Thấy gì khi Sen Vàng chấm dứt hợp đồng với Thùy Tiên

Thấy gì khi Sen Vàng chấm dứt hợp đồng với Thùy Tiên
8 giờ trướcBài gốc
Một ngày sau khi Thùy Tiên bị Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, Công ty Cổ phần Quảng cáo Thương mại Sen Vàng (Công ty Sen Vàng) chấm dứt hợp đồng với hoa hậu này. Thông báo chính thức được công ty đưa ra vào 22/5. "Liên quan đến những diễn biến mới nhất về Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Công ty Sen Vàng xin thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng với bà kể từ 20/5, theo đúng các điều khoản đã thỏa thuận và quy định pháp luật", Sen Vàng cho biết.
Theo công ty, những hoạt động kinh doanh, phân chia lợi nhuận hay đầu tư cổ phần giữa Thùy Tiên với các cá nhân, tổ chức bên ngoài không liên quan đến công ty. Tất cả do Thùy Tiên tự thực hiện với tư cách cá nhân. Công ty không tham gia, không đại diện và không hưởng bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ những giao dịch này, Sen Vàng nhấn mạnh.
"Việc chấm dứt hợp đồng là một thủ tục pháp lý bắt buộc, căn cứ vào các tình tiết hiện hành, không phản ánh quan điểm cá nhân hay phủ nhận những đóng góp trước đây của bà Nguyễn Thúc Thùy Tiên", theo văn bản từ công ty.
Trường hợp nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng?
Thùy Tiên là nghệ sĩ trong Sen Vàng nhiều năm qua, thậm chí được xem như "gà đẻ trứng vàng" sau khi cô trở thành người đẹp Việt đầu tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình Quốc tế vào năm 2021. Thùy Tiên có hoạt động dày đặc trên nhiều lĩnh vực, không chỉ hoa hậu, chương trình truyền hình mà cả phim điện ảnh.
Động thái mới nhất của Sen Vàng giữa thời điểm Thùy Tiên bị khởi tố gây bàn tán. Công chúng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Sen Vàng trong vụ việc của Thùy Tiên trên cương vị một công ty quản lý, đặc biệt khi Sen Vàng khẳng định không tham gia, đại diện hay hưởng lợi nhuận từ công việc kinh doanh riêng của hoa hậu.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc công ty Luật TNHH TGS (thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội), nhận định với Tri Thức – Znews việc Sen Vàng có tham gia hay hưởng bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ những giao dịch kinh doanh của Thùy Tiên hay không, tùy thuộc vào hợp đồng được ký kết giữa đôi bên.
Sen Vàng thông báo chấm dứt hợp đồng với Thùy Tiên vào 22/5. Ảnh: FBNV.
Theo quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015, một bên trong hợp đồng chỉ được quyền đơn phương chấm dứt khi: Có căn cứ pháp lý rõ ràng như bên còn lại vi phạm nghĩa vụ; Có thỏa thuận trong hợp đồng cho phép chấm dứt hoặc có sự kiện bất khả kháng khiến hợp đồng không thể tiếp tục thực hiện.
Hành vi đơn phương chấm dứt mà không có lý do chính đáng hoặc không tuân thủ trình tự, thời hạn báo trước theo hợp đồng có thể bị xem là hành vi vi phạm hợp đồng.
Trong thực tiễn, hợp đồng giữa một nghệ sĩ và doanh nghiệp quản lý hình ảnh như Sen Vàng thường không phải hợp đồng lao động, mà là hợp đồng dịch vụ, hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng thương mại khai thác hình ảnh, bản quyền thương mại... Nếu đây là hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng thương mại, Luật Thương mại 2005 sẽ được áp dụng bổ sung.
Căn cứ Điều 295 Luật Thương mại 2005: “Bên bị vi phạm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên kia vi phạm nghĩa vụ hợp đồng”.
Nếu công ty Sen Vàng đã có căn cứ rõ ràng, thực hiện đúng điều khoản hợp đồng và tuân thủ quy trình pháp lý, thì việc chấm dứt hợp đồng là hợp pháp. Ngược lại, nếu không có căn cứ rõ ràng, không chứng minh được vi phạm từ phía bà Nguyễn Thúc Thùy Tiên và không thực hiện việc thông báo, thanh lý, bồi thường đúng luật thì công ty có thể bị coi là đơn phương chấm dứt trái pháp luật và phải chịu trách nhiệm tương ứng.
"Điều khoản đạo đức" giữa nghệ sĩ và công ty
Trên thực tế, trong nhiều hợp đồng giữa nghệ sĩ và công ty quản lý hoặc nhãn hàng quảng cáo, thường có một điều khoản gọi là “điều khoản đạo đức” (morality clause). Đây là điều khoản cho phép công ty được quyền chấm dứt hợp đồng nếu nghệ sĩ có hành vi hoặc phát ngôn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, thương hiệu hoặc làm giảm giá trị thương mại của sự hợp tác.
Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, trong đó bên bị vi phạm có thể chấm dứt nếu bên kia có hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết. Nếu nghệ sĩ có hành vi vi phạm đạo đức xã hội nghiêm trọng hoặc bị cơ quan chức năng xác định là vi phạm pháp luật, thì công ty có quyền viện dẫn điều khoản đã thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng hợp pháp.
Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng không có điều khoản rõ ràng về xử lý các sự kiện liên quan đến danh tiếng hay scandal, hoặc khi những ồn ào chưa được kết luận bởi cơ quan chức năng, việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng có thể bị xem là hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Khi đó, nghệ sĩ có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất, uy tín, danh tiếng, thu nhập bị mất cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ hội nghề nghiệp khác.
Theo Điều 351 và Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015, bên vi phạm hợp đồng gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế và lợi ích mà bên bị thiệt hại đáng lẽ được hưởng. Đây là nguyên tắc căn bản bảo vệ quyền lợi của bên bị ảnh hưởng trong quan hệ dân sự – thương mại.
Ngoài ra, việc chấm dứt hợp đồng trong những tình huống nhạy cảm liên quan đến nghệ sĩ còn đặt ra vấn đề đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nếu việc chấm dứt được thực hiện một cách vội vàng, thiếu căn cứ và thiếu công bằng, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với chỉ trích của công chúng cũng như tác động tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu.
Vì vậy, để tránh rủi ro pháp lý, các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng hợp tác thương mại với nghệ sĩ cần xây dựng nội dung hợp đồng rõ ràng, có các cơ chế xử lý tình huống phát sinh, đặc biệt là những rủi ro liên quan đến danh tiếng, tranh chấp pháp lý hoặc ảnh hưởng từ truyền thông. Đồng thời, việc chấm dứt hợp đồng cần được thực hiện đúng quy trình pháp lý, dựa trên căn cứ xác thực và thông qua sự tham vấn pháp lý kỹ lưỡng để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan, luật sư nhận định.
Trong ngành giải trí, việc công ty quản lý lập tức chấm dứt hợp đồng với nghệ sĩ vướng bê bối là không hiếm. Nhiều trường hợp, công ty quản lý thậm chí đâm đơn kiện và đòi bồi thường khi nghệ sĩ vướng scandal. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, Kang Ji Hwan phải trả công ty quản lý 3,48 tỷ won. Nam diễn viên bị công ty kiện đòi bồi thường sau khi bị kết tội tấn công tình dục các nhân viên nữ vào năm 2019. Kim Ga Ram, Soojin cũng bị đuổi khỏi nhóm, công ty chấm dứt hợp đồng sau khi bị tố cáo hành vi bạo lực học đường.
Tương tự, Jisoo bị KeyEast yêu cầu bồi thường thiệt hại 1,42 tỷ won sau khi nam diễn viên này vướng bê bối bắt nạt bạn học. Công ty quản lý Gold Medalist cắt hợp đồng độc quyền với cố diễn viên Kim Sae Ron sau khi cô say rượu lái xe và gây tai nạn. Tuy nhiên, Gold Medalist ứng trước một số tiền giúp Kim Sae Ron chi trả các khoản phí.
Đương nhiên, cũng có những công ty vẫn đồng hành cùng nghệ sĩ trong giai đoạn họ vướng ồn ào pháp lý. Chẳng hạn, Taeil đang bị điều tra trong một vụ án liên quan đến tội phạm tình dục. Anh đã bị đuổi khỏi nhóm NCT nhưng vẫn còn hợp đồng với công ty quản lý SM Entertainment.
Minh Hạo
Nguồn Znews : https://znews.vn/thay-gi-khi-sen-vang-cham-dut-hop-dong-voi-thuy-tien-post1555227.html