Theo thống kê từ Metric, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hình thức livestream bán hàng ngày càng phổ biến.
Gia tăng số lượng và tần suất livestream
Metric hay còn được biết đến là chỉ số, để đo lường và theo dõi, cũng như đánh giá các sự thành công, thường được dùng để theo dõi quy trình và hiệu suất quan trọng, giúp đánh giá được “sức khỏe” doanh nghiệp (DN). Trong đó bao gồm các chỉ số như doanh thu, lợi nhuận, chỉ số liên quan đến nhân viên và khách hàng…
Trước sự bùng nổ của TMĐT, trong đó có hình thức livestream, ông Nguyễn Mạnh Tấn, đại diện Haravan - nền tảng cung cấp các giải pháp bán hàng trực tuyến đa kênh - cho rằng sự tăng trưởng này dựa trên 3 yếu tố cơ bản. Đó là: hành vi của người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm online; sự trợ giá tốt, ưu đãi và hỗ trợ bán hàng, giúp các nhà bán dễ dàng tiếp cận khách hàng trên các kênh TMĐT; và các nhà kinh doanh và DN tại Việt Nam thích nghi công nghệ rất nhanh chóng.
Đáng chú ý, thống kê từ nhiều nền tảng TMĐT và các đơn vị phân tích cho thấy số lượng và tần suất livestream đã tăng đáng kể so với năm 2023, đặc biệt rõ nét ở các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, công nghệ và các sản phẩm thuộc mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Điều đó đã đưa tới sự cạnh tranh mạnh mẽ dẫn đến việc các nhà bán sẽ phải tổ chức phiên livestream thường xuyên hơn, đều đặn hơn, trung bình từ 2-4 lần/tuần đối với các thương hiệu lớn và có thể lên đến hàng chục lần mỗi tháng với các nhà bán lẻ vừa và nhỏ. Trong đó, có cả các phiên livestream đặc biệt, key livesteram hay mega livestream (là các dạng livestream có đầu tư về chất lượng, thời gian và sự tham gia của các KOC/KOL - những người ảnh hưởng trên mạng xã hội có từ 10.000 đến 100.000 người theo dõi).
Cho dù còn nhiều ý kiến, nhưng tới nay livestream đã được xem là một kênh phân phối chính thức. Nhiều thương hiệu lớn, đặc biệt là những thương hiệu trong ngành thời trang và mỹ phẩm đã đưa livestream vào chiến lược bán hàng chủ đạo. Với các DN vừa và nhỏ, livestream không chỉ là kênh phụ trợ mà còn là kênh chính mang về từ 30-50% doanh thu hàng tháng. Đáng chú ý là khi kết hợp với các chương trình khuyến mãi hoặc tung sản phẩm mới, doanh số bán hàng từ livestream có khi lên tới hơn 60% trong tổng doanh thu của các kênh bán trực tuyến.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích thị trường, YouNet ECI, các kết quả trong Báo cáo dữ liệu thị trường TMĐT Việt Nam do công ty này và YouNet Media thực hiện cho thấy 62,8% người tiêu dùng số tại Việt Nam hiện đã mua sắm trực tuyến hàng tuần. Mua sắm giải trí cũng trở thành xu hướng bùng nổ với 51% người trẻ thuộc thế hệ trẻ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng mạng xã hội khi chọn mua sản phẩm mới. Có 55% thường xuyên tham khảo từ các KOL/KOC trước khi đưa ra quyết định mua hàng cho thấy sự kết hợp giữa giải trí và mua sắm trong hành vi tiêu dùng.
Đại diện hãng chăm sóc da DrCeutics cho biết, doanh thu từ các nền tảng online chiếm 30% tổng doanh thu, lượng đơn ước tính 5.000-6.000 đơn/ngày.
Còn bà Hoàng Thị Kim Đắc - chủ doanh nghiệp Yến Sào Hoàng Kim, cho biết không thể bỏ qua kênh bán trực tuyến hiệu quả với doanh thu tăng trưởng 30%. “Chúng tôi sẽ cân đối ngân sách phù hợp để tham gia các phiên livestream bán hàng hay các chương trình khuyến mãi lớn chứ không đi theo con đường hạ giá sản phẩm để tự giết chết doanh nghiệp” - bà Kim Đắc nói.
Tuy nhiên livestream bán hàng cũng không phải là “cây đũa thần” trong mua bán hiện đại. Cho dù với cả ngàn phiên livestream giảm giá, khuyến mãi hàng hóa diễn ra mỗi tháng trong năm 2024 thì đại diện các thương hiệu vẫn bày tỏ băn khoăn khi biên độ lợi nhuận có xu hướng thu hẹp.
Một số người bán hàng thời trang trên nền tảng TMĐT cho biết, chi phí chiết khấu vẫn đang tăng lên trên mọi nền tảng trong khi đó hàng hóa đủ mọi phân khúc với giá cả tràn lan. Người mua thường so sánh giá, đợi khuyến mãi. Khiến nhiều người bán hàng phải lấy số lượng bù doanh thu. Tuy nhiên, việc bù lỗ là điều khó “trụ” được về lâu dài.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, trong bối cảnh các nền tảng ngập tràn khuyến mãi liên tục, để cạnh tranh bền vững, các nhà bán hàng cần lưu ý đa dạng kênh bán hàng, không tập trung hoàn toàn vào một nền tảng, hướng đến xây dựng các kênh bán hàng do mình sở hữu. Đồng thời, chủ kinh doanh nên xây dựng thương hiệu, tập trung tổng hợp tệp dữ liệu khách hàng và sở hữu thông tin người mua; duy trì sự quan tâm của khách hàng trong dài hạn bằng cách đảm bảo chất lượng dịch vụ trước và sau mua hàng.
Trốn thuế sẽ bị xử lý thế nào?
Chia sẻ tại hội thảo Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh TMĐT, do Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Hội TMĐT phối hợp tổ chức, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, về nghĩa vụ thuế, bà Cúc khuyến cáo cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh TMĐT cần chấp hành đầy đủ, nhất là có hoạt động livestream bán hàng cho các nhãn hàng.
Về nghĩa vụ thuế, bà Cúc cho biết, cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ phải đăng ký, kê khai và nộp thuế.
Do doanh thu mỗi phiên livestream bán hàng cho các nhãn hàng thường rất lớn nên bà Cúc lưu ý các cá nhân, hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo phương thức kê khai. Mức thuế phải nộp là 7% trên hoa hồng nhận được gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế. Trường hợp không đăng ký kinh doanh, tiền hoa hồng được hưởng sẽ tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần có mức cao nhất tới 35%.
Chưa hết, vẫn theo bà Cúc, trường hợp không tự đăng ký, kê khai và nộp thuế, ngoài việc bị truy thu thuế, người nộp thuế còn bị phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày. Nếu cơ quan chức năng phát hiện cố tình trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên thì người nộp thuế sẽ bị xử lý hình sự.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế cũng đã không ít lần yêu cầu cơ quan thuế địa phương rà soát, thống kê toàn bộ các tổ chức, cá nhân livetream bán hàng ở các nền tảng như Youtube, Facebook, Tiktok... Qua đó, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế với các trường hợp có dấu hiệu rủi ro.
Khi được yêu cầu, các đối tượng trên sẽ phải phối hợp chặt với các cơ quan chức năng; ngành thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý nếu có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật về thuế.
Theo Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm, gần 43.000 DN, cá nhân được kiểm tra về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.
Theo quy định hiện hành, người bán hàng online (trong đó có livestream) sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân lũy tiến khi có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, nếu đối tượng nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (gồm 5% thuế VAT và 2% thu nhập cá nhân). Nếu cá nhân không đăng ký kinh doanh, coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần 5-35%; nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách nhà nước và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.
Với câu hỏi: Như thế nào là trốn thuế và hành vi trốn thuế đối với doanh thu từ livestream bán hàng có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế như sau: Phạt tiền 1 lần tới 3 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm (từ nhẹ tới nặng). Cụ thể là không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Ngày 19/12, thông tin tại hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2025, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, đã ra mắt Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, cũng như các mạng xã hội như Facebook, Zalo. Ngoài ra, những người có thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên các nền tảng như Google, YouTube, hoặc cung cấp phần mềm trên chợ ứng dụng như CH Play, Apple Store, cũng được hỗ trợ. Cũng theo Tổng cục Thuế, về thu thuế đối với hoạt động TMĐT, đã có 439 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin đến cơ quan thuế với gần 725 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT với tổng giá trị giao dịch là hơn 75 nghìn tỷ đồng.
BẮC PHONG