Thầy giáo khuyết tật vượt lên số phận, trở thành giáo viên dạy giỏi
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi tìm về Trường THCS Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa - nơi có một người giáo viên đặc biệt, đó là thầy Đào Thanh Hương. Cảm nhận đầu tiên khi gặp thầy là một người đàn ông vui vẻ, tràn đầy năng lượng.
Thầy Hương kể, bố là bộ đội, nhập ngũ năm 1966, chiến đấu ở chiến trường phía Nam. Năm 1975, trong lần ra Bắc công tác, ông về thăm gia đình và không lâu sau đó, mẹ thầy mang thai đứa con đầu lòng.
Khi sinh ra, người mẹ và cả gia đình như chết lặng khi đứa con trai không có 2 bàn chân, không có bàn tay trái và nặng khoảng 1,8kg.
"Bố tôi đi bộ đội và bị nhiễm chất độc da cam nên sinh tôi bị khuyết tật. Nhiều người khuyên mẹ bỏ tôi đi, nhưng bằng tình yêu của người mẹ, bà đã giữ tôi lại và có tôi như ngày hôm nay", thầy Hương kể.
Thầy giáo Đào Thanh Hương đang dạy học sinh tại Trường THCS Đa Lộc.
Lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và gia đình, dù cơ thể bị khiếm khuyết, cậu bé Đào Thanh Hương phát triển khá bình thường và còn bộc lộ tư chất thông minh, ham học. Là giáo viên, mẹ cậu đã chăm bẵm, tạo điều kiện cho con ăn học để mong sau này thay đổi số phận.
Thầy Hương kể, do không có đôi bàn chân, việc tập đi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hôm ống chân bị rướm máu. Nhưng để thay đổi số phận, để được tới trường như bao bạn bè cùng trang lứa, cậu bé Hương không từ bỏ và rồi cậu cũng đi lại được bằng đôi chân không có bàn của mình.
Dù không có bàn tay trái và 2 bàn chân, thầy giáo Đào Thanh Hương vẫn vượt lên số phận trở thành giáo viên.
Cậu bé khiếm khuyết học xong tiểu học và THCS tại ngôi trường làng trong sự đùm bọc, yêu thương của gia đình và thầy cô. Lên lớp 10, nhà cách trường hơn 12km, lúc này thầy Hương phải tập đi xe đạp. Sau 3 tháng hè miệt mài luyện tập, đôi chân rướm máu và ngã trầy xước không biết bao nhiêu lần, cuối cùng cậu cũng tự đi xe đạp tới trường.
Khi đã lớn, cậu bé Hương thường nghe được những lời "bình phẩm" của bạn bè về khiếm khuyết của mình. Đây là một nỗi đau khác, nó còn lớn hơn nỗi đau về thể chất mà cậu đã phải vượt qua.
"Tôi nhận thức được rằng, mình phải mạnh mẽ, phải cố gắng học tập để thay đổi số phận, thay đổi cuộc sống", thầy giáo Đào Thanh Hương tâm sự.
Thường xuyên nhìn thấy hình ảnh người mẹ là cô giáo làng nuôi con chờ chồng, rồi bà hàng đêm chấm bài, viết thư cho người chồng nơi tiền tuyến, chàng thanh niên Đào Thanh Hương đã quyết định chọn nghề sư phạm. Năm 1995, anh thi đỗ vào khoa Văn, trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) với số điểm rất cao. Ngày nhập học, hội đồng tuyển sinh của nhà trường xác định, thí sinh Đào Thanh Hương không đủ điều kiện về sức khỏe để học tập.
Sinh ra phải chịu sự khiếm khuyết của bản thân, lớn lên trong sự mặc cảm, bằng nỗ lực, đã chạm tay vào ước mơ trở thành thầy giáo làng, nhưng không được nhập học khiến anh rất buồn.
Không đầu hàng số phận, anh đã thức suốt đêm viết "tâm thư" gửi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.
Dù chỉ có 1 tay, nhưng thầy Hương vẫn trở thành giáo viên dạy giỏi.
Đọc "tâm thư" của chàng trai khuyết tật, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có ý kiến với nhà trường tạo điều kiện cho anh học 2 năm đại cương. Nhà trường yêu cầu viết cam kết, nếu quá trình học không đảm bảo sức khỏe để theo kịp chương trình thì phải dừng học. Bằng sự thông minh, sáng dạ và nghị lực phi thường, nam sinh Đào Thanh Hương đã tốt nghiệp trường Đại học Hồng Đức xếp loại xuất sắc toàn khóa.
Ra trường, tất cả thầy cô giáo đều được phân đi miền núi công tác, riêng trường hợp của Đào Thanh Hương được "đặc cách" về quê dạy học và nay đã 28 năm thầy gắn bó với ngôi trường THCS Đa Lộc.
Cô Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc, đánh giá, thầy giáo Đào Thanh Hương có năng lực chuyên môn tốt, gương mẫu, tận tụy với mọi công việc và được học sinh, đồng nghiệp quý mến.
Từ một người khuyết tật, thầy Hương đã trở thành một giáo viên dạy giỏi của trường. Thầy Hương là giáo viên dạy giỏi cấp huyện và nhiều năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Thầy Hương là biểu tượng truyền cảm hứng cho bao thế hệ học sinh.
Tháng 4/2024, thầy Đào Thanh Hương được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen về tấm gương vượt khó vươn lên đạt thành tích cao trong công tác.
Hạnh phúc viên mãn của thầy giáo khuyết tật và cô giáo trường làng
Ngoài việc vượt lên số phận, trở thành thầy giáo trường làng thì câu chuyện của thầy Đào Thanh Hương và vợ là cô giáo Hương dạy cùng trường cũng khiến nhiều người cảm phục.
Dạy cùng tổ chuyên môn, thường xuyên tiếp xúc, gần gũi nên tình cảm giữa hai người nảy nở. Sau quá trình tìm hiểu, vun vén của bạn bè, đồng nghiệp, hai người họ đã yêu nhau và quyết định tiến tới hôn nhân.
Thầy giáo Đào Thanh Hương say sưa giảng bài cho học sinh.
Ngày thông báo với gia đình về dự định kết hôn, bố mẹ vợ phản đối dữ dội. Họ quyết ngăn cản con gái mình đến với người chồng khuyết tật. Nhưng bằng tình yêu, sự hi sinh, cô giáo Hương đã quyết tâm bảo vệ tình yêu, tiến tới hôn nhân.
Năm 2004, lễ cưới của vợ chồng thầy Hương được nhà trường, chính quyền tổ chức trang trọng tại hội trường của xã và có rất đông bạn bè người thân đến chúc phúc.
"Sau này, khi có con, tôi mới hiểu hơn về nỗi lòng và thông cảm với suy nghĩ của bố mẹ vợ. Làm cha làm mẹ ai cũng mong cho con mình kết hôn với người khỏe mạnh, đủ đầy", thầy Hương chia sẻ.
Đến nay, vợ chồng thầy giáo Hương đã có 3 người con khỏe mạnh. Người con đầu đang học đại học năm thứ 2.
"Đây là giai đoạn tôi sống hạnh phúc nhất. Cảm ơn cuộc đời đã giành những điều tốt đẹp cho tôi, đặc biệt, đã đưa vợ đến bên tôi, bồi đắp tình yêu mà không hề vụ lợi, tính toán", thầy Hương xúc động chia sẻ.
Phạm Xuân Chinh