Thầy giáo Long An là Nhà giáo tiêu biểu và sáng kiến 'lớp học đảo ngược'

Thầy giáo Long An là Nhà giáo tiêu biểu và sáng kiến 'lớp học đảo ngược'
6 giờ trướcBài gốc
Thạc sĩ Lê Trọng Đức, sinh năm 1992, giáo viên Trường Trung học phổ thông Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là một trong những thầy cô đạt danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.
Đam mê làm thầy giáo hóa học xuất phát từ biệt danh “profesor hóa”
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đức tâm sự: “Khi còn là học sinh phổ thông, tôi thường xuyên được cô giáo dạy môn Hóa học gọi lên bảng để thuyết trình, giảng giải bài tập cho các bạn trong lớp.
Lúc đó tôi nhận thấy các bạn hiểu bài và tôi được cô giáo nhận xét là có khả năng diễn đạt tốt, cô giáo đã đặt cho tôi biệt danh là “profesor hóa”, tôi rất thích điều đó”.
Thạc sĩ Lê Trọng Đức giáo viên Trường Trung học phổ thông Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. (Ảnh: NVCC)
Cô giáo dạy môn Hóa học cũng chính là người tiếp thêm động lực để thầy Đức theo đuổi nghề giáo. Thầy chia sẻ rằng, bản thân rất thích cách giảng dạy của cô và đặt quyết tâm theo đuổi nghề dạy học, truyền lửa cho các thế hệ học sinh.
Nam giáo viên tâm sự: “Tôi hoàn toàn có thể tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Hóa hữu cơ, nhưng dạy học lại là lựa chọn mà tôi cảm thấy thực sự phù hợp.
Khi giảng dạy cho học sinh trung học, tôi nhận thấy các em học sinh ở độ tuổi này bắt đầu hình thành những ước mơ, nhận thức đầu tiên về thế giới và tương lai của mình. Chính vì vậy, tôi luôn nỗ lực không chỉ để các em hiểu bài, mà còn để các em yêu thích và cảm nhận được tầm quan trọng của môn học.
Tôi nhận thấy rằng, hóa học phổ thông chính là nền tảng cho các ngành khoa học và công nghệ, tôi thấy mình có trách nhiệm trong việc xây dựng nền tảng ấy thật vững chắc cho học sinh", thầy Đức bộc bạch.
Bên cạnh công việc giảng dạy, thầy Đức còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học sinh tham gia thông qua các cuộc thi.
"Mỗi năm tôi đều hướng dẫn các em học sinh tham gia cuộc thi khoa học dành cho học sinh trung học. Tôi rất vui khi thấy các em có thể tìm ra những sáng kiến, ý tưởng mới mẻ", thầy Đức chia sẻ.
Thầy Đức cùng các em học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học (Ảnh:NVCC)
Đối với thầy, công việc nghiên cứu khoa học không chỉ là phát hiện những điều mới mà còn là cách giúp học sinh phát huy tối đa khả năng của mình. "Khi học sinh làm các đề tài nghiên cứu khoa học, tôi thấy các em trưởng thành rõ rệt, không chỉ về mặt kiến thức mà còn về kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề. Đó là điều khiến tôi đam mê công việc này hơn," thầy Đức nói.
Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2024, thầy Lê Trọng Đức đã công bố 5 công trình khoa học, trong đó có 2 công trình trong nước và 3 công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín (SCIE, Scopus). Thầy Đức chia sẻ, niềm đam mê khoa học của mình bắt đầu từ khi thầy nhận được giải thưởng ”Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Thời điểm đó thầy Đức đang là sinh viên năm cuối tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
"Đó là khoảnh khắc mà tôi nhận ra được sức mạnh và tầm quan trọng của khoa học trong việc phát triển bản thân và cộng đồng", thầy Đức nhấn mạnh.
Loạt sáng kiến, kinh nghiệm độc đáo ứng dụng vào giảng dạy
Trong thời gian giảng dạy, thầy Đức cũng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo mời tham gia làm báo cáo các chuyên đề cấp tỉnh trong các Hội nghị chuyên môn hằng năm như: hướng dẫn nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM trong trường học, phương pháp nghiên cứu phổ khối lượng và phổ hồng ngoại,… Đồng thời thầy cũng là thành viên hội đồng ra đề thi và chấm thi học sinh giỏi cấp tỉnh vòng 1 và vòng 2 hàng năm.
Đáng chú ý, Thạc sĩ Lê Trọng Đức đã có 5 giải pháp, sáng kiến áp dụng trong giảng dạy đạt hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng toàn tỉnh, được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An công nhận.
Gần đây nhất (trong năm 2024), nam giáo viên có 1 sáng kiến được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An công nhận về phát triển tính tự học môn hóa của học sinh bằng mô hình “lớp học đảo ngược”.
Chia sẻ về quá trình triển khai mô hình này, thầy Đức cho biết: “Lớp học đảo ngược là một mô hình học tập mà tôi triển khai với mục tiêu giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Cụ thể, thay vì giảng bài truyền thống trên lớp, tôi yêu cầu học sinh nghiên cứu bài học qua tài liệu và video trước khi đến lớp.
Khi lên lớp, thay vì giảng lý thuyết, tôi dành thời gian để hướng dẫn học sinh giải bài tập, thảo luận nhóm và thực hành. Cách học này không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách chủ động mà còn giúp các em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề”.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình "lớp học đảo ngược", thầy Đức cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc học sinh chưa thể làm quen ngay với phương pháp học mới. "Khó khăn lớn nhất tôi gặp phải là học sinh chưa quen với phương pháp học mới. Một số em gặp vấn đề với thiết bị công nghệ, trong khi một số khác lại chưa hình thành thói quen tự học. Điều này gây trở ngại lớn, vì các em không có đủ điều kiện truy cập tài liệu học tập qua các nền tảng trực tuyến.
Để hỗ trợ các em gặp khó khăn về công nghệ, tôi đã cung cấp tài liệu bản in cho các học sinh không có thiết bị phù hợp. Đồng thời, tôi tổ chức các nhóm học tập để các em có thể giúp đỡ nhau, cùng nhau vượt qua những thách thức trong việc làm quen với phương pháp học mới.
Tôi cũng thay đổi phương pháp đánh giá, không chỉ dựa vào bài kiểm tra mà còn căn cứ vào sự tham gia, đóng góp của học sinh trong các buổi thảo luận nhóm,” nam giáo viên cho biết thêm.
Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thử nghiệm nhưng kết quả cuối cùng là sáng kiến "lớp học đảo ngược" đã mang lại hiệu quả tích cực đối với học sinh.
"Mô hình này đã giúp các em tự tin hơn trong việc học tập, phát triển khả năng tư duy độc lập và cải thiện kết quả học tập. Nhìn thấy sự thay đổi của học sinh, tôi cảm thấy công sức của mình thật xứng đáng," thầy Đức tự hào nói.
Chính những sáng kiến như vậy đã giúp thầy Đức không chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy mà còn tạo ra một môi trường học tập năng động và hiệu quả, nơi học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện được các kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Không chỉ có những sáng kiến trong công tác giảng dạy, thầy Đức còn trực tiếp hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” cấp tỉnh và đoạt giải Nhất với dự án “sản xuất xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường từ lá cây chùm ruột”. Dự án được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bình chọn, ghi vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019.
"Trong suốt thời gian dịch bệnh, nhóm chúng tôi đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm này. Tôi cảm thấy vui mừng và rất hạnh phúc khi sản phẩm của mình được đưa ra sử dụng kịp thời, phục vụ nhu cầu của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch.
Nhóm nghiên cứu, gồm cả các em học sinh, đã có một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa khi thấy sản phẩm của mình được ứng dụng trong thực tế. Các em học sinh trong nhóm nghiên cứu cảm thấy rất tự hào khi biết rằng sản phẩm xà phòng và nước rửa tay sát khuẩn của mình được sử dụng tại các bệnh viện dã chiến trong huyện và nhiều cơ sở khác. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc kiến thức đã học không chỉ là lý thuyết mà thực sự có thể ứng dụng vào cuộc sống để giải quyết những vấn đề thiết thực của cộng đồng", thầy Đức bày tỏ.
Thầy Đức cùng các em học sinh trong quá trình nghiên cứu và thực hiện dự án ”Sản xuất xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường từ lá cây chùm ruột”.
Chia sẻ về phương pháp hỗ trợ học sinh phát triển ý tưởng sáng tạo, thầy Đức cho biết: "Khi hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo, tôi luôn khuyến khích các em tư duy độc lập và tìm kiếm vấn đề thực tế cần giải quyết. Mỗi em học sinh đều có những ý tưởng riêng, và nhiệm vụ của tôi là giúp các em tự tin phát triển chúng. Tôi tạo ra không gian để học sinh có thể thử nghiệm ý tưởng mà không lo lắng bị sai. Điều quan trọng là các em có thể học từ những sai lầm và cải tiến ý tưởng của mình”.
Hoạt động của câu lạc bộ nghiên cứu khoa học tại trường cũng là một phần quan trọng trong việc phát triển khả năng sáng tạo của học sinh. "Các dự án khả thi từ học sinh được chúng tôi triển khai và trưng bày tại các gian hàng trong các buổi sinh hoạt dưới cờ. Điều này không chỉ giúp học sinh có cơ hội giới thiệu ý tưởng của mình mà còn khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học trong các bạn học sinh khác. Dần dần, phong trào nghiên cứu khoa học trong trường trở nên sôi nổi hơn.
Trong thời gian tới, nam giáo viên dự định thử nghiệm nhiều phương pháp học tập tích cực hơn. Mỗi phương pháp giảng dạy sẽ được kết hợp với đánh giá và rút kinh nghiệm để có thể tìm ra phương pháp hiệu quả nhất, từ đó giúp học sinh phát triển toàn diện hơn, không chỉ trong kiến thức mà còn trong các kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề.
Diệp Anh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/thay-giao-long-an-la-nha-giao-tieu-bieu-va-sang-kien-lop-hoc-dao-nguoc-post247188.gd