Đầu tháng 12, tập đoàn nghiên cứu thị trường của Anh Euromonitor International ghi nhận Bangkok (Thái Lan) là thành phố du lịch đứng đầu thế giới năm 2024 với lượng khách quốc tế kỷ lục, lên đến 32,4 triệu lượt.
Lần vinh danh này đồng nghĩa với việc thủ đô của xứ sở chùa Vàng đang vượt mặt tất cả thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới như Paris (Pháp), London (Anh) và Dubai (UAE) nói chung và trở thành đối thủ du lịch đáng gờm với các điểm đến trong cùng khu vực.
Trong khi các quốc gia cạnh tranh vẫn đang phải đối mặt với những thách thức sau đại dịch, Thái Lan đã vạch ra một con đường rõ ràng hướng tới sự thống trị trong ngành du lịch, mục tiêu đón 40 triệu khách quốc tế vào năm 2025.
Ngôi làng Ban Rak Thai - điểm du lịch ít người biết - ở Thái Lan. Ảnh: Mavis Vi Vu Ký.
Chính phủ nước này tiến hành đa dạng hóa cơ sở du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng để xử lý lượng khách du lịch lớn hơn. Kết quả là Thái Lan đón 28 triệu lượt khách quốc tế đến vào năm 2023. Tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn là 72,6% và doanh thu khách sạn dự kiến của 960 tỷ baht đến năm 2024. Thái Lan không chỉ phục hồi mà còn đang dẫn đầu châu Á.
Chuyên trang về du lịch, lữ hành, hàng không toàn cầu cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến sự thất thế của một số nước. Chẳng hạn, du lịch Việt Nam chưa bức tốc mạnh mẽ bởi còn phụ thuộc vào một số thị trường nguồn. Còn Nhật Bản mở cửa lại chậm so với nước trong khu vực.
Thái Lan đã làm gì?
Du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan với gần 20% lực lượng lao động phục vụ ngành.
Sự thành công của xứ sở chùa Vàng không thể không nhắc đến chiến dịch tiếp thị của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) chẳng hạn Năm du lịch Thái Lan hay Du lịch Thái Lan năm 2023: Những chương mới tuyệt vời.
Chính phủ nước này nhắm đến tệp khách du lịch quốc tế riêng biệt ở mỗi chiến dịch.
Cụ thể, hai chương trình trên hướng tới du khách từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu. Amazing Thailand là phương tiện thúc đẩy quyền lực mềm của Thái Lan, truyền cảm hứng du lịch cho du khách, theo TAT. Còn Amazing 5F and More (Food, Film, Festival, Fight and Fashion) bao gồm sự kiện dành cho nhóm khách thích quan tâm đến sức khỏe, đề cao sự sang trọng khi nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, trước những cú sốc ngoại cảnh kể từ sau Covid-19, quốc gia này củng cố khả năng phục hồi bằng cách đặt mục tiêu phân phối lưu lượng khách du lịch đồng đều hơn, dựa vào cả lượng khách quốc tế và trong nước, trong đó tập trung mở rộng thị trường khách ngoại khác, bên cạnh Trung Quốc.
Kế hoạch còn bao gồm việc quảng bá điểm ít được biết đến, làm nổi bật các khu vực độc đáo, chưa được khám phá.
Chiến lược này một mặt giúp giới thiệu văn hóa Thái Lan đến với thế giới. Mặt khác là giảm tình trạng tắc nghẽn ở các khu vực được khách du lịch ghé đến nhiều lần, mật độ giao thông cao như Bangkok, Phuket hay Chiang Mai.
Lễ hội Songkran là một trong thời điểm du lịch cao điểm tại Thái Lan. Ảnh: Diệp Vấn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đang tận dụng "sức nóng" từ các lễ hội truyền thống, biến chúng thành một mùa du lịch cao điểm của Thái Lan, ví như lễ hội thả đèn trời Loy Krathong tháng 11 hay Tết Songkran vào tháng 4.
Sudawan Wangsupakitkosol, bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, cho biết chỉ trong vòng 21 ngày diễn ra lễ hội, nước này đón hơn 1,9 triệu khách quốc tế, tạo ra doanh thu 90.208 tỷ baht. Riêng thị trường nội địa ghi nhận 13,8 triệu chuyến đi, thu về cho ngành du lịch là 50.127 tỷ baht.
TTW nhận định xứ sở chùa Vàng sẽ tiếp tục chứng kiến lượng khách tăng mạnh vào các kỳ lễ hội khi các điểm đến trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản chưa tận dụng nhiệt từ lễ hội đặc trưng để khai thác chiến dịch tương tự.
Ngoài ra, du lịch nội địa cũng là một lợi thế tiềm ẩn của nước này.
Trong khi lượng khách quốc tế vẫn đóng vai trò quan trọng, du lịch trong nước của Thái Lan đã có sự thay đổi lớn.
Năm 2023, đất nước này đã ghi nhận con số khổng lồ với 136 triệu chuyến đi trong nước, tăng 21% so với mức trước đại dịch. Sự gia tăng này đã thúc đẩy tỷ lệ lấp đầy khách sạn lên 72,6% trên toàn quốc, đẩy giá trung bình hàng ngày (ADR) lên 1.920 baht/phòng (khoảng 1,4 triệu đồng), tăng 9% so với năm 2019.
Thách thức của Việt Nam
Việt Nam đang trên đà phục hồi về mức trước đại dịch với hơn 14,1 triệu lượt trong vòng 10 tháng đầu năm, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2023, số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia.
Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan hiện là thị trường du lịch chính ở nước ta. Song, TTW cho rằng việc phụ thuộc vào một số thị trường nguồn hẹp khiến Việt Nam "dễ bị tổn thương" hơn khi các quốc gia trên thay đổi điểm đến mới.
Khách du lịch quốc tế từ châu Âu, Mỹ đến Việt Nam còn bỏ ngỏ. Ảnh: Linh Huỳnh.
"Không giống như ngành du lịch nội địa mạnh mẽ của Thái Lan, khối lượng du lịch nội địa của Việt Nam không tăng trưởng đáng kể", TTW nhận định.
Sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam có phần lép vế so với các quốc gia du lịch lớn khác như Thái Lan. Năng lực bay hạn chế và cơ sở hạ tầng sân bay được coi là những nút thắt đối với sự tăng trưởng du lịch của Việt Nam. Du khách vẫn phải đối mặt với các vấn đề tắc nghẽn tại các sân bay lớn ở Hà Nội và TP.HCM.
Bên cạnh đó, thị trường khách ngoại tại Việt Nam chỉ đang tập trung vào khu vực Đông Á, Đông Bắc Á. Dòng khách từ Mỹ, châu Âu còn tương đối chậm.
Tường Vi