Quý II/2025 chứng kiến bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán có nhiều biến động. Bên cạnh những con số tăng trưởng ấn tượng, chiều ngược lại ghi nhận số lượng công ty báo lỗ bất ngờ gia tăng.
Số công ty báo lỗ tăng vọt
Thống kê cho thấy, 15 trong số 17 công ty thua lỗ quý này từng có lãi trong cùng kỳ năm ngoái, mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) hồi phục tích cực, dần trở về đỉnh cùng khối lượng giao dịch gia tăng, những phiên tỷ USD xuất hiện trở lại và dư nợ margin của nhiều công ty chứng khoán (CTCK) lập kỷ kục.
Có thể thấy, đây là quý hiếm hoi ghi nhận mức chênh lệch lớn giữa tăng trưởng tổng ngành và suy giảm lợi nhuận tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm có quy mô nhỏ hoặc thị phần hạn chế. Đáng chú ý, có những đơn vị từng báo lãi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý II/2024 nhưng sang năm nay đã lỗ sâu, phản ánh mức độ phân hóa ngày càng rõ rệt của thị trường.
Bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán có nhiều biến động trong quý II/2025.
Tiêu biểu cho xu hướng chuyển trạng thái là Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS). CTCK này báo lỗ sau thuế 106 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lãi 101 tỷ đồng. Doanh thu của TPS cũng giảm gần một nửa.
Hay như Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) - CTCK có vốn hóa trên nghìn tỷ đồng. Trong quý II/2024, công ty mẹ từng báo lãi hơn 121 tỷ đồng nhưng sang năm nay đã lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng.
Còn Chứng khoán BOS (ART) vẫn “trượt dài” với mức lỗ hơn 38 tỷ đồng – quý lỗ thứ 10 liên tiếp và sâu thứ hai kể từ khi hoạt động. Doanh thu giảm 78% còn 73 tỷ đồng, trong khi chi phí gấp 6 lần. Công ty cũng không thuyết minh chi tiết nguyên nhân khoản chi phí khác hơn 42 tỷ đồng – yếu tố chính khiến lỗ lớn. Lỗ lũy kế đến thời điểm 30/6 là 903 tỷ đồng.
Chứng khoán Trí Việt (TVB) cũng rơi vào trạng thái lỗ, với 27 tỷ đồng, đảo chiều mạnh so với quý II/2024.
Ngoài ra, còn nhiều công ty khác từng có lãi nhưng đã lỗ trở lại như Chứng khoán EVS – mã: EVS (lỗ 8 tỷ đồng), Chứng khoán APG – mã: APG (7 tỷ đồng), VISC – mã: VIG (17 tỷ đồng), hay VTGS (10 tỷ đồng).
Đối với các công ty có quy mô nhỏ, tình hình cũng không khả quan hơn. Chứng khoán CV (CVS) – công ty liên quan đến hệ sinh thái MoMo, tiếp tục báo lỗ gần 7 tỷ đồng trong quý II dù doanh thu tăng hơn 140%. Chi phí hoạt động và quản lý vẫn lớn hơn đáng kể so với thu nhập khiến doanh nghiệp kéo dài chuỗi lỗ sang quý thứ 12 liên tiếp. Lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 đã chạm 135 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, các CTCK top đầu vẫn báo lợi nhuận hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Dẫn đầu ngành là Chứng khoán TCBS với lợi nhuận sau thuế đạt 1.420 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính, tăng 32% so với quý trước và 8% so với cùng kỳ 2024. Lũy kế 6 tháng, TCBS đạt 3.043 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 53% kế hoạch năm.
Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 923 tỷ đồng, cao nhất trong 14 quý gần đây. Nửa đầu năm, SSI đạt 5.015 tỷ đồng doanh thu và 1.742 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cùng tăng 11%.
Chứng khoán VIX (VIX) cũng là cái tên nổi bật nhất với lợi nhuận sau thuế đạt 1.302 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần quý II/2024 và lập kỷ lục mới. Tính chung 6 tháng đầu năm, VIX đạt 2.956 tỷ đồng doanh thu và 1.674 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – vượt 40% kế hoạch năm chỉ sau nửa chặng đường.
Còn LPBS ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt 206 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty và cao gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 246,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng không thể nhắc tới một số công ty lớn “hụt hơi” như Chứng khoán Vietcap (VCI), FPTS (FTS), HSC (HCM).
Sự phân hóa ngày càng rõ rệt
Nhìn chung, sự phân hóa trong ngành chứng khoán đang trở nên rõ rệt hơn khi các CTCK top đầu vẫn báo lợi nhuận tăng mạnh, còn phần lớn các công ty quy mô nhỏ đang phải đối mặt với bài toán sống còn.
Có thể thấy, đa phần CTCK trong danh sách lỗ không có thị phần môi giới đáng kể, quy mô vốn điều lệ ở mức thấp và hoạt động chủ yếu dựa vào tự doanh hoặc margin – hai mảng chịu ảnh hưởng mạnh khi thị trường biến động.
Xu hướng chuyển từ lãi sang lỗ của 15 CTCK trong một quý là tín hiệu đáng lưu ý, cho thấy những rủi ro đang tích tụ ở nhóm doanh nghiệp thiếu nền tảng tài chính vững chắc. Trong bối cảnh thị trường tiếp tục khó lường, bài toán tái cấu trúc, cắt giảm chi phí và xây dựng nguồn thu ổn định sẽ trở thành vấn đề sống còn đối với nhóm công ty này.
Điều đó dường như cũng được thể hiện ngay trên sàn chứng khoán. Trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang trải qua giai đoạn tưng bừng nhất trong nhiều năm trở lại đây, VN-Index liên tục đi lên mạnh mẽ, vượt 1.500 điểm với giao dịch đầy sôi động, cổ phiếu các CTCK cũng không đứng ngoài cuộc vui. Tuy nhiên, hầu hết ghi nhận sự tăng giá mạnh mẽ lại đến từ các CTCK top đầu.
Theo quan sát, từ đầu tháng 7, cổ phiếu VIX (+62%), SHS (+35%), SSI (+30%), VCI (+18%), HCM (+18%), VND (+11%),… đều đồng loạt tăng mạnh, thậm chí có mã vượt đỉnh lịch sử.
Với nhịp tăng này, định giá cổ phiếu của các cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua cũng thay đổi đáng kể. Theo thống kê, P/B trung bình của nhóm chứng khoán ước tính vào khoảng 2 lần, trong khi chỉ số P/E trung bình vào khoảng 22 lần. Đây là mức định giá không thật sự hấp dẫn.
Theo cập nhật từ báo cáo tài chính quý II, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm như SSI (2,3 lần), HCM (2,7 lần), VCI (2,4 lần), MBS (2,4 lần) có mức định giá khá cao với P/B vào khoảng 2-2,5 lần. Các cổ phiếu này cũng có P/E vào khoảng 20-30 lần.
Mặt khác, một số CTCK top đầu có định giá thấp hơn như VIX (1,8 lần), SHS (1,4 lần), VND (1,5 lần) với P/B dưới mức trung bình ngành. P/E của 3 cổ phiếu này chưa đến 20 lần. Với lợi nhuận đột biến trong quý II vừa qua, VIX nằm trong nhóm có P/E thấp nhất ngành. Trong khi đó, 2 cái tên SHS và VND thường xuyên nằm trong nhóm có P/B thấp nhất ngành, dưới 1,5 lần.
Cần phải nhấn mạnh rằng, các cổ phiếu có mức định giá cao cũng có những lợi thế cạnh tranh nhất định như thị phần, quy mô, tiềm năng tăng trưởng,… Điển hình, SSI dù có P/B 2,3 lần – cao hơn trung bình ngành nhưng là CTCK có vốn hóa cao nhất ngành, vốn chủ sở hữu cao thứ 2 ngành, thị phần trong top đầu, room cho vay còn rất dồi dào…
Mặt khác, một số cổ phiếu có định giá thấp đang tồn tại những vấn đề như thị phần có dấu hiệu bị thu hẹp, room cho vay còn nhiều nhưng vốn đọng ở các hoạt động đầu tư khác khiến nguồn bị hạn chế,… Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng của nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, nhìn chung, nhóm cổ phiếu các CTCK không rẻ nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng và định giá chỉ là một trong những yếu tố để cân nhắc khi lựa chọn cổ phiếu. Ngoài ra, nhà đầu tư nên xem xét khẩu vị rủi ro của chính mình, nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề nội tại của từng CTCK, năng lực vốn, khả năng nắm bắt cơ hội khi nâng hạng,…
Hải Giang