Nâng cao ý thức tự giác, xây dựng văn hóa giao thông
Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ 1/1/2025.
Đáng chú ý nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mạnh mức xử phạt. Điển hình như vi phạm vượt đèn đỏ, mức xử phạt mới đối với xe mô tô, xe gắn máy là 4 - 6 triệu đồng (thay cho mức 800.000 - 1 triệu đồng trước đây); với ô tô là 18 - 20 triệu đồng (thay cho mức 4 - 6 triệu đồng trước đây).
Anh Toàn - tài xế xe ôm công nghệ vừa bị xử phạt 5 triệu đồng do không chấp hành đèn tín hiệu giao thông cho biết: “Mức phạt bằng cả tháng thu nhập cùng với đó còn bị trừ điểm bằng lái xe. Nếu cứ tiếp tục vi phạm và bị trừ hết điểm bằng lái thì thất nghiệp mất. Bị phạt một lần sợ rồi, không dám tái phạm nữa”.
Cần xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Chị Loan - một nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân chia sẻ, không thể phủ nhận tâm lý sợ phạt nặng đã khiến người dân phải cẩn thận hơn khi tham gia giao thông, không “đi ẩu” nữa.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận, việc nâng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm không chỉ nhắm vào việc xử phạt mà cốt lõi là để tạo ra sự răn đe từ sớm.
Từ đó giúp thay đổi suy nghĩ, ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân và giúp ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó cần kết hợp hài hòa giữa giáo dục, tuyên truyền và xử phạt. Bởi nếu chỉ xử phạt nghiêm thì hiệu quả không bền vững còn giáo dục nhưng thiếu phạt nghiêm minh thì thiếu tính răn đe.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP; tình hình trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giao thông đi vào nền nếp.
Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 174.600 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ôtô, 49.649 môtô; gần 12.700 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm.
Đại diện Cục Cảnh sát Giao thông đánh giá, Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều... đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn.
Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát và dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông.
Cải thiện hạ tầng, khắc phục những tồn tại
Ngày 12/1, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh đèn giao thông tại giao lộ Võ Chí Công - Lã Xuân Oai, trong Khu công nghệ cao TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) bất ngờ mất tín hiệu.
Tại thời điểm này, nhiều tài xế sợ vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông nên đã dừng chờ. Một số người đi xe máy xuống đi bộ, dẫn phương tiện vượt qua giao lộ. Vụ việc khiến giao thông ùn tắc hơn 2km trên đường Võ Chí Công về cả hai hướng.
Một thực tế hiện nay, nhiều biển báo giao thông tại Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung đang bị che khuất khiến người tham gia giao thông khó quan sát. Từ đó rất dễ xảy ra những vi phạm không mong muốn.
Ghi nhận trên nhiều tuyến đường, phố tại Hà Nội, các biển báo giao thông thường bị che lấp bởi ô dù đặt trên vỉa hè. Một số tuyến phố có cây to, tán rộng cũng khiến nhiều biển báo bị khuất tầm nhìn.
Nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định tham gia giao thông của người dân.
Trao đổi với PV, một chuyên gia giao thông cho rằng, mức phạt hiện nay khá cao so với thu nhập của tầng lớp lao động bình dân. Đặc biệt là những người thường xuyên tham gia giao thông, đây là nhóm người làm công việc như tài xế taxi, tài xế xe ôm, người chuyển hàng,...
Tuy nhiên tình trạng đèn tín hiệu, biển báo giao thông bị che khuất, gặp sự cố, vạch kẻ đường mờ phần nào làm ảnh hưởng việc quan sát và tuân thủ luật giao thông của người đi đường.
Do đó để đảm bảo người quyền lợi chung của người tham gia giao thông, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, biển báo, đèn tín hiệu.
Lý giải về tình trạng đèn tín hiệu đột ngột chuyển màu hay chuyển màu khi chưa hết thời gian đếm giây, hết thời gian đếm giờ nhưng không đổi đèn dẫn đến việc người dân vô tình vi phạm giao thông, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số đèn tín hiệu giao thông thuộc thế hệ cũ.
Vì vậy phải điều khiển thủ công nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày. Một số cột đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển chu kỳ từ khung giờ cao điểm sang thấp điểm hoặc ngược lại.
Để khắc phục tình trạng này, Cục Cảnh sát giao thông đã có văn bản chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát sửa chữa đèn tín hiệu. Đồng thời kiến nghị đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp các đèn đã cũ.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh khẳng định, tại những nút giao có hiện tượng “nhảy đèn”, Cảnh sát giao thông sẽ không xử phạt. Người dân yên tâm là sẽ không bị cảnh sát giao thông phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này.
“Khi lập biên bản xử phạt đối với một trường hợp nào đó, lực lượng phụ trách đèn tín hiệu sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông tại chốt, trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của họ, cho họ xem trực tiếp diễn biến hành vi vi phạm và tín hiệu đèn thời điểm đó”, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh thông tin.
Còn đối với việc phạt nguội, Cảnh sát giao thông sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn cảnh quá trình vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản, đảm bảo người dân “tâm phục, khẩu phục”.
Thế Anh