Thấy gì từ đợt cắt giảm việc làm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ?

Thấy gì từ đợt cắt giảm việc làm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ?
5 giờ trướcBài gốc
Kinh tế Mỹ trước làn sóng cắt giảm việc làm lớn nhất lịch sử. (Nguồn: The Hill)
Mặc dù quy mô chính xác của việc cắt giảm việc làm vẫn chưa rõ ràng, nhưng bằng chứng cho thấy, con số này ít nhất là hàng chục nghìn người.
Chính quyền Tổng thống Trump đã chỉ đạo các cơ quan liên bang sa thải nhân viên thử việc. Đây là những nhân viên mới được tuyển dụng, mới làm việc trong chính phủ liên bang chỉ một hoặc hai năm và chưa có đầy đủ quyền bảo vệ công vụ.
Theo dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ, tính đến tháng 5/2024, có khoảng 220.000 nhân viên liên bang có thời gian làm việc dưới một năm.
Bên cạnh đó, một quan chức trong chính quyền của nền kinh tế lớn nhất thế giới cho biết, hơn 75.000 nhân viên liên bang đã chấp nhận gói trợ cấp thôi việc. Họ đồng ý nghỉ việc, nhưng vẫn được trả lương đến tháng 9/2025.
Tổng số của hai nhóm - gần 300.000 người - khiến động thái này trở thành "đợt cắt giảm việc làm lớn nhất trong lịch sử Mỹ", theo nhận định của bà Callie Cox, chiến lược gia thị trường trưởng tại Ritholtz Wealth Management.
Con số đó chưa bao gồm những người khác có thể bị sa thải, chẳng hạn như các nhà thầu làm việc tại Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ.
Mất việc làm có thể gây khó khăn lớn về tài chính cho các hộ gia đình. Những người lao động bị ảnh hưởng nếu không nhanh chóng tìm được việc mới sẽ phải chật vật xoay xở khi không có nguồn thu nhập ổn định.
Mặc dù trợ cấp thất nghiệp có thể tạm thời hỗ trợ phần nào cho những người đủ điều kiện, nhưng theo dữ liệu của Bộ Lao động, trung bình khoản trợ cấp này chỉ bằng khoảng 1/3 mức lương trước đó.
Ông Ernie Tedeschi, Giám đốc kinh tế từ Trung tâm nghiên cứu tài chính thuộc Đại học Yale nhận định: "Hậu quả kinh tế của việc sa thải giống như hiệu ứng domino, lan rộng khắp các nền kinh tế địa phương, ảnh hưởng cả những doanh nghiệp dường như không có bất kỳ mối liên hệ nào với chính phủ liên bang".
Ông giải thích rằng, những người bị sa thải sẽ giảm chi tiêu tại các cơ sở kinh doanh địa phương như quán cà phê, nhà hàng và nhà trẻ.
Thêm vào đó, các nhà kinh tế chỉ ra tác động tâm lý từ các đợt sa thải hàng loạt. Những nhân viên liên bang khác, vì lo sợ mất việc, cũng có thể thắt chặt chi tiêu và trì hoãn các khoản mua sắm lớn.
Sự bất ổn khiến các doanh nghiệp có liên kết với chính phủ liên bang hoặc lực lượng lao động liên bang e ngại tuyển dụng và đầu tư.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế không cho rằng làn sóng cắt giảm việc làm này sẽ gây tác động quá lớn đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Ông Tedeschi, người từng là chuyên gia kinh tế trưởng tại Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng dưới thời chính quyền ông Joe Biden cho rằng, nếu khoảng 200.000 nhân viên thử việc mất việc, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm của Mỹ sẽ chỉ giảm khoảng 0,1%.
"Bản thân việc này sẽ không gây ra suy thoái", ông khẳng định.
Trong khi đó, chuyên gia Ryan của Capital Economics cho rằng, quy mô sa thải liên bang tương đối nhỏ so với toàn bộ thị trường lao động Mỹ, vốn đã tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm trong năm 2024.
Ông dự đoán hầu hết nhân viên liên bang bị mất việc sẽ nhanh chóng tìm được việc làm mới do nền kinh tế đang gần đạt trạng thái toàn dụng lao động.
Vị chuyên gia này tiết lộ: "Capital Economics không hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ vì đợt sa thải này, ngay cả khi đã tính các tác động gián tiếp đến nền kinh tế".
(theo CNBC)
Việt An
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/thay-gi-tu-dot-cat-giam-viec-lam-lon-nhat-trong-lich-su-nuoc-my-305424.html