Thầy giáo khuyết tật lan tỏa nghị lực sống

Thầy giáo khuyết tật lan tỏa nghị lực sống
5 giờ trướcBài gốc
Thầy giáo Lê Thanh Tùng hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành trên máy vi tính.
Kể cho chúng tôi nghe về tình yêu với nghề giáo và ký ức những năm tháng tuổi thơ, Lê Thanh Tùng cười hiền: “Với đôi chân không lành lặn, tuổi thơ của tôi gắn liền với những đợt trị liệu, châm cứu dài ngày. Những mũi kim đau buốt đến tận xương tủy cũng không làm tôi nản chí. Bởi trong tâm niệm tôi lúc nào cũng khát khao được khỏe mạnh, đi học, chơi đùa với các bạn, đặc biệt nỗ lực để không là gánh nặng cho gia đình”.
Mặc dù được bố mẹ cho đi khám, chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng bệnh của Tùng không thuyên giảm. Để giúp con hòa nhập với bạn bè, đến tuổi cắp sách đến trường, Tùng được bố mẹ cho đi học như bao bạn cùng trang lứa. Trong giờ học Tùng hào hứng bao nhiêu thì giờ ra chơi, cậu bé Tùng với dáng người nhỏ bé, gầy gò, xanh xao, bước chân đi khó nhọc, chỉ biết đứng nép vào một góc khuất nhìn các bạn chạy nhảy, nô đùa. Có những hôm bị các bạn trêu đùa, nói lời tổn thương, Tùng chỉ biết ôm mặt tủi thân khóc. Tuy nhiên, với sự động viên của thầy, cô giáo, đặc biệt với tình yêu thương của bố mẹ luôn là động lực để Tùng cố gắng vượt lên chính mình.
Với quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng con đường học tập, Tùng đã lựa chọn học ngành công nghệ thông tin vì phù hợp với sức khỏe và niềm đam mê của mình. Do đó, Tùng luôn nỗ lực học tập tốt và thi đậu ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Vinh. Tốt nghiệp năm 2009, Tùng có 2 năm làm việc tại công ty tư nhân. Năm 2011, khi biết thông tin Trường Trung cấp nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa đang có nhu cầu tuyển giáo viên, Tùng đã nộp hồ sơ xin vào làm việc.
“Thời gian đầu tôi gặp không ít khó khăn khi chuyển từ công việc chuyên môn sang giảng dạy. Thế nhưng, hàng ngày nhìn những học sinh kém may mắn, tôi quặn lòng khi thấy bóng dáng của mình ngày xưa. Vì vậy, ngoài việc dạy kiến thức, tôi luôn gần gũi, động viên, khích lệ và truyền lửa đam mê học tập, để các em hoàn thiện hơn” - thầy Lê Thanh Tùng tâm sự.
Sự thấu hiểu, sẻ chia và lòng nhiệt huyết cống hiến của thầy Tùng luôn được học trò quý mến, trân trọng. Em Nguyễn Thị Huyền, xã Yên Phú (Yên Định) bày tỏ: “Lần đầu tiên gặp thầy, em đã cảm nhận được thầy là người vô cùng thân thiện, gần gũi. Với từng học sinh, thầy đều có phương pháp dạy khác nhau nên chúng em tiến bộ, rõ rệt từng ngày. Sự lạc quan, nghị lực sống của thầy cũng là tấm gương để em học tập và noi theo”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ánh mắt của thầy Tùng hạnh phúc khi nói về những người học trò đã tiến bộ từng ngày, nhiều em đã có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ được nhiều người cùng cảnh ngộ. Thầy cũng kể về gia đình mình, ở đó có người vợ luôn yêu thương, động viên nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Giờ đây, gia đình thầy Tùng luôn đong đầy hạnh phúc khi vợ chồng yêu thương nhau, các con chăm ngoan, học giỏi. Chính hạnh phúc gia đình là động lực để thầy tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu, tâm huyết với nghề.
Nhận xét về thầy giáo Lê Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa Hoàng Đình Tưởng, cho biết: "Thầy giáo Lê Thanh Tùng là tấm gương sáng vượt lên số phận, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để truyền đạt kiến thức cho học sinh, trở thành thầy giáo tâm huyết, mẫu mực, được đồng nghiệp nể phục, học sinh quý trọng. Sự lạc quan, nghị lực sống của thầy đã truyền “ngọn lửa” giúp học viên khuyết tật vượt qua mọi mặc cảm, tự ti, sống tích cực hơn, dám mơ ước và từng bước hiện thực hóa mơ ước ấy".
Bài và ảnh: Trung Hiếu
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/thay-giao-khuyet-tat-lan-toa-nghi-luc-song-33492.htm