Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây đã nhắc lại lập trường về việc việc Ukraine gia nhập Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO):"Việc Ukraine gia nhập NATO là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi. Điều này tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của chúng tôi và sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho toàn bộ châu Âu”.
Tuy nhiên, một điều trái ngược là Điện Kremlin dường như lại cởi mở hơn với viễn cảnh Ukraine có một ghế trong Liên minh châu Âu (EU).
“Chúng tôi đang nói về quá trình hội nhập và hội nhập kinh tế. Và ở đây, tất nhiên, không ai có thể ra lệnh cho bất kỳ quốc gia nào, và chúng tôi sẽ không làm điều đó”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Việc Ukraine gia nhập EU có thể không phải là điều Moscow mong muốn nhưng so với nỗ lực của Tổng thống Zelensky trong việc đưa Ukraine vào NATO, đây là một mối lo ngại ít nghiêm trọng hơn. Thậm chí, trong một số khía cạnh, điều này có thể mang lại lợi thế cho Điện Kremlin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Pesko. Ảnh: Tass.
“Cửa sau” vào Châu Âu
Cuộc chiến ở Ukraine có khả năng kết thúc bằng một thỏa thuận đóng băng xung đột, không loại trừ khả năng Ukraine có thể phải nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky từng thừa nhận khả năng này, cho rằng những vùng lãnh thổ đã mất có thể được giành lại thông qua con đường ngoại giao.
Theo cây bút Kieran Kelly của The Telegraph, kịch bản này có thể giúp Nga giành được chỗ đứng trong nền kinh tế tại châu Âu bằng cách sử dụng các khu vực được sáp nhập để khôi phục quan hệ thương mại với EU.
Trao đổi với The Telegraph, Mark Galeotti nhận định: "Thành thật mà nói, có cảm giác rằng khi xung đột kết thúc và thời gian trôi qua, các hoạt động thương mại giữa Nga và Ukraine sẽ dần được khôi phục. Khi đó, Ukraine thành cánh cửa để Nga tiếp cận thị trường châu Âu”.
Bà Emily Ferris, nhà phân tích cấp cao về Nga tại RUSI, cho rằng Moscow có thể sử dụng tư cách thành viên EU tiềm năng của Ukraine để thu hút đầu tư vào các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền: “Nga phải chịu trách nhiệm cho các vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền. Việc các vùng lãnh thổ bị sáp nhập có quan hệ thương mại với Ukraine sẽ giúp Moscow tiếp cận được EU. Điều đó có thể giảm bớt áp lực kinh tế cho Nga”.
Một mô hình tương tự đã tồn tại ở Transnistria, vùng ly khai của Moldova có quan hệ chặt chẽ với Moscow.
Dù duy trì mối liên kết với Nga, nền kinh tế của Transnistria vẫn gắn kết với EU. Nga hỗ trợ khu vực này chủ yếu thông qua trợ cấp lương hưu và khí đốt, trong khi hơn 80% hàng xuất khẩu của Transnistria được chuyển đến các quốc gia EU và Moldova, tạo điều kiện để Moscow gián tiếp tiếp cận thị trường châu Âu.
Những vết nứt dần xuất hiện
Nhìn chung, châu Âu vẫn kiên định ủng hộ Ukraine nhưng điều đó không có nghĩa là các vết nứt chưa bắt đầu xuất hiện.
Tháng 12/2023, Hungary đã phủ quyết gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro của EU dành cho Ukraine, chỉ vài giờ sau khi khối này đồng ý mở các cuộc đàm phán bàn về tư cách thành viên của Kiev. Hồi tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bất ngờ tuyên bố hoãn phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 3 tỷ euro cho Ukraine, với lý do Ukraine vẫn còn đủ nguồn lực từ các cam kết viện trợ trước đây của Đức. Slovakia mới đây cũng cân nhắc ngừng viện trợ cho Kiev nhằm đáp trả hành động khóa van trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu của Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Getty
Trong năm qua, nông dân Ba Lan đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình, chặn các cửa khẩu biên giới nhằm phản đối điều họ cho là sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine.
Ngành nông nghiệp Ukraine đã bị tàn phá nghiệm trọng trong thời gian diễn ra xung đột với Nga. Các tuyến đường xuất khẩu chính qua Biển Đen bị phong tỏa, trong khi nhiều vùng đất nông nghiệp rộng lớn không thể tiếp tục canh tác do giao tranh giữa Moscow và Kiev.
Nhằm hỗ trợ Kiev, EU đã dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Ukraine vận chuyển qua khối bằng đường bộ. Tuy nhiên, một hệ quả không mong muốn là trữ lượng ngũ cốc Ukraine tồn đọng tại Ba Lan làm giảm giá thị trường và gây thiệt hại cho nông dân địa phương. Nếu Ukraine – một trong những quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới, gia nhập EU sau khi đạt được hòa bình, giá cả có thể tiếp tục giảm sâu hơn nữa, làm bùng phát các cuộc biểu tình mới tại Ba Lan, Slovakia và Hungary. Những gián đoạn tương tự có thể lan sang các lĩnh vực khác như hóa chất và năng lượng.
Ngoài ra, EU có thể đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc hỗ trợ nền kinh tế Ukraine hậu xung đột, đặc biệt trong trường hợp xấu nhất là Kiev buộc phải nhượng lại 500 tỷ USD tài nguyên đất hiếm cho Mỹ để đổi lấy viện trợ quân sự.
Tất cả những yếu tố này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong nội bộ EU, có nguy cơ dẫn đến chia rẽ và xung đột giữa các quốc gia thành viên. Ông Mark Galeotti, giám đốc tổ chức tư vấn Mayak Intelligence tại Anh, nhận định rằng việc Ukraine gia nhập EU sẽ khiến khối này rơi vào “tình trạng rối loạn nghiêm trọng".
Lợi ích của Ukraine khi gia nhập EU
Dù Nga có đang thực sự nhắm tới thị trường châu Âu thông qua Kiev hay không, không thể phủ nhận rằng việc Ukraine gia nhập EU mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho nước này.
Về kinh tế, Ukraine sẽ được tiếp cận thị trường chung EU, giúp thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và nhận hỗ trợ tài chính để phục hồi và phát triển đất nước. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của Ukraine cũng sẽ được cải thiện nhờ các chương trình phát triển khu vực của EU.
Về mặt chính trị và an ninh, tư cách thành viên EU sẽ nâng cao vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán với Nga nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, đồng thời giúp Kiev nhận được sự hỗ trợ từ khối này trong các vấn đề an ninh và củng cố năng lực phòng thủ.
Ngoài ra, người dân Ukraine sẽ được hưởng lợi từ quyền tự do đi lại, sinh sống, làm việc và học tập trong khối EU, đồng thời có cơ hội nâng cao mức sống nhờ các chính sách kinh tế và xã hội tiên tiến. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, Ukraine cần thực hiện nhiều cải cách sâu rộng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe của EU.
Ukraine đã nhận được tư cách ứng cử viên gia nhập EU vào năm 2022. Truyền thông địa phương ngày 19/2 dẫn nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ Ukraine cho biết, Ukraine đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tăng cường nỗ lực hướng tới hội nhập và gia nhập EU.
Văn bản này xác định các lĩnh vực hợp tác trọng tâm, bao gồm đàm phán mở rộng EU, hài hòa hóa pháp luật, cải cách tư pháp và hỗ trợ tài chính. Bản ghi nhớ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong quản trị dân chủ, hoạch định chính sách kinh tế và cuộc chiến chống tham nhũng.
“Bất chấp thời điểm toàn cầu biến động, hội nhập châu Âu vẫn là mục tiêu không thay đổi đối với các quốc gia của chúng tôi và chúng tôi sẵn sàng chung tay thực hiện mục tiêu đó”, Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna nói.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Telegraph, RT