Thầy giáo gây sốt với tranh phấn 3D sống động như thật, bảng đen hóa tuyệt tác

Thầy giáo gây sốt với tranh phấn 3D sống động như thật, bảng đen hóa tuyệt tác
5 giờ trướcBài gốc
Thầy Nguyễn Trí Hạnh sinh năm 1983, giảng dạy tại trường Hermann Gmeiner (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Từng là cựu sinh viên ngành Hội họa, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, cơ duyên đưa thầy đến với nghề giáo cao cả và thiêng liêng.
Cách đây ít năm, xuất phát từ những cuộc họp lớp, họp phụ huynh tại trường, thầy Hạnh nảy ra ý tưởng dùng phấn màu để trang trí bảng xanh trong lớp. Ban đầu chỉ là những nét chữ, họa tiết đơn giản. Dần dần, niềm say mê với hội họa thôi thúc thầy tự mày mò, nghiên cứu để sáng tạo ra những nét vẽ sống động trên bảng, tạo nên bức tranh nghệ thuật ấn tượng.
"Tôi từng vẽ tranh sơn dầu, màu nước, màu bột, nhưng khi vẽ bằng phấn trên bảng xanh thực sự không dễ dàng. Tôi phải bắt đầu như một đứa trẻ vừa học, vừa mò mẫm bởi ở Việt Nam chưa có mấy người thể hiện, cũng không có ai dạy mình", thầy Hạnh nói và cho biết, điểm khó của vẽ bằng phấn là nguyên liệu này không có sự lan màu, vì thế, từ cách cầm phấn, sử dụng các nét vẽ đều phải có kỹ thuật riêng, đòi hỏi sự sáng tạo của người thực hiện.
Bản thân thầy Hạnh từng nhiều lần thất bại trong những ngày đầu tập vẽ bằng phấn. Không bỏ cuộc, thầy tiếp tục kiên trì, luyện vẽ từ những nét đơn giản như hoa, lá, cành đến chi tiết phức tạp hơn như chân dung, sự vật.
Với thầy Hạnh, vẽ tranh bảng không chỉ là niềm vui tinh thần mà còn là cách để truyền tải những thông điệp nhân văn, sâu sắc, trước hết tới những học trò.
Mỗi bức tranh đều được nam giáo viên trau chuốt, thổi hồn một cách sinh động, trở thành tác phẩm nghệ thuật mang những thông điệp riêng ý nghĩa, được đồng nghiệp và học trò yêu thích, ngưỡng mộ. Với tác phẩm đơn giản, thầy có thể hoàn thành trong vài giờ đồng hồ, tác phẩm cầu kỳ và chi tiết hơn có thể mất tới vài ba ngày.
Trong số hàng trăm tranh được thầy Hạnh sáng tác, "Mẹ" là bức họa khiến thầy tự hào và xúc động nhất, với mong muốn thể hiện tình yêu bao la của người mẹ dành cho những đứa con. Tác phẩm được thầy thực hiện trong thời điểm mắt bị giảm thị lực, bác sĩ khuyên nên hạn chế tiếp xúc với phấn bảng. Thế nhưng tình yêu nghệ thuật khiến thầy không thể dừng lại. Khi hoàn thành bức tranh, mắt thầy nhòe lệ, phần vì đau mắt, phần vì xúc động.
Những bức vẽ đẹp như thật khiến người xem không khỏi thán phục, xuýt xoa chỉ có thời gian tồn tại ngắn ngủi trên bảng phấn. Sau đó thầy Hạnh buộc phải xóa đi để nhường chỗ cho sáng tác mới. Phấn bảng dễ lem, lại khó lưu giữ, nhưng với nam giáo viên, đó cũng chính là nét đẹp độc bản hiếm có trong hội họa.
Thầy Hạnh cho biết, sau mỗi lần hoàn thiện và đăng tải lên mạng xã hội, các bức tranh của thầy đều nhận được hàng nghìn nghìn lượt thích và chia sẻ cùng vô số lời khen từ cộng đồng mạng. Khi ấy, thầy thấy hạnh phúc vì tình yêu nghệ thuật của mình được lan tỏa rộng rãi. "Dù rất tiếc khi phải tự tay xóa những đứa con tinh thần của mình, nhưng tôi hạnh phúc vì chúng đã tồn tại vĩnh cửu trong lòng tất cả những khán giả yêu mến, chứ không thuộc về bất kỳ riêng ai", thầy Hạnh bộc bạch.
Sự hào hứng của học trò, khích lệ của đồng nghiệp chính là động lực để nam giáo viên tiếp tục nghiên cứu và cho ra những tác phẩm mới công phu, ý nghĩa hơn. Theo thầy, với chương trình giáo dục phổ thông mới, Mỹ thuật trở thành môn tự chọn, những học sinh có niềm đam mê sẽ có điều kiện phát triển kỹ năng toàn diện, trong khi thầy cô được giảng dạy, truyền đạt kiến thức môn học này cho học sinh trung học phổ thông.
Không chỉ sáng tác trên bảng phấn, thầy Nguyễn Trí Hạnh còn dành thời gian cho dự án cá nhân mang tên "Lan tỏa nghệ thuật vẽ bảng", với mục tiêu mang loại hình nghệ thuật độc đáo này đến khắp 63 tỉnh thành. Đến nay, thầy đi qua 12 tỉnh, tổ chức các buổi chia sẻ miễn phí dành cho giáo viên địa phương. Nam giáo viên hy vọng, nghệ thuật vẽ bảng bằng phấn màu sẽ sớm được công nhận, sánh ngang với các chất liệu nghệ thuật khác trong hội họa.
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/thay-giao-gay-sot-voi-tranh-phan-3d-song-dong-nhu-that-bang-den-hoa-tuyet-tac-ar925011.html