Nhưng về GD&ĐT, chúng ta đã đạt được những kết quả lớn, trong đó có một vài chỉ số mà không phải nước phát triển nào cũng đạt được, chẳng hạn như tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt tới trên 97%.
Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông của chúng ta đứng thứ 53 trên thế giới. Việt Nam nhiều năm liền có mặt trong top 10 các quốc gia có thành tích các kỳ thi Olympic quốc tế cho học sinh phổ thông cao nhất, có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới. Học sinh sau phổ thông của Việt Nam học tiếp tại các trường đại học nước ngoài thuận lợi và giành được sự đánh giá tốt của các trường đại học trên thế giới.
Cả nước hiện có gần 7 triệu người đã tốt nghiệp đại học (con số này được thống kê nhờ cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia), 24 triệu người đang đi học ở các bậc, các trình độ khác nhau, loại hình khác nhau tại trên 52.000 cơ sở giáo dục trong cả nước. Chúng ta đã có 4 đại học có mặt trong top 1000 của bảng xếp quốc tế có uy tín QS. Một số ngành đào tạo có mặt trong nhóm 100 của châu Á.
“Có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, cùng sự nỗ lực của các thầy cô giáo và toàn thể học sinh, sinh viên. Đó cũng là nhờ truyền thống hiếu học, trọng học, trọng tri thức và hiền tài của dân tộc được kế tục và được nhân lên trong thời đại mới”, Bộ trưởng chia sẻ.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội.
Ngành Giáo dục, đội ngũ nhà giáo cần nỗ lực vô cùng lớn để vượt qua thách thức
GD&ĐT của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nếu so với mức đầu tư kinh phí cho đầu học sinh trên cả nước thì có thể nói đó là những kết quả rất kỳ diệu. Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, giáo dục nước ta còn đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Trong đó, vừa giải quyết những vấn đề mang tính cơ bản, tối thiểu cho giáo dục (chẳng hạn việc kiên cố hóa trường học, có chỗ cho trò học…), lại phải hội nhập với thế giới, phát triển giáo dục với yêu cầu cao của thời cách mạng công nghiệp mới. Đất nước đang trong thời kỳ chuyển đổi, giáo dục cũng đang trong thời kỳ chuyển đổi sâu sắc, rất nhiều vấn đề mới phát sinh trong quá trình đổi mới cần tập trung giải quyết không thể một sớm một chiều.
Nước ta thực hiện đổi mới mang tính cách mạng trong giáo dục, nhưng thực hiện trong bối cảnh tiềm lực kinh tế, tài chính, đầu tư còn rất hạn hẹp. Đó là thách thức của việc đảm bảo công bằng tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng trong sự chênh lệch giàu nghèo, với sự chênh lệch về điều kiện và cơ hội tiếp cận giáo dục, nhất là tiếp cận giáo dục chất lượng tốt.
Đó là thách thức của việc phát triển một cách công bằng giữa hai hệ thống giáo dục công và tư. Cần đảm bảo vai trò chủ đạo của nhà nước, nhưng vẫn phát huy được vai trò giáo dục ngoài công lập.
Đó là thách thức của việc giáo dục phải giải quyết các vấn đề phi truyền thống đối với con người trong xã hội hiện đại, như các vấn đề trẻ em tự kỷ, trầm cảm, trẻ em bị bỏ rơi thiếu sự chăm sóc trong các gia đình khi các cặp cha mẹ ly hôn với tỷ lệ rất cao.
Đó là căng thẳng xã hội, bạo lực trực tuyến, sự thay đổi về hệ giá trị khi đất nước chuyển mạnh sang cơ chế thị trường với sự hiện diện mới của cái ác và sự ích kỷ.
Đó là những thách thức của thời đại số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, sự bùng nổ về tri thức. Đó là sự cạnh tranh về thu hút chất xám và người học trên quy mô toàn cầu ngày càng gay gắt.
Đó là thách thức của việc các bậc phụ huynh và các cấp quản lý còn quá nặng về thành tích khiến trẻ em khổ nhọc, làm ngắn lại tuổi thơ và thiếu sự chia sẻ cùng thấu hiểu của phụ huynh, xã hội trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông với quá nhiều cái mới vượt ra ngoài kinh nghiệm, trải nghiệm của thế hệ trước.
“Có rất nhiều thách thức khó có thể kể hết, nhưng có lẽ lớn nhất là thách thức từ bên trong, từ chính trong quá trình đổi mới giáo dục. Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự lột xác để phát triển.
Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá”, Bộ trưởng cho hay.
Để giáo dục vượt qua những thách thức đó, ngành Giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cần nỗ lực vô cùng lớn và sáng tạo không ngừng, giải pháp trúng, đúng thì mới có thể thực hiện được.
Để giáo dục làm được việc đó, vô cùng trông mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội đã quan tâm lớn, thì cần quan tâm lớn hơn nữa, để quốc sách hàng đầu thực sự là hàng đầu trong các quốc sách. Cần quan tâm thiết thực hơn, kịp thời hơn nữa để đột phá chiến lược thực sự là đột phá, phá tan đi những rào cản cho sự phát triển giáo dục, để nền giáo dục không còn là nền giáo dục lúc nào cũng bền vững trong sự vượt khó, vượt nghèo, lúc nào cũng dạy tốt học tốt trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân giới thiệu với Tổng Bí thư về một số thành tựu của ĐHQGHN tại khu vực triển lãm ảnh.
Những điều Bộ trưởng gửi gắm đến đội ngũ nhà giáo
Về đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng cho biết, thời điểm này, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, bao gồm cả hai khối công và tư, ở tất cả các cấp học, cả phổ thông, đại học và dạy nghề. Chưa bao giờ đội ngũ nhà giáo đông đảo, hùng hậu, được chuẩn hóa, và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao như hiện nay.
Trải qua công cuộc phổ cập giáo dục, đổi mới giáo dục phổ thông, việc thực hiện tự chủ đại học, phát triển các trường đại học, trình độ, số lượng, chất lượng, cơ cấu của đội ngũ nhà giáo được nâng lên rất nhiều, dần đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển giáo dục.
Hiện nay đội ngũ nhà giáo có tổng số khoảng 6.000 giáo sư và phó giáo sư, có khoảng gần 60.000 người có trình độ tiến sĩ. Có trên 600 nhà giáo được phong tặng nhà giáo nhân dân và trên 10.000 nhà giáo ưu tú. Những truyền thống đẹp của cha ông tụ lại từ nghìn năm và cả truyền thống mới từ thời hiện đại vượt khó qua chiến tranh và chống đói nghèo, xóa mù chữ đều được kế tục và nhân lên trong thời điểm hiện nay.
Trong số rất đông những người làm giáo dục, cũng có những trường hợp cá biệt, chỗ này, nơi kia chưa thực sự mẫu mực, còn vụ lợi, có những hành động lời nói ứng xử không phù hợp với nghề nghiệp khiến xã hội chưa hài lòng, hoặc chưa theo kịp sự đổi mới. Tuy nhiên, đó là số rất ít và cá biệt mang tính cục bộ.
Toàn thể lực lượng nhà giáo luôn theo Đảng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, say nghề, yêu nghề, yêu trò, luôn nỗ lực tu dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất, kỹ năng, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hết mình vì sự nghiệp trồng người. Số không nhỏ hy sinh cả tuổi thanh xuân nơi những vùng xa xôi để đem con chữ tới cho trẻ em vùng khó khăn. Trong những thành tựu mà đất nước ta đạt được suốt hơn 40 năm đổi mới vừa qua, không thể không tính đến sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng nhà giáo, của tầng lớp trí thức.
Trao đổi với đội ngũ nhà giáo, theo Bộ trưởng, GD-ĐT nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn. Sứ mệnh được giao càng lớn, yêu cầu và kỳ vọng càng cao thì càng đòi hỏi giáo dục nước nhà đã đổi mới thì phải càng cần đổi mới nhanh hơn, chất lượng đã từng bước nâng cao thì càng cần nâng cao nhanh hơn.
Đất nước muốn phát triển nhanh để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất tốt, năng lực tốt, thể chất tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt, đặc biệt là nhân lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, các ngành đem lại vị thế, ưu thế cạnh tranh cho đất nước trên trường quốc tế.
Đây là đòi hỏi lớn và khó đối với ngành Giáo dục. Nhưng lịch sử dân tộc ta và lịch sử ngành Giáo dục đã từng làm nên những kỳ tích tưởng như không thể làm được trong quá khứ, và chúng ta tin tưởng rằng, trong tương lai ngành Giáo dục lại viết tiếp những kỳ tích lớn hơn
Giáo dục toàn thế giới đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ về tri thức, thách thức của trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật, dữ liệu lớn, siêu máy tính, trường học ảo, với các phương pháp và công cụ sư phạm mới. Những nhân tố mới xuất hiện khiến cho nhiều người đặt câu hỏi và nghi ngờ sự tồn tại của giáo dục trường học và vai trò những người thầy trong tương lai.
Chúng ta cần đối mặt với thách thức, không lảng tránh, không sợ hãi. Chúng ta đứng vững trên nền tảng của khoa học giáo dục và bản lĩnh của người thầy để đón nhận những điểm lợi thế của thời đại, để tranh thủ lợi thế, để phát triển nhanh hơn.
Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người, vai trò nhà giáo không thể thay thế. Với trí tuệ nhân tạo và các phương tiện số mới, chúng ta cần coi chúng là những công cụ sắc bén và hữu hiệu mới. Công cụ và vũ khí càng sắc bén lợi hại, thì càng cần người sử dụng chúng có năng lực tư duy cao hơn, kỹ năng tốt hơn để chế ngự, để sử dụng. Nền giáo dục mới sẽ thất bại nếu chỉ chạy theo trang bị kiến thức, nhưng sẽ là sai lầm nếu lại buông bỏ hoàn toàn kiến thức.
Cơ sở dữ liệu lớn không thay được cho cơ sở dữ liệu tuy nhỏ nhưng nó tồn tại chủ động nơi và trong người học và thực sự thuộc về bên trong người học, được chuyển hóa bởi sự tiếp nhận và qua tư duy của người học. Cần trang bị những kiến thức cơ bản để học sinh lấy đó làm công cụ cho tư duy, dạy cho các em khả năng thích ứng và tự học để phát triển bản thân, bởi trước mắt là 4.0, rồi 5.0 và nhiều nữa trong tương lai.
Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng lương thiện và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại. Đó là đem cái bất biến ứng phó với vạn biến. Đó là triết lý thích ứng và triết lý phát triển bền vững nền giáo dục của chúng ta.
Trước những thách thức mới của giáo dục, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, các nhà giáo trong kỷ nguyên mới, cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng nhà giáo phát triển, để từng nhà giáo phát triển giỏi hơn.
Thách thức càng lớn, nhà giáo lại cần quay về đứng chắc, củng cố với nơi các giá trị cốt lõi của người thầy để kiến tạo một tầng lớp trí thức mới, một đội ngũ nhà giáo mới.
Những giá trị từ truyền thống, như học không biết chán, dạy không biết mỏi, tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò. Đó là các giá trị vĩnh hằng để người thầy xứng đáng là người thầy trong mọi thời đại.
Phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số là những điều nhà giáo chúng ta cần phải nắm chắc. Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn.
“Xưa kia, các bậc hiền tài chỉ ngẩng trông, mong ngóng, ước ao làm sao gặp được đấng minh quân biết trọng kẻ sỹ, mến mộ hiền tài, để có cơ hội thi thố, đem tài năng đức độ và nhiệt huyết cống hiến cho vua, cho dân cho nước, để lại danh thơm còn mãi với non sông. Nhưng cũng không ít người trong số các danh sỹ xưa phải ẩn dật lánh đời, hoặc ôm theo mộng kinh bang tế thế về chốn người hiền.
Ngày nay, chưa bao giờ tầng lớp trí thức, các nhà giáo, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo lại được những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước coi trọng, đề cao và đặt ở vị trí quốc sách hàng đầu như hiện nay.
Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định việc đổi mới GD&ĐT. Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục khẳng định quan điểm ưu tiên, chú trọng, tập trung đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo. Nghị quyết 45-NQ/TW của BCHTW khóa 13 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới cũng khẳng định “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội”.
Với các chủ trương lớn này, lực lượng trí thức, các nhà giáo, hoạt động giáo dục và khoa học công nghệ được đặt ở vị trí đi đầu - vị trí được coi trọng chưa từng có trong lịch sử. Đây là thời cơ lớn cho sự phát triển của giáo dục, thời cơ lớn cho các nhà giáo, các bậc tri thức cần thể hiện hết mình, thi thố tài năng, tất cả vì sự phát triển của quốc gia dân tộc.
““Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”, đất nước trước cơ hội hưng thịnh, trí thức có trách nhiệm rất rất lớn. Các nhà giáo, các bậc tri thức, chúng ta dứt khoát cần phải trả lời câu hỏi: làm thế nào để đáp lại sự phó thác, tin tưởng, giao trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân? Sự báo đáp của người trí thức xưa nay vẫn phải và nên theo tinh thần ơn nước một bầu cần đáp lại bằng cả dòng sông”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng gửi gắm đến học sinh sinh viên - những người làm nên các thành tích ngành Giáo dục
Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam, thay mặt cho những người thầy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ lời cảm ơn tới toàn thể học sinh, sinh viên bởi sự nỗ lực học tập, phấn đấu không ngừng. Chính các em đã làm nên các thành tích của giáo dục và sự thành công, sự lớn mạnh của các thầy cô. Không có học sinh ắt không có gì để thầy làm được thầy.
Trong thời đại mới, Bộ trưởng mong các học sinh, sinh viên học tập tiến bộ, tự tin để thể hiện bản thân, học tập chủ động tích cực.
Thời đại tự do dân chủ và bình đẳng, các em không cần co ro, nhỏ bé, sợ hãi tự ti trước những người thầy, đặc biệt là các bậc thầy lớn; nhưng cũng không được “cá mè một lứa”, làm vỡ nát truyền thống tôn nghiêm của đạo thầy trò.
Các em cần tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tích cực thể hiện và khẳng định bản thân trong học tập, nhưng lại vẫn phải giữ lễ, kính trọng những người thầy. Trọng thầy mới được làm thầy. Các giá trị tự do bình đẳng và sự kính trọng lễ phép, thầy ra thầy trò ra trò không hề mâu thuẫn với nhau. Truyền thống và hiện tại cần phải thống nhất.
“Chúc các em biết học, biết kế tục, noi theo những bậc thầy, để biết cách vượt qua những thế hệ thầy đi trước làm cho giáo dục không ngừng phát triển”, Bộ trưởng gửi gắm.
Dịp này, Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng đến Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội nhân dịp nhà trường tròn 50 năm truyền thống và phát triển, được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước
Trong các chỉ đạo gần đây Tổng Bí Thư Tô Lâm đã một lần nữa khẳng định vai trò của lực lượng nhà giáo, là “đầu tàu của giáo dục”, là lực lượng quan trọng nhất quyết định tới giáo dục. Tổng Bí thư bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các nhà giáo khi dặn dò trong phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về Luật Nhà giáo, rằng “Luật Nhà giáo ban hành ra phải làm cho các nhà giáo phấn khởi, tươi vui, đón nhận…”. Nhà giáo phải có chỗ làm việc, có nhà ở công vụ, được tôn trọng và bảo vệ,…
Đó là những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư với ngành Giáo dục, với trí thức, khiến cho các nhà giáo thấy rất phấn khởi, thấy được quan tâm có chiều sâu, thấy người đứng đầu của Đảng thấu thực tiễn, thấu nhân tình, có tính chiến lược vỹ mô của dân tộc và tầm nhìn thời đại.
Và hôm nay, Tổng Bí thư dự cuộc gặp mặt chúc mừng kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, có phát biểu chỉ đạo quan trọng tiếp theo tại buổi lễ này. Thay mặt cho toàn thể các nhà giáo và ngành Giáo dục, xin đặc biệt cảm ơn Tổng Bí thư, cảm ơn nhà giáo, GS.TS Tô Lâm - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.
Hiếu Nguyễn