Thấy gì từ vụ cô dâu bị nhóm đàn ông trói vào cột điện ở Trung Quốc

Thấy gì từ vụ cô dâu bị nhóm đàn ông trói vào cột điện ở Trung Quốc
9 giờ trướcBài gốc
Một cô dâu bị trói vào cột trong đám cưới ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Tôn trọng truyền thống là điều quan trọng trong đám cưới của người Trung Quốc. Có nhiều phong tục cô dâu chú rể nước này phải thực hiện trong hôn lễ, từ dâng trà đến chải tóc, tượng trưng cho sự chuyển đổi sang cuộc sống trưởng thành.
Các trò chơi cũng là một phần quan trọng trong đám cưới của người Trung Quốc trên khắp thế giới.
Ví dụ, "chuangmen" - chú rể cùng các phù rể đến nhà cô dâu và gõ cửa nhà trong ngày trọng đại - ra đời từ quan niệm rằng cô dâu là đứa con gái được cưng chiều và không dễ dàng bị gả đi.
Bên cạnh đó, theo nền tảng đám cưới Bride and Breakfast, các phù dâu còn thường tổ chức các thử thách và yêu cầu chú rể hoàn thành nhiệm vụ để "giành" được cô dâu của mình.
Chẳng hạn, trò chơi có tên "chuyền lá rong biển" yêu cầu chú rể và phù rể đứng thành hàng, dùng miệng chuyền nhau một miếng rong biển hình vuông. Tương tự, trong một trò khác, chú rể và đội hỗ trợ phải chuyển cho nhau một quả cam hoặc táo bằng cằm. Có trường hợp, chú rể phải di chuyển ngửa người qua dưới một đoạn dây hoặc thanh gỗ để tượng trưng cho mức độ anh sẽ hạ mình vì người thương như thế nào.
Đối với trò "4 hương vị của hôn nhân", chú rể phải ăn hoặc uống thứ gì đó ngọt, chua, đắng, cay - những vị đại diện cho nhiều khía cạnh của hôn nhân. Trong "tiền trao cháo múc", phù dâu sẽ giữ cô dâu làm con tin đến khi chú rể đưa cho họ đủ số lượng phong bao lì xì chứa tiền. Hay trò "hỏi - đáp" sẽ kiểm tra độ hiểu biết của chú rể về cô dâu. Mỗi khi trả lời sai, anh sẽ phải gập bụng.
Nhiều hoạt động náo hôm bị biến tướng gây phản cảm.
Những trò chơi này chủ yếu đem lại sự vui vẻ trong ngày trọng đại của hai nhân vật chính và khá lành mạnh. Tuy nhiên, cũng có những phong tục dễ bị lợi dụng để đi quá trớn như "náo hôn", phổ biến ở các vùng nông thôn Trung Quốc.
Theo nghĩa đen là "làm náo loạn đám cưới", tạo không khí vui vẻ, một số bạn bè, người thân quen có thể thực hiện một số trò bắt nạt cô dâu chú rể có chừng mực. Tuy nhiên vài năm gần đây, nhiều vụ "náo hôn" cực đoan làm dấy lên mối lo ngại hoạt động này đã vượt qua ranh giới truyền thống vui vẻ bình thường.
Mạng xã hội Trung Quốc từng lan truyền video một cô gái mặc trang phục cưới truyền thống ở tỉnh Sơn Tây bị nhóm đàn ông trói vào cột điện. Trong video, tiếng kêu cứu của cô bị những người qua đường phớt lờ. Hình ảnh này khiến nhiều người xem trên mạng xã hội giận dữ.
Vào tháng 1/2023, một cô dâu khác bị nhóm đàn ông lực lưỡng đè lên người, sau đó xịt bọt vào mặt cô. Sự việc xảy ra tại thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông.
Chính quyền nhiều địa phương ở quốc gia tỷ dân đang cố gắng xóa bỏ các hủ tục này. Vào năm 2021, chính quyền thành phố Châu Bình, tỉnh Sơn Đông đã cấm các "hành vi thô tục tại đám cưới" đồng thời kêu gọi "cải cách các truyền thống đám cưới".
Tờ Dezhou Daily ở tỉnh Sơn Đông bình luận: “Những trò đùa thô tục trong đám cưới không phải là phong tục, mà là sự hiểu sai về phong tục... Chúng tôi kêu gọi mọi tầng lớp trong xã hội cùng chung tay nói không với những trò đùa thô tục trong đám cưới”.
Biến tướng
Phong tục bắt nạt trong đám cưới ở Trung Quốc có thể bắt nguồn từ thời nhà Hán (206 TCN-220 SCN) song các hoạt động không phải lúc nào cũng thô tục hay bạo lực.
Trước đây, những trò chơi này là cách để giúp phá vỡ sự ngại ngùng giữa cô dâu và chú rể bởi nhiều cặp đôi ngày trước thường kết hôn do mai mối, gần như ít gặp mặt cho đến ngày cưới.
Náo hôn cũng là cách tạo ra bầu không khí vui vẻ cho các cặp đôi và gia đình hai bên hay được cho giúp xua đuổi tà ma.
Theo thời gian, không ít vụ bắt nạt cực đoan trong đám cưới được ghi nhận khiến nhiều người phẫn nộ. Một trong số đó là vụ một chú rể bị cởi hết quần áo, chỉ còn lại quần lót và tất, hay một người khác cũng bị lột gần như khỏa thân và phủ đầy trứng rồi bị đánh đập, hoặc một chú rể bị dán pháo nổ vào người. Trong khi đó, từng có vụ phù dâu bị sờ mó, phun bọt chữa cháy vào người.
Một số trường hợp khác được ghi lại bị người xem chỉ trích là hành vi cấu thành quấy rối tình dục và tấn công tình dục. Trong một video lan truyền, người cha say rượu của chú rể ôm con dâu mới và cưỡng hôn cô ngay trên sân khấu.
Nhiều vụ bắt nạt được ghi lại khiến dân mạng phẫn nộ.
Năm 2017, một chú rể ở tỉnh Sơn Đông đã bất tỉnh sau khi đập đầu xuống vỉa hè do bị bạn bè quăng lên cao rồi ném xuống. Năm 2018, một người đàn ông thậm chí kiện nhóm phù rể của mình sau khi anh bị ôtô đâm phải trên đường chạy trốn những kẻ bắt nạt quá trớn. Anh bị nứt hộp sọ, chảy máu trong và phải nằm viện 2 tuần.
Ở một trò đùa khác, nhóm bạn trói chú rể vào một cái cột, ném trứng, đánh anh bằng tre và bôi mực khắp người khiến anh phải chạy trốn vào dòng xe cộ đông đúc.
"Tôi bị tra tấn trong ngày cưới nhiều đến nỗi nổi giận. Họ đuổi theo tôi và tôi gần như không thể thấy gì vì bị bôi mực khắp người", chú rể kể lại.
Trong một video khác được quay tại tỉnh Hồ Nam, một chú rể bị nhiều vết cắt sâu sau khi bị khách đánh roi. Đoạn phim lan truyền còn cho thấy những vị khách cười cợt và xát muối vào vết thương của anh.
Những hình ảnh bắt nạt xấu xí trong hôn lễ cũng được các nhà làm phim Trung Quốc đưa lên màn ảnh rộng. Năm 2022, bộ phim truyền hình The Story of Xing Fu do Zheng Xiaolong đạo diễn đề cập đến chủ đề này.
Bộ phim lấy bối cảnh một ngôi làng ở nông thôn với sự tham gia của diễn viên Triệu Lệ Dĩnh. Cô chứng kiến em gái bị một nhóm dân làng quấy rối trong đám cưới. Bộ phim dài 40 tập kể lại cuộc chiến giành công lý của cô, chống lại một số thành viên có ảnh hưởng trong làng.
Mai An
Ảnh: Sohu, QQ, The Paper
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-tu-vu-co-dau-bi-nhom-dan-ong-troi-vao-cot-dien-o-trung-quoc-post1508938.html