Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong (nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) với VietTimes.
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng việc VinSpeed và THACO đề xuất làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, cho thấy Nghị quyết 68 đang bắt đầu đi vào thực tiễn cuộc sống.
- Ông đánh giá thế nào về hiệu ứng tích cực từ Nghị quyết 68 qua việc VinSpeed của Vingroup, THACO đề xuất đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam?
- Rõ ràng việc hai tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup và THACO chủ động đăng ký làm một siêu dự án hạ tầng quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc – Nam là một tín hiệu rất tích cực bước đầu trong triển khai Nghị quyết 68. Điều này thể hiện niềm tin của khu vực tư nhân vào định hướng phát triển mới của Đảng và Nhà nước. Có thể tới đây sẽ có nhiều công ty nữa sẽ đăng ký tham gia bởi đường sắt cao tốc Bắc – Nam là dự án rất lớn của quốc gia.
Có thể nói Nghị quyết 68 không chỉ khẳng định vai trò “động lực quan trọng nhất” của kinh tế tư nhân, mà còn mở ra cơ hội để tư nhân tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực chiến lược – điều trước đây vốn được xem là “sân chơi” của khu vực công.
Tôi coi đây là bước chuyển từ “thụ hưởng chính sách” sang “chủ động kiến tạo”, là minh chứng rõ ràng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám gánh vác của doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, để những đề xuất này trở thành hiện thực, cần có cơ chế pháp lý rõ ràng, minh bạch, và đặc biệt là sự đồng hành, giám sát hiệu quả từ Nhà nước.
- Theo ông, khả năng hiện thực hóa các đề xuất này đến đâu?
- Việc hai tập đoàn tư nhân lớn như VinSpeed (Vingroup) và THACO đề xuất đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa còn phụ thuộc vào năng lực thực tế của doanh nghiệp – từ tài chính, công nghệ, đến khả năng quản trị dự án quy mô lớn và những chính sách, hỗ trợ từ Nhà nước.
Đây là những dự án có yêu cầu rất cao, nên dù có khát vọng, doanh nghiệp trước tiên vẫn cần chứng minh được năng lực và khả năng triển khai thực tế.
- Trong bối cảnh này, Nhà nước nên ứng xử như thế nào để vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư, vừa khuyến khích khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào các dự án chiến lược, thưa ông?
- Chúng ta cần tạo các điều kiện để cho kinh tế tư nhân làm các dự án lớn. Hiện tại, kinh tế tư nhân như “một thanh niên” đang lớn, nếu không cho phép tự lập, tham gia làm việc lớn, sợ những điều này, điều kia thì làm sao lớn được?
Việc VinSpeed và THACO đăng ký làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam - đề xuất vẫn đang được nghiên cứu, đánh giá từ nhiều bộ, ngành. Tuy nhiên, trường hợp dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được giao cho doanh nghiệp tư nhân trong nước thực hiện thì siêu dự án này sẽ mở ra bước đột phá lớn nhất từ trước đến nay cả về nhận thức, thể chế và tâm lý của cả hệ thống chính trị và xã hội.
Việc hai tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup và THACO chủ động đăng ký làm một siêu dự án hạ tầng quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc – Nam được đánh giá là một tín hiệu rất tích cực bước đầu trong triển khai Nghị quyết 68.
Dự án sẽ là thước đo năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và minh chứng sự trưởng thành vượt bậc của khu vực kinh tế tư nhân cả về năng lực và khát vọng cống hiến, minh chứng thuyết phục nhất trong việc triển khai Nghị quyết 68 vào thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta thời gian tới.
Tuy nhiên, điều quan trọng Nhà nước phải có một “bài toán” cho doanh nghiệp tư nhân trong nước với các điều kiện rất cụ thể, kỹ lưỡng – từ cơ chế vay nợ, trả nợ, hỗ trợ, yêu cầu kỹ thuật, thời hạn, lộ trình, chất lượng công trình, cho đến các điều kiện trước – trong – và sau khi hoàn thành dự án. Tức là phải có các dự án khả thi, được chuẩn bị bài bản. Trên cơ sở đó, mới có thể tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu hoặc yêu cầu các doanh nghiệp liên danh, liên kết để triển khai. Khi đó, mới có thể đánh giá được khả năng hiện thực hóa đến đâu.
Tóm lại, Nhà nước không chỉ là nhà thiết kế và quản lý “luật chơi”, mà còn phải là người mua, đặt hàng lớn nhất, phải giao dự án lớn, việc lớn tầm quốc gia cho kinh tế tư nhân làm và tất nhiên, kèm theo các kịch bản, với các tình huống giả định và có cơ chế giám sát, kiểm soát, điều chỉnh và quản lý hiệu lực và hiệu quả, phòng ngừa cho mọi tình huống phát sinh để tránh tất cả các mặt trái có thể xảy ra.
Nếu cả xã hội đồng thuận và chính sách Nhà nước tốt để cho tư nhân làm thành công đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì đó chính là đột phá lớn nhất và cũng chính là “phép thử” cho toàn bộ chính sách của Đảng ta về kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
- Không chỉ giao nhiệm vụ đặt hàng doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc, Nghị quyết 68 còn khơi thông động lực, đề ra nhiều giải pháp nhiệm vụ thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển. Vậy doanh nghiệp tư nhân cần làm gì đón đầu, tận dụng chủ trương, chính sách, ưu đãi sẽ được thể chế hóa từ Nghị quyết 68, thưa ông?
- Để chuẩn bị đón đầu, tận dụng những chủ trương, chính sách, ưu đãi sẽ được thể chế hóa từ Nghị quyết 68, tôi cho rằng các doanh nghiệp tư nhân cần thực hiện một số bước đi chiến lược sau:
Thứ nhất, cần minh bạch hóa và hoàn thiện các dự án sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các dự án có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của các công trình hạ tầng lớn như đường sắt cao tốc. Đây là nền tảng để tiếp cận vốn, đối tác và các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước.
Thứ hai, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn lực nội tại – từ nhân lực chất lượng cao, công nghệ, cơ sở hạ tầng đến năng lực quản trị. Những nguồn lực này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao mà còn tạo lợi thế cạnh tranh khi tham gia đấu thầu hoặc hợp tác trong các dự án trọng điểm.
Thứ ba, cần tăng cường tích hợp dữ liệu và thông tin liên quan đến môi trường đầu tư, quy hoạch hạ tầng, các dự án lớn để kịp thời nắm bắt cơ hội. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực phân tích, dự báo và kết nối chiến lược.
Một điểm đặc biệt quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – yếu tố then chốt cùng với công nghệ để giải quyết các thách thức trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông!
Bảo Trâm