Hơn 60% dân số tham gia thương mại điện tử
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã có 1 thập kỷ tiến hóa mạnh mẽ. Đánh giá của Bộ Công Thương, thương mại điện tử tại Việt Nam giai đoạn này trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng.
Đáng nói, ở từng giai đoạn dù gặp phải không ít thách thức nhưng ngành thương mại điện tử vẫn duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế số của khu vực.
Livestream bán hàng đã trở thành một kênh mua sắm của giới trẻ trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Phương Thảo
Ví dụ giai đoạn 2016 - 2020, trong bối cảnh nhiều quốc gia phát triển chứng kiến sự chững lại ở lĩnh vực này thì Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình 24% mỗi năm, đạt doanh thu bán lẻ 11,8 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Số lượng người tiêu dùng trực tuyến ước tính đạt 49 triệu người, với giá trị mua sắm trung bình mỗi người lên tới 240 USD.
Ngay cả giai đoạn 2021- 2024, chứng kiến sự bùng phát và ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 gây ra nhiều gián đoạn nghiêm trọng cho nền kinh tế - xã hội toàn cầu thì thương mại điện tử Việt Nam vẫn là lĩnh vực duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, đạt 18% trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh.
Đặc biệt năm 2024, doanh số thương mại điện tử B2C Việt Nam đã đạt tới 25 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, tỷ lệ dân số tham gia thương mại điện tử đạt trên 60%, với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD/người/năm.
Giờ đây, mua sắm trực tuyến là kênh bán hàng phổ biến không chỉ tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… mà ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Báo cáo của công ty tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI, tổng giao dịch trên 4 sàn đa ngành lớn nhất gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki năm 2024 đạt 13,8 tỷ USD, tăng kỷ lục 40% so với 2023.
Chỉ trong một tháng (từ ngày 20/12/2024-19/1/2025), riêng mặt hàng áo dài, người Việt đã chi 189,6 tỷ đồng để mua sản phẩm này trên hai sàn thương mại điện tử Shopee và TikTok Shop. Bên cạnh đó, trong dịp Tết 2025, các nhóm hàng, ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh trên các sàn thương mại điện tử là sản phẩm làm đẹp (chăm sóc da mặt, chăm sóc tóc), thời trang, bộ quà tặng Tết… cũng "nóng" trên các sàn thương mại điện tử.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - đánh giá: “Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”.
Cùng quan điểm với lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, giới chuyên gia bày tỏ: Thương mại điện tử ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ phổ biến trong cộng đồng người tiêu dùng mà còn được doanh nghiệp xem là hình thức kinh doanh thiết yếu.
Năm 2025: Hướng mốc 45 tỷ USD
Mặc dù mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam vẫn rất rộng lớn, với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử từ 18 - 25% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ trong cả giai đoạn vừa qua, dự kiến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 45 tỷ USD. Cơ sở cho nhận định này, bởi Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử hấp dẫn nhất khu vực, nhờ vào tiềm năng tăng trưởng lớn và các điều kiện phát triển thuận lợi. Với dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ sử dụng Internet cao, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chuyển dịch một phần ngân sách chi tiêu sang các kênh thương mại điện tử.
Bên cạnh đó phải nói thêm, từ năm 2024, livestream bán hàng không còn là xu hướng mà đã trở thành một kênh mua sắm của giới trẻ trên các sàn thương mại điện tử. Những buổi phát trực tiếp với hàng nghìn lượt xem, các sản phẩm cháy hàng chỉ trong vài phút đang diễn ra ngày càng nhiều và dần trở thành một kênh phân phối của ngành bán lẻ.
Điển hình tại sự kiện Online Friday 2024 diễn ra những ngày cuối tháng năm 2024, chỉ trong Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday 2024 đã có gần 4.750 video hưởng ứng được đăng tải trên TikTok, hơn 900 phiên livestream bán hàng trên TikTok Shop đã được thực hiện. Tổng số lượt xem các nội dung có gắn hashtag #OnlineFriday và #TuHaoHangViet 1,8 tỷ lượt; 83 nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết hưởng ứng chiến dịch.
Năm 2025, phương thức livestream bán hàng tiếp tục được nhận định sẽ phát triển hơn nữa khi tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng top đầu của khu vực Đông Nam Á. Nắm bắt xu hướng này, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh chiến lược tiếp thị qua mạng xã hội, livestream bán hàng, chương trình khuyến mại hấp dẫn, nhằm góp phần thu hút người tiêu dùng…
Tuy nhiên trong một khảo sát 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc mới đây của Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo cho thấy, còn hơn 66% nhà bán hàng quy mô nhỏ và vừa chưa sử dụng livestream. Họ chưa ứng dụng được livestream vì còn thiếu hiểu biết về cách vận hành hoặc thiếu nguồn lực.
Để không tụt lại phía sau, giới chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động đón đầu xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Mặt khác, nhà bán hàng cần đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và quy định ngày càng chặt chẽ của nền tảng khi phát trực tiếp.
Số liệu khảo sát 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc của Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo: 100% nhà bán hàng dự định năm 2025 đều mở rộng kênh bán trực tuyến như TikTok Shop, Shopee, Facebook... Điều này cho thấy nhà bán hàng vẫn xem các kênh online là trọng tâm, khẳng định vị thế của thương mại điện tử trong bán lẻ hiện đại.
Tâm An