"Con đường cao tốc đẹp nhất", "cao tốc nổi tiếng nhất mạng xã hội dành cho các KOL", hay "con đường mộng mơ - nơi gặp gỡ giữa núi và biển"... là loạt bài đăng được cư dân mạng Trung Quốc viết về đại lộ Thương Nhĩ - đường cao tốc Thương Nhĩ Đại Đạo (苍洱大道), nằm ở thành phố Đại Lý (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Hơn 17.000 người tạo video và hơn 190 triệu lượt xem, hastag Thương Nhĩ Đại Đạo #苍洱大道 trên nền tảng Douyin của Trung Quốc đã biến con đường cao tốc nối liền điểm du lịch hồ Nhĩ Hải và dãy núi Thương Sơn trở thành tọa độ check-in hot nhất mạng xã hội trong vài năm trở lại đây.
Thậm chí, trào lưu check-in tại đại lộ này tạo thành xu hướng lan tỏa rộng rãi trên diễn đàn quốc tế, trong đó có nhiều bạn trẻ Việt Nam với loạt video "trend Đại Lý" những ngày qua.
Trào lưu check-in trên cao tốc
Thực tế, trào lưu check-in tại đường cao tốc Thương Nhĩ Đại Đạo xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội Trung cách đây từ vài năm trước.
Cụ thể, cuối 2018, một số tài khoản Douyin chia sẻ video chụp ảnh trên tuyến đường ven hồ Nhĩ Hải, nhận được lượng lớn lượt thích và bình luận. Sau đó nhiều bức ảnh chụp tại đây lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng như Weibo, WeChat, Xiaohongshu (Little Red Book) và rầm rộ nhất là trong khoảng thời gian từ năm 2019 - khi nền tảng video ngắn Douyin/TikTok trở nên phổ biến.
Đại lộ Thương Nhĩ là địa điểm check-in không chính thức trong hành trình của nhiều du khách đến Đại Lý, Trung Quốc. Ảnh: @santourtgiare, @youxiu.
Trend chụp ảnh trên đường cao tốc trở thành xu thế xuất phát từ tâm lý muốn khác biệt. Ngày nay du khách không còn hài lòng với ảnh chụp ở điểm đến thông thường mà muốn có tấm ảnh độc nhất, mạo hiểm.
Trong khi đó, đại lộ Thương Nhĩ gần Đại học Đại Lý sở hữu lối đi thẳng tắp dẫn đến hồ Nhĩ Hải (một trong những hồ nước ngọt lớn và đẹp nhất Tỉnh Vân Nam) ở cuối đường, bao quanh xung quanh là dãy núi Thương Sơn (Cangshan). Khung cảnh giữa đường cao tốc với phông nền núi - hồ, vừa độc đáo vừa "ăn ảnh", đúng tiêu chí "sống ảo" của các bạn trẻ.
Video ghi cảnh "nhân vật chính" hòa mình vào cảnh người xe đi lại tấp nập, không gian rộng lớn lại được lồng ghép trên nền bản nhạc Sick Enough to Die của MC Mong năm 2010 ngụ ý đã tìm được cách buông bỏ người thương lập tức "gây sốt" và trở thành hiệu ứng FOMO (fear of missing out - sợ bỏ lỡ) lan truyền rộng khắp trong giới trẻ tại Trung Quốc.
Từ năm 2018 đến khoảng năm 2020, cao tốc Thương Nhĩ trở thành điểm đến "hot", đặc biệt vào mùa du lịch (mùa xuân và mùa hè).
Đại Lý vốn là một điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc, với lượng khách du lịch mỗi năm lên đến hàng triệu lượt. Cùng với độ nổi tiếng trên mạng xã hội, cao tốc Thương Nhĩ trở thành một điểm check-in không chính thức trong hành trình của nhiều du khách. Tâm lý “đến Đại Lý phải chụp ảnh kiểu này mới chất” lan truyền khắp các diễn đàn du lịch nội địa.
Bắt nhịp xu hướng này, nhiều nhiếp ảnh gia sẵn sàng đem đạo cụ đến "tác nghiệp" phục vụ khách hàng. Thậm chí một số người dựng quầy hàng ven đường bán cà phê, đồ ăn vặt, theo Upstream News.
Nhiều bạn trẻ Việt Nam "bắt trend" Đại Lý bằng cách check-in một số điểm tương tự như Sương Nguyệt Anh (Đà Lạt), con dốc ở xã Nhơn Hải (Quy Nhơn), rừng thông Măng Đen (Kon Tum)... Ảnh: @haocadidaudo, @dalatcuavy, @phuongtali_2709, @dicunglan.
Những tưởng đã "nguội trend", các video về khoảnh khắc check-in tại Đại Lý bỗng nhiên được chia sẻ trên nền tảng TikTok Việt Nam từ đầu năm 2025. Kéo theo đó là hàng loạt clip "bắt trend" của các bạn trẻ và tín đồ du lịch với hình ảnh check-in một số địa điểm trong nước có view tương tự.
Nổi bật trong số đó phải kể đế dốc Sương Nguyệt Anh (phường 9, Đà Lạt), con dốc xã Nhơn Hải (Bình Định), dốc Rồng (Thùy Vân, Vũng Tàu)...
Để "đu trend", một số bạn trẻ ở TP.HCM không ngần ngại di chuyển hàng trăm km, chi tiền để thuê videographer (người quay video) để ghi lại những thước phim tuyệt đẹp. Nhiều điểm đông kín bạn trẻ đến chờ xếp hàng, "sống ảo" từ sáng sớm bình minh cho đến hoàng hôn.
Nguy cơ từ trào lưu
Các bức ảnh có thể trông tuyệt đẹp trên mạng, nhưng việc dừng xe đứng trên đường cao tốc (thường được thiết kế cho phương tiện di chuyển với tốc độ 80-120 km/h trở lên) làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra tai nạn.
"Đừng đến đại lộ Thương Nhĩ để chụp ảnh nữa" là một trong những lời phàn nàn của người dân địa phương ở Đại Lý, Vân Nam, theo Upstream News.
Biển báo cảnh báo do Cảnh sát giao thông thuộc Cục Công an thành phố Đại Lý dựng lên. Ảnh: QQ.
Bà Kong, đang sống ở Đại Lý, chia sẻ với tờ báo địa phương rằng từng chứng kiến du khách đổ xô ra đại lộ để chụp ảnh. Nhiều người dựng gian hàng lấn chiếm lòng, lề đường, gây mất mĩ quan đô thị và bị người dân khiếu nại lên các sở ban ngành có liên quan.
Xiao Zhou, một nhiếp ảnh gia và chuyên gia trang điểm tại Đại Lý, cho biết: "Trước đây, nơi này ngày nào cũng đông đúc. Các quán cà phê hai bên đường gần như nằm giữa đường. Một số chủ quán thậm chí còn cãi vã và tranh giành vị trí. Bây giờ, du khách không được phép chụp ảnh giữa đường".
Không chỉ Đại Lý, trào lưu check-in giữa đường cao tốc còn được báo cáo ở những điểm du lịch nổi tiếng như xa lộ sa mạc ở Dubai, hay các tuyến đường vành đai đẹp như tranh vẽ ở Iceland...
Ngày 9/1, Đội Cảnh sát giao thông thuộc Cục Công an thành phố Đại Lý, thông tin thời gian gần đây đơn vị đang kiểm soát chặt chẽ đường Thương Nhĩ, chủ yếu là cảnh báo và ngăn chặn khách du lịch đến chụp ảnh check-in.
"Mỗi ngày sẽ có cảnh sát trực tại điểm. Phòng quản lý đô thị cũng sẽ quản lý những người bán hàng rong và nếu ảnh hưởng đến giao thông, cảnh sát giao thông cũng sẽ xử lý", đại diện Đội Cảnh sát giao thông cho biết.
Từ tháng 11/2020, Cảnh sát giao thông địa phương đã lắp đặt biển cảnh báo ở hai bên ngã tư đường Thương Sơn và đường Thương Nhĩ, nội dung ghi rõ: "Người đi bộ không được ngồi, nằm, dừng lại chụp ảnh hoặc có hành vi khác gây cản trở an toàn giao thông trên làn đường lái xe".
Con đường xuống xã Nhơn Hải bị các bạn trẻ "đóng chiếm" để chụp ảnh "đu trend". Ảnh: Bình Định Trong Tôi.
Cách làm này cũng được áp dụng tương tự tại Việt Nam khi tình trạng nhiều bạn trẻ lao ra giữa đường để chụp ảnh "đu trend" đang gia tăng đáng kể.
Tại con dốc xuống xã Nhơn Hải (Quy Nhơn, Bình Định), chỉ trong một ngày ra quân, lực lượng chức năng đã xử lý, nhắc nhở hơn 20 trường hợp du khách đứng giữa đường chụp ảnh, bất chấp nguy hiểm về an toàn giao thông.
"Chúng tôi muốn đảm bảo an toàn cho các bạn trẻ và người tham gia giao thông. Quay phim, chụp ảnh để giới thiệu điểm đến là tốt, nhưng an toàn vẫn là trên hết", ông Thắng cho biết trên Tri Thức - Znews.
Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê về hậu quả khi liều mình "sống ảo", nhưng vài năm gần đây liên tục xuất hiện các trường hợp thương vong do chụp ảnh tại khu vực nguy hiểm.
Tháng 1/2021, phượt thủ người Sơn La bị rách sâu ở đùi sau khi rơi xuống khe đá thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lúc "sống ảo". Tháng 7/2022, một du khách ở Đà Năng trượt chân ngã tử vong khi leo lên thác cao chụp ảnh.
Quỳnh Trang