Thấy gì khi chồng Đỗ Mỹ Linh bị chê vì không xách đồ giúp vợ

Thấy gì khi chồng Đỗ Mỹ Linh bị chê vì không xách đồ giúp vợ
11 giờ trướcBài gốc
"Kém tinh tế", "thiếu gallant" là những bình luận xuất hiện dưới clip vợ chồng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh bước xuống máy bay lan truyền trên mạng xã hội hôm 8/1. Trong clip, chồng hoa hậu, doanh nhân Đỗ Vinh Quang, xách vali và bước xuống trước. Đỗ Mỹ Linh đi sau và cũng xách vali.
Nhiều người cho rằng đáng ra Vinh Quang nên xách đồ hộ vợ trong tình huống này. Đây cũng không phải lần đầu tiên chồng hoa hậu nhận nhiều ý kiến trái chiều vì bị cho là "không đủ gallant". Một clip viral trước đây cho thấy doanh nhân này không mở cửa xe cho vợ khi bước xuống ôtô.
Các bình luận trên mạng phần nào cho thấy những khuôn mẫu về giới vẫn phổ biến trong xã hội hiện đại. Trong một mối quan hệ dị tính, nam và nữ thường phải tuân theo các vai trò giới tính đã ăn sâu bén rễ.
Theo phong tục ở nhiều nền văn hóa phương Tây, đàn ông thường được mong đợi dành cho phụ nữ nhiều phép lịch sự đặc biệt, bao gồm trả tiền khi hẹn hò, mang vác vật nặng, kéo ghế, mở cửa và cho phép phụ nữ đi trước...
Mặc dù thường được coi là lịch sự và thậm chí lãng mạn, những hành động hào hiệp theo kiểu này - khi đàn ông quá lịch sự với phụ nữ chỉ vì họ là nữ giới - cũng có mặt tối. Đàn ông nếu không tuân theo những mong đợi này bị chỉ trích là "kém gallant", "thiếu nam tính".
Đối với phụ nữ, bản thân những hành động của đàn ông dành cho họ như mang vác đồ đạc, mở cửa xe không gây tổn hại gì, nhưng thứ nguy hiểm là các quan niệm phân biệt giới ẩn sau "tinh thần hào hiệp" đó.
Phân biệt giới nhân từ
Các nhà tâm lý học gọi thái độ gia trưởng ẩn sau những hành vi này là chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ (benevolent sexism). Chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ liên quan đến niềm tin rằng đàn ông nên trân trọng và bảo vệ phụ nữ, và "đặt họ lên bệ đỡ". Điều này là do phụ nữ được coi là trong sáng hơn về mặt đạo đức, yếu đuối hơn về mặt thể chất và cần được bảo vệ.
Mặc dù chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ có giọng điệu tích cực, nghiên cứu của giảng viên Đại học Deakin (Australia) được công bố trên The Conversation đã phát hiện ra rằng những người có thái độ này cũng có xu hướng mang thái độ phân biệt giới thù địch cao. Chủ nghĩa phân biệt giới thù địch (hostile sexism) bao gồm quan điểm tiêu cực và nghi ngờ công khai về phụ nữ - đây là những gì mọi người thường nghĩ đến khi nói về chủ nghĩa phân biệt giới nói chung.
Chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ thường được tô hồng thành sự hào hiệp, lãng mạn. Ảnh: Glamour.
Trong khi chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ thường hướng đến những người phụ nữ "tốt" theo các vai trò giới truyền thống. Chủ nghĩa phân biệt giới thù địch có xu hướng áp đặt lên những người phụ nữ được cho là đang tìm cách chiếm đoạt quyền lực của nam giới.
Nghiên cứu cho thấy có nhiều hậu quả tiêu cực liên quan đến chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ.
Ví dụ, một thí nghiệm phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với những bình luận có tính phân biệt giới khiến phụ nữ có nhiều khả năng nghĩ rằng bản thân kém cỏi hơn.
Thí nghiệm Clever girl: Benevolent sexism and cardiovascular threat (tạm dịch: Cô gái thông minh: Sự phân biệt giới nhân từ và mối đe dọa tim mạch) năm 2020 phát hiện ra rằng phản hồi có tính phân biệt giới có thể khiến phụ nữ biểu hiện phản ứng tim mạch tương tự như khi gặp phải mối đe dọa.
Trong bối cảnh của các mối quan hệ thân mật, những người đàn ông có sự phân biệt giới tính nhân từ cao hơn được phát hiện có nhiều khả năng cung cấp sự giúp đỡ theo hướng phụ thuộc cho nửa kia, chẳng hạn như cung cấp các giải pháp mà bỏ qua kỹ năng và nỗ lực của đối tác. Những người phụ nữ trong mối quan hệ như vậy sau đó cảm thấy mình kém cỏi hơn và ít được đối tác của họ coi trọng hơn.
Vấn đề không nằm ở hành động, mà nằm ở quan niệm, tiêu chuẩn kép thúc đẩy hành động. Ảnh: Shutterstock.
Có thể khó nhận ra hình thức phân biệt giới nhân từ hơn vì nó không thể được đo lường bằng khoảng cách lương hoặc số lượng phụ nữ trong các vai trò điều hành. Nó xảy ra trong các tương tác hàng ngày giữa mọi người và thường là riêng tư. Mọi người cũng thường đánh giá thấp mức độ có hại của chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ và đánh giá quá cao mức độ có hại của chủ nghĩa phân biệt giới thù địch.
Giọng điệu tích cực của chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ thậm chí có thể được một số người coi là có lợi cho phụ nữ, nhưng nghiên cứu khoa học không chứng minh được điều này.
Hành động không phải là vấn đề
Bất chấp tất cả mặt tiêu cực, phụ nữ có xu hướng thích những người đàn ông phân biệt giới một cách nhân từ. Sở thích này thậm chí còn mạnh mẽ hơn ở những phụ nữ có mức độ bất an cao về mối quan hệ thân mật của họ.
Sở thích như vậy có thể xuất phát từ nhận thức rằng những người đàn ông phân biệt giới nhân từ có vẻ hấp dẫn hơn vì hào phóng, dù thường đi kèm với sự gia trưởng.
Sở thích đối với phân biệt giới nhân từ cũng có thể được thúc đẩy bởi sự hiểu biết của phụ nữ rằng nó cung cấp một "phương thuốc giải độc" cho phân biệt giới thù địch. Điều này được hỗ trợ bởi nghiên cứu thực nghiệm Women's Benevolent Sexism as Reaction to Hostility (tạm dịch: Sự phân biệt giới nhân từ của phụ nữ như một phản ứng trước sự thù địch) năm 2006 cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng tán thành phân biệt giới nhân từ hơn khi họ tiếp xúc với thông tin cho thấy đàn ông có thái độ tiêu cực đối với nữ giới.
Chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ củng cố các vai trò giới lỗi thời. Ảnh: The New York Times.
Vậy tại sao lại có quá nhiều điểm tiêu cực đối với một thứ hấp dẫn rộng rãi như vậy?
Vấn đề với chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ là củng cố các vai trò giới truyền thống về cách phụ nữ và đàn ông nên liên hệ, đối xử với nhau. Beatrice Alba - giảng viên tại khoa Tâm lý học của Đại học Deakin có các nghiên cứu về định kiến và phân biệt đối xử công bố trên The Conversation - cho biết: "Vẫn là vấn đề cũ rích rằng chúng ta là ai và muốn gì nên được xác định trước bởi giới tính, thay vì sở thích và tính cách của riêng chúng ta".
Nhưng vấn đề thậm chí còn lớn hơn có thể là chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ có khả năng làm suy yếu hiệu suất và hạnh phúc của phụ nữ. Quan niệm ẩn sau chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ coi phụ nữ kém năng lực hơn nam giới. Vấn đề không nằm ở hành động tử tế của cá nhân khi mở cửa xe, nhường đường, bê đồ hộ cho người khác; mà nằm ở các tiêu chuẩn kép thúc đẩy hành động đó nếu chúng gây bất lợi cho một giới nào đó.
Trong một cuộc phỏng vấn, diễn viên Emma Watson từng kể về cảm giác ngượng ngùng khi cô là người đề nghị trả tiền cho cuộc hẹn hò với một người đàn ông. Thực tế là chàng trai đã tỏ ra khó chịu.
"Tôi thích có người mở cửa xe cho mình, tôi thích có người đưa mình đi ăn tối. Nhưng tôi nghĩ vấn đề là bạn có phiền không nếu tôi mở cửa cho bạn?", cô nói.
Ý nghĩa rộng nhất của tất cả những điều này có thể là chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ đưa đến quyền tự chủ, sự thống trị cho nam giới và sự thụ động, phục tùng của phụ nữ. Đàn ông đóng vai trò là người cung cấp và bảo vệ, trong khi phụ nữ đóng vai trò là người theo sau, yếu đuối và phụ thuộc.
Chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ cho phép đàn ông có mối quan hệ yêu thương với phụ nữ, trong khi vẫn duy trì sự thống trị của mình trong các mối quan hệ cá nhân. Khi song hành với chủ nghĩa phân biệt giới thù địch, nó có thể trừng phạt những người phụ nữ thách thức hiện trạng và tìm kiếm bình đẳng giới.
"Chủ nghĩa phân biệt giới nhân từ là phần thưởng mà phụ nữ nhận được khi phục tùng đàn ông, và lòng tốt đó có điều kiện là họ phải tuân theo các vai trò giới lỗi thời", bà Alba nhận định.
Lê Vy
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-khi-chong-do-my-linh-bi-che-vi-khong-xach-do-giup-vo-post1523794.html