Thấy gì khi Xoài Non bị nhân viên bán hàng nói xấu trên livestream

Thấy gì khi Xoài Non bị nhân viên bán hàng nói xấu trên livestream
2 giờ trướcBài gốc
Khi livestream cho các nhãn hàng mới đây, Xoài Non (tên thật: Phạm Thùy Trang, sinh năm 2002) bất ngờ bị chú ý theo cách không mong muốn.
Cụ thể, một nhân viên của nhãn hàng sau khi rời khỏi máy quay đã có những lời lẽ không hay đối với Xoài Non. Người này mỉa mai mối quan hệ của Xoài Non với Gil Lê, chồng cũ Xemesis, bạn thân Sunna. Nhân viên gọi người hợp tác với nhãn hàng là "nó" và dùng từ "chảnh" để tỏ ý chê bai.
Những câu nói khó nghe được phát rõ ràng trên sóng trực tiếp, trước hàng nghìn người xem khi chiếc mic thu âm của nhân viên này vẫn bật. Sau khi phát hiện ra sự cố, nhân viên này xuất hiện trở lại trên livestream để xin lỗi Xoài Non và khán giả trước sự bối rối của nhiều người.
Vụ việc khiến nhân viên và cả nhãn hàng vẫn bị chỉ trích dữ dội. Đến ngày 3/10, Xoài Non đã lên tiếng về vụ việc. Cô đăng tin nhắn xin lỗi của nhân viên, đồng thời cho biết sẽ bỏ qua, không nói lui nói tới để tránh ảnh hưởng đến bản thân, nhân viên cũng như nhãn hàng. Xoài Non khẳng định không tự dựng chuyện, tạo nội dung bẩn để câu view. "Còn chuyện content, mình nghĩ ai xem cả buổi live đều sẽ biết mọi chuyện đến, mình với cả ekip đều chưa hiểu gì thì nó đã xảy ra rồi", cô cho hay.
Những buổi livestream bất ổn
Xoài Non không phải KOL/KOC đầu tiên gặp sự cố khi livestream bán hàng. Phát trực tiếp trên các nền tảng như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng chủ lực, nhưng nhiều thương hiệu vẫn chưa có sự chuẩn bị chu đáo để gia nhập sân chơi này. Đây là lúc sự thiếu chuyên nghiệp từ đội ngũ nhân sự cho đến khâu tổ chức vận hành bị phơi bày ngay trên sóng livestream.
Đầu tháng 7, mạng xã hội xôn xao vụ việc O Huyền Sầu Riêng (tên thật Nguyễn Thái Huyền) - đại diện của một nhãn hàng trái cây - có lời lẽ, thái độ bị đánh giá "kém duyên" với Quang Linh Vlogs trong phiên livestream bán hàng kết hợp với Hằng Du Mục.
Suốt cả buổi livestream, O Huyền Sầu Riêng liên tục "nhắc nhở" Quang Linh "ăn sầu riêng quá nhiều", đồng thời nói rằng sẽ không mời anh tham gia lễ hội sầu riêng vào tháng 8.
Nhiều người chỉ trích O Huyền Sầu Riêng có lời nói "kém duyên" khiến Quang Linh và những người khác ngượng ngùng trên sóng livestream. Trong khi những người khác nói rằng trách nhiệm thuộc về nhãn hàng vì chọn một người thiếu kinh nghiệm, không biết cách tương tác với các khách mời lên sóng bán hàng.
Nhãn hàng bị ảnh hưởng vì người đại diện có lời lẽ không hay trên sóng livestream.
Không chỉ vậy, một số người còn kêu gọi khách hàng hủy đơn đã mua trong phiên livestream để thể hiện sự "tẩy chay", "trừng phạt" với nhãn hàng cũng như người đại diện.
Giữa làn sóng chỉ trích, đến ngày 9/7, O Huyền Sầu Riêng có bài đăng xin lỗi, giải thích đây là lần đầu tiên cô được mời tham dự phiên livestream hoành tráng nên chưa có nhiều kinh nghiệm, dẫn đến những câu nói đùa gây hiểm lầm. Cô cho biết mình phải đối mặt với khủng hoảng, áp lực vì nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi xúc phạm, dọa nạt sau vụ việc.
Quang Linh Vlogs cũng chia sẻ bài đăng mong khách hàng không tiếp tục hủy đơn vì "mọi người trong ekip phía sau đều cố gắng hết sức rồi".
Võ Hà Linh - TikToker được mệnh danh là "chiến thần livestream" với những phiên livestream lập kỷ lục người xem - cũng từng nhiều lần gặp sự cố trên sóng trực tiếp. Dù có mắt xem cao, phiên livestream của cô thường xuyên bị lỗi giỏ hàng, để sai giá... Khi khán giả phàn nàn về tình trạng này, Hà Linh liên tục quát nạt nhân viên và ekip hỗ trợ.
Đầu tháng 6, địa điểm livestream của Hà Linh còn bị mất điện, khiến người xem không khỏi hoang mang. Sự cố được khắc phục sau khoảng một tiếng đồng hồ. "Sau phiên live trước, mình đã nhận được nhiều feedback nên lần này tự hứa với lòng mình không cáu gắt. Nhưng phiên live bất ổn quá. Mình xin lỗi mọi người vì đã cáu gắt", Hà Linh cho biết.
Cần sự chuyên nghiệp
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố ngày 24/4/2024 cho thấy trong năm 2023 lĩnh vực thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển mạnh, ước tính tăng trên 25% so với năm 2022.
Theo khảo sát của Nielsen IQ Việt Nam, người Việt dành trung bình 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, khoảng 95% người tiêu dùng trực tuyến đã mua sắm qua những luồng phát trực tiếp. Còn theo AccessTrade Việt Nam, có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream/tháng, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.
Số liệu từ Cốc Cốc chỉ ra rằng khoảng 77% người tham gia khảo sát đã từng xem livestream bán hàng, 71% đã có giao dịch mua sắm qua kênh này.
Các con số kể trên cho thấy hình thức livestream đang ngày càng phổ biển với người tiêu dùng Việt Nam. Sự thu hút của livestream bán hàng đến từ khả năng tương tác trực tiếp, các chương trình ưu đãi, yếu tố giải trí và sự ảnh hưởng của các KOL/KOC.
Hậu trường của một phiên livestream bán hàng ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Hường Phạm - thạc sĩ Đại học Quốc gia Hà Nội, có 12 năm kinh nghiệm kinh doanh online và 3 năm đào tạo bán hàng - nhận định việc hợp tác cùng KOL/KOC để quảng bá thương hiệu hay livestream bán hàng là một chiến lược marketing thông minh và mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.
"Đặc biệt với những thương hiệu mới vào thị trường hoặc khi ra mắt sản phẩm mới, việc booking KOL/KOC là cách nhanh nhất để tiếp cận rất nhiều khách hàng. Những phiên livestream tiền tỷ là minh chứng rõ ràng cho điều này", bà Hường nói với Tri thức - Znews.
Tuy nhiên, thị trường hiện tại đã hạ nhiệt so với 2-3 năm trước. Các nhãn hàng khi triển khai livestrem bán hàng sẽ áp lực hơn vì cạnh tranh tăng và khách hàng không còn dễ tính. "Muốn thành công, các nhãn hàng cần phải chuyên nghiệp hơn, có kế hoạch rõ ràng. Xu hướng chung sẽ là tổ chức các phiên livestream bán hàng chuyên nghiệp cùng những KOL lớn để nâng cao chất lượng. Đó không phải các phiên livestream nhỏ lẻ, tự phát nữa mà phải được tổ chức bài bản, rất chuyên nghiệp", bà Hường cho hay.
Lê Vy
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-khi-xoai-non-bi-nhan-vien-ban-hang-noi-xau-tren-livestream-post1501988.html