29 năm qua, thầy Hoàng Xuân Dục gắn bó với học sinh, đồng bào tộc Chứt ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh NVCC.
Xã “4 không”
Những ngày này, lũ đổ về làm các lớp học sinh ở điểm trường bản Kè, bản Chuối (Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Hóa, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) phải nghỉ học thường xuyên. Thế nhưng bên những biển nước ngập giữa núi rừng, người ta lại thấy thầy giáo Hoàng Xuân Dục bọc cặp sách, quần áo cẩn thận vào túi bóng để vượt qua các đoạn nước ngập để đến với lớp xóa mù chữ. Khung cảnh quen thuộc đó 29 năm qua đã không còn xa lạ với bà con đồng bào nơi đây.
“Mấy hôm nay bản Kè nước chảy xiết quá nên chỉ có thể tổ chức học vào buổi sáng, còn cây cầu đi qua bản Chuối ngập nên một nửa học sinh đến trường được thôi, tuy vậy, chúng tôi vẫn đi dạy với tinh thần không làm ngắt quãng chương trình”, thầy Dục cho biết.
Cứ mưa lũ hàng năm, thầy trò Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Hóa lại phải học tập trong điều kiện vất vả như trên nhưng vẫn chưa là gì khi so về điều kiện thời thầy Dục mới về dạy.
Lớn lên cũng chính tại nơi đây, thầy Hoàng Xuân Dục từ khi còn đi học đã đau đáu về hoàn cảnh “4 không” của xã Lâm Hóa - quê hương mình: không điện, không đường, không trường học, không nước sạch. Dân số lại có đến 50% là đồng bào dân tộc ít người, nạn mù chữ hoành hành. Từ đó thầy quyết chí học tập quay về giúp đỡ bà con.
Năm 1995, khi mới vào học Trường Cao Đẳng Sư phạm Quảng Bình được 1 năm, vì thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT đã phân công thầy về công tác tại Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Hóa giảng dạy xóa mù chữ.
Khi ấy, thầy Dục không khỏi bỡ ngỡ trước những học trò dân tộc Chứt. Ấn tượng đầu tiên khi về điểm trường bản Kè khiến thầy nhớ mãi: “Nhiều em thấy thầy giáo mới là người lạ thì vô cùng sợ và rụt rè, nhất là những em độ 5 – 6 tuổi thì chạy mất tăm”.
Tình thế đó khiến thầy Dục không khỏi trăn trở làm sao để hòa đồng với những học trò mới này. Vậy là, thầy giáo trẻ lúc đó đã xây dựng một kế hoạch với phương châm “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các em.
Thời điểm lúc ấy có khi một tháng thầy chỉ về nhà một lần, những ngày khác đều ở bản để dẫn học trò lên rừng, dùng hình ảnh trực quan để dạy học.
“Thầy trò cùng nhau đi câu cá, khi bắt được con cá bống thì các em reo lên bằng tiếng dân tộc. Những lúc như vậy, tôi lại dạy học trò tiếng phổ thông đọc, nói như thế nào”, thầy chia sẻ và cho biết thêm dù vậy tỉ lệ học sinh đến trường vẫn chưa cao.
Nhờ sự gần gũi đó đã ghi điểm trong mắt đồng bào dân tộc Chứt ở bản Kè đến nỗi khi thầy chuyển công tác sang bản Chuối năm 2008, cứ mỗi độ chủ nhật về lại bản Kè, cả bản từ lớn tới nhỏ đều ra chào đón, riêng già làng mang biếu thầy Dục cả con gà.
“Hôm đó tôi đi bộ từ đường 15 đến bờ sông Gianh để lội sông về bản thì thấy học trò đã ngồi ở bờ cát ngóng thầy từ khi nào. Các em người xách túi, người ôm quần áo, bị gạo giúp thầy, lúc đó quả thực vui đến nỗi quên hết mệt nhọc”, thầy cảm động chia sẻ.
Sau nhiều năm giảng dạy tại xã Lâm Hóa, danh tiếng về người thầy nhiệt tình đã lan sang cả bản Chuối, bản Cáo, không chỉ các em đến tuổi đến trường mà cả lớp thanh niên, người già cũng xin đi học để xóa mù chữ.
Thầy Dục nhớ lại bước khởi sắc đó: “Để đáp ứng được nhu cầu học của đồng bào, chúng tôi phải chia ra dạy nhiều lớp, có khi quá tải còn dạy cả buổi tối dưới ánh đèn dầu”.
Phổ cập nếp sống văn hóa
Thời điểm cuối thập niên 90, đầu năm 2000 còn in rõ trong ký ức thầy Hoàng Xuân Dục về nhiều hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại trong cộng đồng dân cư tại các bản làng. Trong đó, căn bệnh sốt rét, tả, kiết lị hoành hành do đồng bào dân tộc chưa biết uống nước đun sôi để nguội, đồ ăn lại nấu 1 lần rồi dùng cả ngày tạo môi trường cho vi khuẩn tấn công. Nhận thấy điều đó, thầy Dục đã tận tình chỉ cho bà con phương pháp phòng bệnh.
“Đầu tiên tôi tắm rửa cho từng em học sinh, sau đó giải thích cho bà con hiểu nước lá cây rừng rất tốt nhưng phải đun sôi, đồ ăn cũng phải ăn hết trong bữa chứ không lưu trữ lâu dài được. Dần dần bà con hiểu được tầm quan trọng và thay đổi được lối sống cũ”, thầy chia sẻ.
Bên cạnh đó, tục mê tín đã bám rễ lâu năm trong nhận thức của người dân ở bản làng. Thuở ấy, mỗi khi ốm đau, nhân dân các bản trong xã thường đi cúng hoặc tìm đến các “thầy thổi” trong bản với hy vọng “thổi” cho hết bệnh.
Nhiều học sinh của thầy Dục cúng mãi không khỏi ốm đành phải tìm đến thầy giúp, những lúc ấy thầy chỉ biết thở dài: “Có lần tôi phải gọi xe ôm đưa học trò đi nhập viện ở xã khác do ủ bệnh quá lâu, sau đó khi về tôi tổ chức vận động nhân dân biết ốm đau phải đến bệnh viện, hoặc kết hợp dùng lá thuốc với kháng sinh chứ cúng thì bệnh không thuyên giảm được”.
Những năm gần đây, cuộc sống nhân dân các bản làng xã Lâm Hóa đã thay da đổi thịt, tuy vẫn còn đó khó khăn nhưng nhìn chung học sinh hiện tại có trường bán trú, có chỗ ăn, vui chơi khiến thầy Dục không khỏi vui mừng.
“Gắn bó với nhân dân bản Kè, bản Chuối, bản Cáo từ những năm đầu tiên, được chứng kiến bản làng có sự đổi khác như ngày hôm nay khiến bản thân tôi tự nhủ còn phải cố gắng hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, thầy tâm sự.
Đồng hành cùng thầy Dục nhiều năm làm công tác xóa mù chữ, thầy giáo Trịnh Xuân Báu, giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Hóa cho biết: “Thầy Dục là người tâm huyết với học trò, thời gian công tác nhiều năm nên thầy thấu hiểu tâm tư của học sinh, từ đó có sự tham mưu kịp thời với nhà trường, lại nhiệt tình với đồng nghiệp trong cả chuyên môn lẫn ngoài cuộc sống”.
Thầy giáo Hoàng Xuân Dục là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Đức Duy - Tuấn Đạt