Thấy gì từ phản ứng của Iran và Israel sau vụ không kích

Thấy gì từ phản ứng của Iran và Israel sau vụ không kích
24 phút trướcBài gốc
Một tấm biển ở Tehran mô tả tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là "những kẻ hiếu chiến". Ảnh: New York Times.
Trong bình luận công khai đầu tiên kể từ khi máy bay chiến đấu Israel tấn công Iran hôm 26/10, Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định đây là đợt trả đũa cho vụ việc Iran phóng tên lửa vào nước này hôm 1/10. Ông cho biết các cuộc không kích đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho khả năng phòng thủ và sản xuất tên lửa của nước này.
Theo các quan chức Iran và Israel, đợt tấn công đã phá hủy hệ thống phòng không bảo vệ các địa điểm năng lượng quan trọng, nhưng không gây thiệt hại cho các cơ sở này. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã thúc giục Israel không nhắm vào các khu vực dầu mỏ và hạt nhân của Iran.
Tham mưu trưởng quân đội Israel, Trung tướng Herzi Halevi, ra tín hiệu nước này đã chuẩn bị để hành động mạnh mẽ hơn nữa nếu bị tấn công.
“Chúng tôi mới chỉ sử dụng một phần năng lực. Chúng tôi có thể làm được nhiều hơn thế. Chúng tôi đã tấn công các khu vực chiến lược của Iran. Điều này rất quan trọng. Và chúng tôi sẽ theo sát diễn biến hiện tại. Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi kịch bản trên mọi mặt trận”, ông nói.
Iran hiện phải quyết định xem có nên đáp trả hay không.
Hôm 27/10, Lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, cho biết “không nên phóng đại hay hạ thấp” các cuộc không kích. Theo New York Times, duờng như nhà lãnh đạo không kêu gọi phải trả đũa một cách rõ ràng.
Trước đó một ngày, mặc dù các quan chức nhấn mạnh Iran có quyền đáp trả, Tổng thống Masoud Pezeshkian tuyên bố sẽ “trả đũa mọi sự ngu ngốc bằng sự khôn ngoan và chiến lược”.
Những bình luận từ Israel và Iran được đưa ra khi các quan chức Israel và Mỹ đang trên đường tới Qatar nhằm khôi phục các cuộc đàm phán vốn bị đình trệ lâu nay, cố gắng thúc đẩy lệnh ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh: New York Times.
Tia sáng đàm phán dần nối lại?
Hôm 27/10, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Israel, David Barnea, đã lên lịch tham gia đàm phán ngừng bắn tại Qatar. Giám đốc CIA William J. Burns cùng với Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, dự kiến cũng tham gia.
Nếu đúng theo kế hoạch, đây là cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi Israel giết chết thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar gần hai tuần trước. Các quan chức Mỹ cáo buộc ông Sinwar là trở ngại lớn nhất với lệnh ngừng bắn. Sau cái chết của vị thủ lĩnh, các quan chức Mỹ và Qatar vẫn chưa rõ liệu Hamas có đồng ý ngồi lại vào bàn hay không.
Văn phòng thủ tướng Israel cho biết các cuộc họp sẽ tập trung vào một số sáng kiến, trong đó một sáng kiến do Ai Cập cùng Qatar đề xuất đã đóng vai trò trung gian giữa Israel và Hamas.
Hôm 27/10, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi chia sẻ đề xuất này kêu gọi một lệnh ngừng bắn tạm thời trong 48 giờ. Trong thời gian đó, Hamas sẽ thả 4 con tin bị bắt từ ngày 7/10/2023, còn Israel sẽ thả người Palestine. Sau đó, Israel và Hamas sẽ tổ chức đàm phán chuyên sâu trong 10 ngày tiếp theo để tìm cách đạt được thỏa thuận lâu dài.
Đề xuất này là sự thay đổi lớn so với khuôn khổ hiện tại, trong đó kêu gọi ngừng bắn theo từng giai đoạn, bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn kéo dài sáu tuần. Israel và Hamas đã không thể phá vỡ bế tắc của kế hoạch này, mặc dù đã đối thoại ngắt quãng suốt nhiều tháng.
Hamas nhiều lần nhấn mạnh mọi thỏa thuận phải bao gồm việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza và chấm dứt hành động quân sự. Ngược lại, ông Netanyahu khẳng định Israel sẽ không chấm dứt chiến dịch cho đến khi tiêu diệt Hamas và tất cả con tin được thả. Có thông tin cho rằng ít nhất 1/3 trong số 101 con tin mắc kẹt ở Gaza đã thiệt mạng.
Lễ tưởng niệm tại một nghĩa trang quân đội ở Jerusalem hôm 27/10. Ảnh: New York Times.
Hôm 27/10, Israel đã tưởng niệm một năm vụ tấn công ngày 7/10/2023 theo lịch Do Thái. Có mặt trong một sự kiện, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ám chỉ khả năng cần đạt được thỏa thuận ngoại giao với Hamas.
“Không phải mọi mục tiêu đều có thể đạt được thông qua hành động quân sự. Vũ lực không phải là mục đích cuối cùng. Liên quan tới việc trao trả các con tin, chúng ta sẽ phải chấp nhận những nhượng bộ đau đớn”, ông nói.
Bạo lực vẫn chưa dừng lại
Dẫu vậy, các cuộc không kích của Israel ở Dải Gaza vẫn chưa có hồi kết. Hôm 26/10, một đợt tấn công vào thị trấn Beit Lahia ở phía bắc Gaza đã cướp đi sinh mạng và làm bị thương hàng chục người.
Quân đội Israel thông báo họ tấn công vào các chiến binh Hamas và đã tìm cách “giảm thiểu nguy cơ thiệt hại cho dân thường”. Israel đã nối lại đợt tấn công quân sự ở phía bắc Gaza cách đây vài tuần, nhắm vào những nơi họ cho là có sự hiện diện của Hamas.
Kể từ đó, 60.000 người ở phía bắc Gaza buộc phải di dời và tình hình tại đây “không thể chấp nhận được”, Stéphane Dujarric - phát ngôn viên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - cho biết hôm 27/10.
Ông Dujarric mô tả về "mức độ tử vong, thương tích và tàn phá khủng khiếp ở phía bắc, với dân thường mắc kẹt dưới đống đổ nát, người bệnh và người bị thương không được chăm sóc sức khỏe, các gia đình thiếu thức ăn và nơi trú ẩn".
Trong khi đó, tại miền Nam Lebanon, Bộ Y tế hôm 27/10 cho biết một cuộc tấn công gần thành phố ven biển Sidon đã làm 8 người thiệt mạng và 25 người khác bị thương. Quân đội Israel hiện chưa bình luận về vụ việc.
Ở miền Nam Lebanon, Israel đang giao tranh với lực lượng Hezbollah, nhóm Hồi giáo theo dòng Shiite hùng mạnh được Iran hậu thuẫn, đồng minh của Hamas. Song Sidon chủ yếu là nơi sinh sống của người Hồi giáo theo dòng Sunni, và nhiều người Lebanon đã chạy trốn đến đây vì giao tranh.
Lebanon cho biết hơn 2.600 người đã thiệt mạng kể từ tháng 10/2023, khi Hezbollah bắt đầu bắn tên lửa và máy bay không người lái vào Israel để hỗ trợ Hamas.
Cùng ngày 27/10, quân đội Israel thông báo Hezbollah đã phóng khoảng 90 tên lửa và rocket vào nước này, một số phương tiện đã bị chặn lại.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/thay-gi-tu-phan-ung-cua-iran-va-israel-sau-vu-khong-kich-post1507316.html