Vào một buổi chiều chủ nhật, hàng trăm người đứng xếp hàng bên ngoài Berghain - câu lạc bộ nhạc techno (thể loại nhạc điện tử) khét tiếng ở Berlin (Đức) - suốt nhiều tiếng đồng hồ.
Những vị khách đứng dọc con đường đầy bụi bặm, đang đổ mồ hôi trong bộ trang phục màu đen, đều khao khát được vào bên trong club - nơi nổi tiếng với chính sách ra vào cửa nghiêm ngặt, có đội hình DJ ngôi sao và những bữa tiệc khoái lạc kéo dài 36 giờ.
Berghain nổi tiếng là câu lạc bộ techno hàng đầu thế giới nhưng những gì diễn ra bên trong không được phép ghi hình và phát tán trực tuyến.
Những người đến đây được cảnh báo ngay từ cửa rằng chụp ảnh và quay video bị cấm. Bất kỳ ai vi phạm đều bị đuổi ra. Để đảm bảo việc tuân thủ, nhân viên ở cửa sẽ dán sticker ở mặt trước và mặt sau điện thoại thông minh của khách hàng, che đi camera của họ.
Điều này nghe có vẻ quá đáng với những vị khách, nhưng chính sách cấm camera từ lâu đã trở thành thông lệ chuẩn mực của các câu lạc bộ ở Berlin. Nó được coi là công cụ quan trọng để duy trì bầu không khí thoải mái và các hộp đêm khắp thế giới đang noi theo Berlin.
Bảo vệ không khí tiệc tùng
Những hộp đêm hàng đầu, như Fabric ở London (Anh) và Radion ở Amsterdam (Hà Lan), đều đã đưa ra quy định dán camera tương tự. Tháng trước, Pikes, một club nằm trên hòn đảo Ibiza - nơi được mệnh danh là "thiên đường ăn chơi" của giới thượng lưu ở Tây Ban Nha - cũng đã yêu cầu tất cả du khách che camera của họ để "những gì xảy ra ở Pikes sẽ ở lại Pikes".
Cấm quay phim, chụp ảnh là một thông lệ tại các hộp đêm ở Berlin.
Teá Abashidze, người sáng lập Basement, một câu lạc bộ nhạc điện tử ở Brooklyn (Đức) đã đưa ra quy định dán camera điện thoại của khách đến vui chơi từ năm 2019.
Trong email phỏng vấn với The New York Times, Abashidze cho biết đây là một phần của "sự thay đổi văn hóa" hướng tới "những trải nghiệm chân thực, không bị phân tâm". Bà nói rằng hộp đêm của mình đã thực hiện nghiêm ngặt quy định này, đôi khi đuổi một số người vi phạm ra ngoài mỗi đêm.
Daniel Plasch, đồng giám đốc của RSO tại Berlin, cho biết sự phổ biến ngày càng tăng của chính sách cấm camera khắp thế giới phản ánh sự đánh giá cao đối với tinh thần hộp đêm của thành phố này.
"Các thành phố khác đều có club, nhưng Berlin có văn hóa club riêng. Có điều gì đó thống nhất, mang tính nghi lễ về sàn nhảy ở đây", Plasch nói, cho biết bầu không khí trong vũ trường sẽ bị phá hỏng khi mọi người dùng điện thoại để chụp những bức ảnh "dù sao thì họ cũng không xem lại bao giờ".
Chiến lược tiếp thị thông minh
Trong những thập kỷ gần đây, văn hóa hộp đêm ở Berlin đã trở nên chuyên nghiệp hơn và các hộp đêm như Berghain và Tresor trở thành điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của thành phố. Theo một nghiên cứu năm 2019 của Ủy ban Câu lạc bộ thành phố, du khách đến Berlin để đi hộp đêm đã đóng góp khoảng 1,7 tỷ USD cho nền kinh tế của thành phố.
Quy định không chụp ảnh vẫn là một trong số ít cách để các hộp đêm này duy trì bầu không khí phản văn hóa bất chấp lượng khách du lịch đổ về. Stathis Tsitinis, một DJ người Berlin, cho biết anh đã nhận thấy sự bùng nổ về sở thích đối với nhạc techno ở giới trẻ trên Internet trong thời kỳ đại dịch.
Những chiếc sticker được dán lên camera điện thoại giúp bảo vệ riêng tư và cảm xúc của khách hàng khi tận hưởng bữa tiệc âm nhạc.
Nhiều người lần đầu đến đây không hiểu nhiều về luật bất thành văn của các hộp đêm ở Berlin, bao gồm lệnh cấm chụp ảnh, nên việc dán camera điện thoại để ngăn họ chụp ảnh, quay video là rất quan trọng.
"Trước đây, bạn là một phần của cộng đồng và bạn biết các quy tắc, nhưng bây giờ bạn không thể kiểm soát chất lượng của những khách hàng đến club", Tsitinis nói. "Bạn có muốn xuất hiện trong ảnh của ai đó mặc quần lót jockstrap không? Không phải ai cũng thích điều đó".
Matthias Pasdzierny, giáo sư về âm nhạc tại Đại học Nghệ thuật Berlin, cho biết lệnh cấm chụp ảnh là cách cho phép các câu lạc bộ khẳng định "quyền lực và quyền kiểm soát" đối với hình ảnh của họ.
"Càng ít hình ảnh về một thứ gì đó thì nó càng trở nên thú vị hơn. Đó là một chiến lược tiếp thị rất thông minh", ông nói.
Ông cho biết mọi người có một nỗi "ám ảnh vô lý" về việc muốn biết những gì xảy ra bên trong hộp đêm. Vị giáo sư lấy ví dụ về ảnh minh họa của một bài báo trên tờ Sueddeutsche Zeitung, một tờ báo Đức, vào năm 2009 cho thấy nội thất của hộp đêm Berghain được vẽ hoàn toàn từ trí nhớ. "Điều đó khiến nó có vẻ như một câu chuyện cổ tích", ông nói.
Vào một đêm chủ nhật gần đây, những người xếp hàng để vào RSO, nơi bữa tiệc âm nhạc diễn ra trong 20 giờ, đều nhất trí ủng hộ chính sách dán camera của hộp đêm.
Zandra Hedlund (41 tuổi), một lập trình viên chuyển đến Berlin từ Thụy Điển, cho biết cô đánh giá cao luật này khi nó giúp mọi người tận hưởng không gian tích cực về tình dục mà không lo hình ảnh của họ bị đăng lên mạng.
"Khi mọi người chụp ảnh gần tôi, tôi thấy lo lắng về ngoại hình của mình hoặc phải cố gắng tránh xuất hiện trong ảnh", cô nói, bày tỏ rằng lệnh cấm chụp ảnh khiến cô cảm thấy "thoải mái hơn".
Đinh Phạm
Ảnh: New York Times