Hành trình bắt đầu từ một tin dữ
Ngày 17/4/2025, cả nước bàng hoàng trước thông tin chiến sĩ công an Nguyễn Đăng Khải hy sinh khi tham gia truy bắt tội phạm ma túy tại Quảng Ninh. Sự ra đi của anh để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng đồng đội, người thân và nhân dân cả nước. Trong khoảnh khắc đau thương ấy, thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh (giáo viên Mỹ thuật tại Trường phổ thông Hermann Gmeiner, còn được biết đến là làng trẻ SOS thành phố Vinh) đã quyết định dùng ngôn ngữ hội họa để tưởng nhớ người chiến sĩ trẻ. Bức tranh chân dung không chỉ khắc họa hình ảnh anh Khải, mà còn là biểu tượng của lòng dũng cảm, sự hy sinh và tình yêu nước.
Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải lúc sinh thời.
Thầy Nguyễn Trí Hạnh chia sẻ, khi nghe tin về sự hy sinh của chiến sĩ Nguyễn Đăng Khải, thầy cảm thấy đau xót và xúc động sâu sắc. Dù chưa từng gặp mặt, nhưng câu chuyện về anh Khải đã thôi thúc thầy cầm phấn, vẽ nên bức chân dung như một lời tri ân.
Chia sẻ với PV Gia đình và Xã hội, thầy Hạnh bày tỏ: "Những ngày vừa qua, khi nghe tin em Khải hy sinh, tôi không cầm được nước mắt. Tuổi đời người chiến sĩ ấy còn quá trẻ, điều ấy khiến tôi không khỏi xót xa. Trong tôi bật lên một suy nghĩ duy nhất: mình phải làm gì đó để ghi nhớ và tôn vinh sự hy sinh này".
Với đôi mắt đỏ hoe, thầy Hạnh kể rằng, cảm xúc đầu tiên khi nghe tin về chiến sĩ Nguyễn Đăng Khải không chỉ là nỗi đau mà còn là sự thôi thúc phải làm điều gì đó bằng trái tim của một người thầy, một nghệ sĩ. Thầy chưa từng gặp Khải ngoài đời, nhưng hình ảnh người chiến sĩ trẻ trong bộ quân phục thiêng liêng đã khắc sâu vào tâm trí.
Nghệ thuật từ trái tim: Quá trình cho ra đời bức tranh bằng phấn đầy cảm xúc
Bức chân dung chiến sĩ Nguyễn Đăng Khải đang trong quá trình hoàn thiện bởi thầy Nguyễn Trí Hạnh – một giáo viên, họa sĩ với trái tim đầy nhiệt huyết. Từng đường nét, sắc màu được chăm chút kỹ lưỡng, thể hiện sự tri ân sâu sắc với người chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Bắt đầu từ những nét phác đầu tiên cho tới khi hoàn thiện, bức chân dung chiến sĩ Khải được thầy Hạnh miêu tả là "hành trình vừa thiêng liêng vừa đầy thử thách". Thầy dành trọn 4 ngày liên tiếp để vẽ, gần như không nghỉ. Những chi tiết như ánh sáng, sắc thái gương mặt, hay bố cục hoa sen và quốc huy đều được lựa chọn tỉ mỉ.
"Có lúc tôi đã dừng lại hàng giờ vì không biết làm sao thể hiện đôi mắt vừa cương nghị, vừa nhân hậu ấy. Đôi mắt ấy ám ảnh tôi như chính lời nói thầm của người lính trẻ gửi gắm" - thầy nói.
Hình ảnh thầy Hạnh miệt mài bên từng nét vẽ. Mỗi chi tiết đều được lựa chọn với sự trân trọng và tinh tế tuyệt đối.
Biểu tượng và thông điệp: Sen, Quốc huy và màu tím, xanh
Không phải ngẫu nhiên thầy chọn hoa sen làm điểm nhấn chính bao quanh hình ảnh người chiến sĩ. Với thầy, hoa sen là biểu tượng của sự thanh khiết, kiên cường và tâm hồn Việt. Bên cạnh đó, màu xanh áo lính và sắc tím hoa bằng lăng gợi nhớ tuổi trẻ, sự hy sinh và vẻ đẹp buồn man mác. Sen là hồn Việt. Còn màu tím, với thầy Hạnh, là nỗi tiếc nuối đẹp nhất dành cho những gì không thể quay lại.
Trong nền tranh, Quốc huy Việt Nam được lồng ghép một cách tinh tế như một lời khẳng định: sự hy sinh ấy là của một người con dân nước Việt, dưới lá cờ đỏ sao vàng.
Chi tiết hoa sen và quốc huy trong tranh vừa mang biểu tượng văn hóa dân tộc, vừa là thông điệp bất tử về lòng yêu nước.
Với thầy Hạnh, nghệ thuật không chỉ để ngắm. Nó là cách để kết nối với hiện thực, để nhắn gửi, để gìn giữ những giá trị lớn lao. Thầy chia sẻ: "Tôi muốn học sinh mình hiểu rằng, yêu nước không phải là bắt buộc các em làm những điều lớn lao mà nó bắt đầu từ sự biết ơn. Và nghệ thuật có thể gieo hạt mầm ấy."
Những phản hồi thầy nhận được sau khi đăng tải bức tranh là vô vàn lời cảm ơn, chia sẻ đầy xúc động từ học sinh, đồng nghiệp và cả người thân chiến sĩ Nguyễn Đăng Khải.
“Em đã sống như một người hùng…” -lời nhắn của thầy Hạnh gửi đến người chiến sĩ đã ngã xuống, qua nét phấn chân thành và sâu sắc.
Kết nối hôm nay và mai sau
Khi được hỏi muốn nói điều gì với chiến sĩ Khải, thầy Hạnh nhẹ nhàng đáp: "Em đã sống như một người hùng. Và em sẽ luôn là một phần ký ức đẹp nhất của đất nước này. Tôi sẽ còn vẽ nữa. Sẽ còn những người lính, những câu chuyện cần được kể bằng màu sắc" - thầy Hạnh nói.
Trong không gian của màu sắc, ánh sáng và đường nét, bức tranh chân dung chiến sĩ Nguyễn Đăng Khải không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là lời tri ân sâu sắc từ một người thầy. Giữa đời thường bộn bề, thầy Nguyễn Trí Hạnh chọn cách cất lên tiếng lòng yêu nước bằng tranh vẽ. Và cũng như chiến sĩ Khải, những người gìn giữ hòa bình ấy, dù thầm lặng vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc.
Một khoảnh khắc lặng nhưng đầy xúc động khi thầy Hạnh đứng trước bức tranh đã hoàn thiện, lặng lẽ cúi đầu tưởng niệm người chiến sĩ. Bức ảnh ghi lại hình ảnh thầy với ánh mắt trầm tư, cúi đầu trước chân dung thiếu tá Nguyễn Đăng Khải như một lời mặc niệm sâu sắc gửi đến người đã ngã xuống vì bình yên của nhân dân. Hành động ấy khiến người xem không khỏi nghẹn ngào, bởi đôi khi sự tri ân chân thành lại không cần lời nói.
Bảo An