Thấy gì sau thảm họa Valencia?

Thấy gì sau thảm họa Valencia?
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 30/10, Tây Ban Nha thông báo quốc tang trong 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng sau trận lũ quét nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm qua. Sự hào hứng chào đón những cơn mưa rào lúc rạng sáng 29/10 không kéo dài được bao lâu ở Utiel, vùng Valencia vì ngay sau đó là thảm họa kinh hoàng.
Xe hơi xếp chồng lên nhau tại Pincanya.
Tai họa bất ngờ trút xuống
“Lúc đầu, mọi người rất vui vì họ đã cầu nguyện cho trời mưa vì đất đai cần nước”, Remedios - chủ một quán bar ở Utiel nói. "Nhưng đến 12 giờ trưa, điều khủng khiếp đã ập đến và tất cả chúng tôi đều vô cùng sợ hãi. Chúng tôi bị mắc kẹt như những con chuột”. Người dân trong vùng bất lực nhìn dòng sông Magro tràn bờ, xe hơi và các thùng rác nổi lềnh bềnh qua các con phố giữa dòng nước lũ đục ngầu.
“Mực nước dâng cao mang theo bùn và đá. Chúng tác động mạnh tới mức làm vỡ cả mặt đường. Đường hầm dẫn vào thị trấn ngập một nửa trong bùn, cây cối đổ rạp và xe cộ cùng thùng đựng rác lăn lóc trên phố. Sân hiên ngoài trời của tôi đã bị phá hủy, ghế và ô che bóng râm đều bị cuốn trôi. Quả là một thảm họa” - ông Remedios nhớ lại.
Còn ông José Miguel Fernandez, 73 tuổi trầm ngâm khi nói rằng trong suốt cuộc đời, ông hưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp đến thế và cũng không bao giờ nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra ở Tây Ban Nha, cho dù ngay cả trong ác mộng.
Thông tin và hình ảnh về trận mưa lũ lịch sử tại Valencia (Tây Ban Nha) tràn ngập trên truyền thông, trong đó nhiều tít báo thậm chí có từ "như tận thế" để lột tả mức độ tàn khốc của thảm họa bất thường này.
Số người chết ở Valencia và các vùng lân cận Castilla-La Mancha và Andalucia liên tục thay đổi và nhiều lên. Thị trưởng Utiel, Ricardo Gabaldon, cho biết trận lũ đã cướp đi sinh mạng của nhiều cư dân và con số nhiều phần là không chính xác. Ông Gabaldon nói rằng ngày 29/10/2024 là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời ông khi bất lực nhìn dòng nước cao tới 3 mét cuồn cuộn trên đường phố. “Những ai di dời được lên vùng đất cao hơn thì đều có thể sống sót. Nhưng một số người già thậm chí không thể mở cửa trước và họ không tìm được lối thoát trong chính căn nhà của mình” - vị thị trưởng nói.
Trong khi đó, cư dân La Torre, ngoại ô thành phố Valencia, cũng chứng kiến cảnh tượng tự vào sáng 30/10. “Khu phố đã tan hoang, tất cả xe ôtô đè lên nhau. Mọi thứ đều đổ nát hoàn toàn và phải vứt bỏ, không sử dụng được nữa. Bùn sâu gần 30 cm”, bà Christian Viena nói. Còn đại diện đài truyền hình cho biết, ngay khi lũ xuất hiện, một người đàn ông đã gọi điện đến để tìm kiếm tin tức về con trai Leonardo Enrique Rivera. Anh đã mất tích trong chiếc xe tải Fiat, trong lúc đi giao hàng tại thị trấn Riba-roja của Valencia hôm 29/10.
Binh sĩ hỗ trợ dọn dẹp sau lũ trên một tuyến đường ở Valencia, Tây Ban Nha.
“Tôi không biết con trai mình ở đâu, làm gì kể từ 6 giờ tối”- ông nói. “Trời mưa rất to. Tôi nhận được tin nhắn cho biết xe tải bị ngập và con tôi bị một chiếc xe khác đâm phải. Đó là thông tin cuối cùng từ con trai tôi”.
Trong khi đó, Esther Gomez - Ủy viên hội đồng thị trấn Riba-roja cho biết, có những công nhân bị mắc kẹt trong một khu công nghiệp, nhưng không thể giải cứu được họ vì nước sông đã tràn bờ.
Thật đáng lo ngại khi Bộ trưởng Bộ Chính sách lãnh thổ Angel Victor Torres Perez cho biết sau 3 ngày vẫn có báo cáo về 1.300 người vẫn chưa được tìm thấy.
Valencia là tâm điểm của trận lũ lụt. Nhưng người dân tại Sedavi và Alfafar, hai thị trấn nằm ngay phía nam thành phố này cũng đã phải chịu hậu quả nặng nề dù không có giọt mưa nào rơi xuống khu vực này. Alfafar, nơi sinh sống của gần 21.000 người, là khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng do dòng sông Poyo tràn bờ vào tối 29/10. Sau đó, Sedavi - với dân số khoảng 10.000 người cũng chịu chung số phận. Hai thị trấn này chỉ cách nhau một con đường hẹp.
Alfonso De Juan, 18 tuổi, người dân địa phương, chia sẻ: “Một số bạn bè từ Massanassa bảo tôi về nhà vì nước sông đang tràn vào, nhưng chỉ trong chưa đầy 30 phút cả hai thị trấn đã bị nhấn chìm trong dòng nước đục ngầu từ con sông”. 7 giờ hỗn loạn kéo dài. De Juan chứng kiến nhiều người dân thả dây từ ban công xuống để cứu những người đã leo lên xe hoặc bám vào cột đèn để tránh bị cuốn trôi theo dòng nước. “Tôi biết ít nhất 30 người đã suýt mất mạng đêm đó” - anh chia sẻ.
Cứu người dân trong khu vực bị bùn đất vùi lấp.
Còn Jeovany Moreto, 45 tuổi, kể lại, đã chứng kiến nước lũ tràn vào đường, cuốn trôi các xe và đẩy chúng va vào nhà xe cùng các cơ sở kinh doanh. Ông đã cố khóa cửa gara và ở bên con trai, nhưng khi nước nhanh chóng dâng đến ngang hông, họ buộc phải gọi nhờ sự trợ giúp từ một người hàng xóm ở tầng hai và được hỗ trợ thoát hiểm lên sân thượng.
Không may mắn như Alfonso De Juan và Jeovany Moreto, một cư dân 18 tuổi ở Alfafar đã thiệt mạng khi cố rời khỏi tiệm làm đẹp của mình. Sức mạnh của dòng nước ngăn cản cô thoát thân và tìm kiếm sự giúp đỡ. Người dân phát hiện thi thể cô trong cửa hàng khi nước rút.
Rồi đây chúng tôi còn sẽ kể mãi về thảm họa này. Với tôi, nó sẽ là nỗi ám ảnh suốt đời” - Alfonso De Juan nói.
Văn phòng Khí tượng Tây Ban Nha cho biết hơn 300 mm nước mưa đã trút xuống khu vực giữa Utiel và thị trấn Chiva, cách đó 50 km vào hôm 29/10. Tại Chiva, lượng mưa gần bằng một năm đã đổ xuống chỉ trong 8 giờ.
Những trận mưa dữ dội nối sau một đợt hạn hán khắc nghiệt tại Tây Ban Nha. Năm 2023, chính phủ đã phê duyệt một kế hoạch chưa từng có trị giá 2,2 tỷ euro để hỗ trợ nông dân và người tiêu dùng đối phó với tình trạng thiếu mưa dai dẳng. Nhiều báo cáo cho thấy khí hậu khả năng cao ngày càng tồi tệ và khó lường hơn trong tương lai.
“Tây Ban Nha là một quốc gia đã quá quen với hạn hán, nhưng rõ ràng do hậu quả từ biến đổi khí hậu, chúng ta đang chứng kiến những sự kiện và hiện tượng thời tiết thường xuyên và khắc nghiệt hơn nhiều” - Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết.
Người dân La Torre chạy lụt.
Thủ tướng Pedro Sanchez chia sẻ toàn bộ đất nước cảm nhận được nỗi đau của những người đã mất người thân, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục phòng ngừa với những trận mưa xối xả gây ngập lụt. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles cho biết, quân đội đã điều động 7.500 binh sĩ khẩn cấp đến vùng lũ lụt giúp người dân, trong đó có nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân bị bùn đất vùi lấp.
Trận mưa bão bắt đầu hôm 29/10 là kết quả của hiện tượng thời tiết nguy hiểm gọi là DANA ở Tây Ban Nha. Viết tắt của "áp thấp biệt lập ở độ cao lớn" - DANA xảy ra khi không khí nóng bên trên biển Địa Trung Hải gặp không khí lạnh trong khí quyển, gây ra điều kiện khí hậu biến động dẫn tới mưa lớn. Theo giới chuyên gia thời tiết, mô hình này đang trở nên ngày càng phổ biến do quá trình ấm lên toàn cầu.
Bão DANA tương đối phổ biến ở Địa Trung Hải. Sự tiếp xúc của không khí ấm và lạnh dẫn tới hình thành đám mây mưa dày đặc. Khi vào đất liền, chúng có thể di chuyển chậm qua khu vực rộng lớn. Loại bão như vậy thường gây lũ lụt nghiêm trọng.
Trong khi vùng Valencia dễ bị ngập lụt, người dân địa phương không có sự chuẩn bị một phần do cảnh báo khẩn cấp được đưa ra quá trễ, cho dù trước đó, vào năm 1957, vùng này từng bị một trận “đại hồng thủy” khiến 3/4 thành phố ngập nước, 80 người thiệt mạng. Trận lũ lụt đó đã thúc đẩy chính quyền địa phương thực hiện một dự án cực kỳ tham vọng nhằm chuyển dòng sông Turia chảy qua Valencia ra xa thành phố.
Là thành tựu ấn tượng của kỹ thuật thủy lợi, quá trình chuyển dòng kết thúc vào năm 1973. Ngày nay, lòng sông mới có lưu lượng hơn 5.000 m3/s nước. So với nó, dòng sông cũ chảy qua thành phố có thể chứa 3.700 m3/s nước trước khi tràn bờ. "Nếu không chuyển hướng dòng sông, Valencia sẽ bị ngập hoàn toàn từ bắc tới nam", Federico Bonet ở Hiệp hội kỹ sư cầu đường và kênh đào Valencia, cho biết.
Dù dự án chuyển dòng sông có thể cứu nhiều người sống ở trung tâm Valencia, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về tác động chung của nó. Lòng sông mới ở phía nam có thể chứa lượng nước lớn hơn, có nghĩa là theo lý thuyết, người dân ở khu vực đó phải an toàn. Tuy nhiên, thực tế đã không phải như vậy mà thảm họa vẫn xảy ra, qua trận lũ lụt cuối tháng 10/2024.
Phản ứng sau thảm họa
Nói về thảm họa mưa lớn gây lũ lụt tại Tây Ban Nha, tiến sĩ Friederike Otto - người đứng đầu bộ phận phân tích thời tiết thế giới tại Trung tâm Chính sách Môi trường (Đại học Hoàng gia London, Anh nhấn mạnh: “Rõ ràng những trận mưa xối xả này đã khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu. Mỗi khi nhiệt độ Trái đất tăng thêm một chút do nhiên liệu hóa thạch, không khí có khả năng giữ được nhiều hơi ẩm hơn, dẫn đến lượng mưa lớn hơn. Những trận lũ nghiêm trọng là lời cảnh báo nghiêm khắc về mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu, dù nhiệt độ trung bình toàn cầu mới chỉ tăng khoảng 1,3 độ C. Liên hợp quốc đã cảnh báo với tốc độ hiện nay, chúng ta đang trên đà đạt mức tăng nhiệt lên tới 3,1 độ C vào cuối thế kỷ này.
Cho tới nay, dư luận Tây Ban Nha vẫn tiếp tục phản ứng mạnh mẽ, cho rằng chính quyền cảnh báo muộn về những nguy hiểm của lũ lụt còn các cơ quan tình trạng khẩn cấp cũng đã không hành động đủ nhanh trong thảm kịch đã làm ít nhất hơn 200 người thiệt mạng. Đây là thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất châu Âu trong 5 thập niên qua.
Cơ quan Khí tượng quốc gia Tây Ban Nha (AEMET) cho biết tại khu vực Chica của Valencia, một lượng mưa “phi thường” đã trút xuống nên đã gây bất ngờ cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, giải thích ấy không thuyết phục được số đông dân chúng. Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng “đây là thực tế đáng sợ của biến đổi khí hậu”, đồng thời nói thêm rằng hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã trở thành “trạng thái bình thường mới” và “chúng ta phải chuẩn bị để đối phó với nó, trên toàn Liên minh châu Âu (EU) bằng mọi công cụ mà chúng ta có”.
Tiến sĩ Linda Speight, giảng viên tại Khoa Địa lý và Môi trường (SoGE) của Đại học Oxford, cho ràng, Tây Ban Nha nói riêng và EU nói chung đã chủ quan trước sức mạnh khủng khiếp của nước.
“Thật không may, đây không còn là những sự kiện hiếm hoi nữa. Biến đổi khí hậu đang thay đổi cấu trúc của hệ thống thời tiết, tạo ra những điều kiện khiến những cơn giông bão dữ dội kéo dài trên một khu vực dẫn đến lượng mưa phá kỷ lục, một mô hình mà chúng ta liên tục chứng kiến nhưng lại không có cách ứng phó hiệu quả ” - tiến sĩ Speight nói.
Hannah Cloke, giáo sư thủy văn tại Đại học Reading, cho biết thật “kinh hoàng” khi chứng kiến quá nhiều người chết vì lũ lụt ở châu Âu mặc dù các nhà dự báo đã dự đoán lượng mưa cực lớn và đưa ra cảnh báo. “Thảm kịch người chết trong xe hơi và bị cuốn trôi trên đường phố hoàn toàn có thể tránh được nếu mọi người có thể tránh xa mực nước lũ dâng cao. Điều này cho thấy hệ thống cảnh báo mọi người về mối nguy hiểm của lũ lụt ở Valencia đã thất bại, với hậu quả chết người. Rõ ràng là mọi người không biết phải làm gì khi đối mặt với lũ lụt hoặc khi họ nghe thấy cảnh báo” - giáo sư Cloke nói.
Còn số đông người dân Valencia lại chất vấn: Tại sao phải chờ đến 8 giờ tối 29/10, cơ quan bảo vệ dân sự mới đưa ra cảnh báo kêu gọi người dân không ra khỏi nhà trong khi Cơ quan thời tiết quốc gia, Aemet, đã ban hành cảnh báo đỏ cho khu vực này ngay từ sáng và tình hình xấu đi trong suốt cả ngày. Đáng nói nữa là đến đầu buổi tối, cơ quan khu vực chịu trách nhiệm điều phối các dịch vụ khẩn cấp mới được thành lập. Đối với nhiều người, thời điểm đó là quá muộn. Cảnh báo được đưa ra khi một số người đã bị mắc kẹt trên đường, giữa dòng nước lũ dữ dội thì sẽ không còn tác dụng.
Julian Ormeno, 66 tuổi, sống tại vùng ngoại ô Sedavi của thành phố Valencia, cho biết: "Họ báo động khi nước đã tràn vào. Lúc đó đâu cần phải báo cho tôi biết rằng lũ sắp đến nữa".
Một người đàn ông khác nói với trang tin Eldiario.es rằng anh ta đã bị kẹt trong xe với nước ngập đến ngực. "Ngay sau 20 giờ, khi tôi đã ở trong nước ngập đến tận cổ và nuốt bùn trong một giờ, cảnh báo từ cơ quan bảo vệ dân sự mới vang lên".
Còn theo Liz Stephens, giáo sư về rủi ro và khả năng phục hồi khí hậu (Đại học Reading): "Mọi người đáng ra không phải chết vì những hiện tượng thời tiết có thể được dự báo như thế này. Trận lũ lụt kinh hoàng ở Tây Ban Nha cho thấy chúng ta còn một chặng đường rất dài phải đi để chuẩn bị cho những sự kiện như thế và thậm chí còn tệ hơn trong tương lai".
Theo giáo sư Hayley Fowler Đại học Newcastle (Anh), các thảm họa "là lời cảnh tỉnh cho thấy khí hậu của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng". Bà nói thêm rằng "cơ sở hạ tầng của chúng ta không được thiết kế để ứng phó với mức độ lũ lụt như thế này", đồng thời cho biết nhiệt độ nước biển ấm lên "phá kỷ lục" sẽ gây ra những cơn bão mang theo lượng mưa cực lớn ở một địa điểm cụ thể, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang trở nên dữ dội, kéo dài và xảy ra thường xuyên hơn vì biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Sau trận lũ lụt kinh hoàng, Thủ tướng Tây Ban Nha thông báo chính phủ nước này dành gói hỗ trợ trị giá 10,6 tỷ euro (11,55 tỷ USD) nhằm tái thiết khu vực ven biển phía đông gần Valencia bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ quét.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Sanchez nêu rõ chính phủ có kế hoạch chi 838 triệu euro để trao tiền mặt trực tiếp cho những nạn nhân trong thảm họa lũ lụt. Cơ quan tín dụng ICO của chính phủ sẽ đảm bảo khoản vay lên tới 5 tỷ euro cho các công ty vừa và nhỏ, những hộ gia đình và cá nhân tự kinh doanh để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết. Số tiền còn lại sẽ được dành cho những người bị ảnh hưởng thông qua miễn nộp thuế và phúc lợi, cũng như các khoản thanh toán để thay thế tài sản, sửa chữa đường bộ và đường sắt...
Tuy nhiên điều đó vẫn là chưa đủ khi hiểm họa vẫn rình rập, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng.
Cách thành phố Vienne chuẩn bị cho lũ lụt 5.000 năm có một
Bão Boris gây ra trận lụt mới nhất ở một trong những thời kỳ mưa lũ hoành hành nhiều nhất ở châu Âu trong 500 năm qua, nhưng thành phố Vienne gần như không bị ảnh hưởng , với ước tính 10 người bị thương nhẹ và 15 ngôi nhà phải sơ tán.
Hệ thống quản lý lũ lụt tiên tiến của thành phố đã cản được lượng lớn nước. “Nước Áo thực sự đầu tư vào quản lý lũ lụt trong nhiều thập niên qua, ít nhất do chúng tôi từng trải qua hai đợt lũ lụt lớn trong năm 2002 và 2013"- Gunter Bloschl, nhà thủy văn kiêm giám đốc Trung tâm Hệ thống tài nguyên nước của Đại học Công nghệ Vienne, người giúp định hướng chiến thuật quản lý nguy cơ lũ lụt của Áo, cho hay.
Hệ thống phòng chống lũ lụt của Vienne được thiết kế để xử lý lưu lượng nước lũ 14.000 m3/giây, tương đương lũ lụt 5.000 năm có một. Một trận lũ lụt lớn cỡ đó từng xảy ra vào năm 1501. Trụ cột của hệ thống phòng chống ngập lụt này là hòn đảo nhân tạo mang tên đảo Danube Island và kênh kiểm soát lũ lụt New Danube. Cả hai đều được xây dựng vào thập niên 1970. New Danube bị ngăn lại bởi đập nước, tạo ra một vùng hồ.
Đập nước được mở trước khi lũ tới và dòng kênh dẫn nước chảy qua trong 3 - 4 ngày, giúp giảm tải cho sông Danube chảy qua Vienne. "Khi xem xét tác động của lũ lụt, chúng tôi nhận thấy hệ thống chống lũ lụt rất đáng giá. Thiệt hại mà chúng tôi tránh được cao hơn nhiều so với mức đầu tư vào hệ thống. Đây là một câu chuyện thành công" - Bloschl chia sẻ.
PHAN QUANG VŨ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/thay-gi-sau-tham-hoa-valencia-10296483.html