Thiếu nữ 17 tuổi ở Hà Nội bị nhóm thanh, thiếu niên hành hung tại hồ điều hòa Yên Sở (quận Hoàng Mai).
Những hình ảnh và âm thanh chói tai từ clip – tiếng chửi mắng, la hét, cười đùa xen lẫn tiếng van xin đau đớn – đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Ngay sau khi clip lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, cơ quan công an nhanh chóng vào cuộc, xác định danh tính các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Điều này cho thấy, sự việc có thể sẽ rơi vào im lặng nếu các clip không được đăng công khai lên mạng xã hội, vì không ít trường hợp, các nạn nhân không muốn tố giác do sợ bị ảnh hưởng cá nhân, hoặc nhiều sự vụ bị coi là nhỏ, “chuyện thường ngày”, nên dễ bị bỏ qua. Có thể xem các clip như một dạng tin báo tố giác nhằm góp phần trấn áp tội phạm đường phố đang nhức nhối hiện nay.
Mạng xã hội – kênh tố giác tội phạm hữu ích
Thời gian gần đây, bạo lực đường phố không chỉ xảy ra do mâu thuẫn bộc phát, mà có những vụ việc trở thành "trào lưu" đáng sợ. Nhiều vụ đánh hội đồng được dàn dựng, quay clip và tung lên mạng nhằm khoe "bản lĩnh", thể hiện "đẳng cấp". Thậm chí, có những kẻ không hề sợ hãi, còn nhờ người quay lại "chiến tích" để tự hào đăng tải.
Không riêng vụ việc tại hồ điều hòa Yên Sở, hàng loạt vụ bạo lực khác cũng khiến dư luận phẫn nộ.
Ngày 10-2, tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội): Chỉ vì một va chạm giao thông, một người đàn ông đi xe Lexus đã liên tiếp dùng tay đánh vào người, vào mặt nam shipper, lấy mũ bảo hiểm liên tục đập vào đầu nạn nhân, bất chấp sự can ngăn của người đi đường.
Ngày 18-2, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An): Một học sinh lớp 11 mặc áo shipper bị một người đàn ông đi bộ băng qua đường đánh gãy mũi chỉ vì một va chạm nhẹ khi dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư.
Ngày 18-1, tại thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương): Một tài xế xe ôm công nghệ, thuê phòng ở trọ một khu dân cư bị cả nhóm thanh niên truy đuổi, đánh hội đồng dã man gây đa chấn thương. Khi nạn nhân gục xuống, một thanh niên lái xe máy còn tông liên tục vào nạn nhân đến khi nạn nhân nằm bất động, các đối tượng mới rời đi. Trước đó, cũng tại Thuận An, ngày 12-1, một tài xế taxi công nghệ bị nhóm thanh niên dùng mũ bảo hiểm và ghế kim loại lao vào đánh hội đồng gây thương tích chỉ vì tranh cãi trong giao thông…
Mạng xã hội có thể là nơi lan truyền tin tức xấu, độc, nhưng trong các trường hợp trên, nó lại đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần tố giác tội phạm. Nếu không có những đoạn clip ghi lại bằng chứng rõ ràng được cộng đồng lan truyền trên mạng và lên án gay gắt, có lẽ nhiều vụ đã bị "chìm xuồng".
Một nữ học sinh lớp 9 bị đánh hội đồng phải nhập viện cấp cứu hồi cuối tháng 2-2024 tại xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Cắt từ clip
Chế tài nghiêm khắc kết hợp nâng cao ý thức cộng đồng
Sự vào cuộc nhanh chóng của lực lượng công an sau khi các clip được lan truyền là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả tố giác tin báo qua mạng xã hội.
Minh chứng, vụ thiếu nữ bị đánh tại hồ Yên Sở: Công an quận Hoàng Mai đã tạm giữ hình sự ba nghi phạm, làm rõ năm đối tượng liên quan; Vụ hành hung nam shipper ở quận Tây Hồ: Công an đã khởi tố vụ án hình sự và tạm giữ nghi phạm; Vụ hành hung nam sinh lớp 11 ở Nghệ An: Công an đang củng cố hồ sơ xử lý đối tượng đánh người theo quy định của pháp luật. Vụ tài xế công nghệ bị đánh hội đồng ở Bình Dương: Ba nghi phạm bị tạm giữ hình sự, điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Ngoài ra, rất nhiều vụ việc khác cũng được điều tra, xử lý dựa trên bằng chứng từ các clip trên mạng xã hội. Việc tận dụng nguồn dữ liệu này giúp công an nhanh chóng xác minh danh tính nghi phạm, nạn nhân và tiến hành điều tra kịp thời.
Theo luật sư Trần Hoàng Vũ (Giám đốc Công ty Luật AEC, Đoàn Luật sư Hà Nội), tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, những người tham gia đánh hội đồng có thể bị phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Mức án có thể dao động từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí lên đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cùng với việc xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, cốt lõi của vấn đề vẫn nằm ở việc nâng cao ý thức cá nhân trong giải quyết xung đột một cách hòa bình. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần chung tay giáo dục thế hệ trẻ về cách ứng xử văn minh, kiềm chế bạo lực và tôn trọng luật pháp, góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn, văn minh.
Dung Nhi