Thầy giáo Ngữ văn ở Đà Nẵng khuyên học sinh cần rèn luyện thực hành theo 3 bước đơn giản

Thầy giáo Ngữ văn ở Đà Nẵng khuyên học sinh cần rèn luyện thực hành theo 3 bước đơn giản
3 giờ trướcBài gốc
Thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn tại Đà Nẵng.
Cấu trúc đề "đẹp"
Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), đề minh họa môn Ngữ văn được Bộ GD&ĐT mới công bố có một cấu trúc "đẹp". Đây là cấu trúc được nhiều người lựa chọn để phù hợp với cuộc thi THPT ở quy mô quốc gia cho môn Ngữ văn trong thời gian làm bài 120 phút.
Phần đọc hiểu là một văn bản văn học với 5 câu hỏi theo 3 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các câu hỏi bám sát vào yêu cầu cần đạt của chương trình, không đánh đố.
Phần tạo lập văn bản có 2 câu. Câu 1 yêu cầu viết đoạn văn nghị luận văn học khoảng 200 chữ có nội dung liên kết với văn bản đọc hiểu giúp giảm tải cho học sinh không phải đọc quá nhiều ngữ liệu. Yêu cầu của câu nghị luận văn học này cũng chỉ một nội dung của ngữ liệu là "hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình". Câu 2 phần viết là viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề đang mang tính thời sự, được giới trẻ, nhất là các em học sinh quan tâm đó là lợi ích của trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn của người trẻ nên sẽ rất thuận lợi khi viết bài.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) xem danh sách trước khi vào phòng thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
"Nhìn chung, đề minh họa đã thể hiện rõ các yêu cầu cần đạt của chương trình, đảm bảo tính phân loại học sinh cho xét tốt nghiệp lẫn xét tuyển đại học, các câu hỏi kiểm tra được phần lớn những năng lực đặc thù của bộ môn theo yêu cầu mới, dung lượng đề đảm bảo thời gian làm bài 120 phút làm bài. Điểm bình quân sẽ đạt tầm 7.0" - thầy Hòa nhận xét.
Những kỹ năng học sinh cần lưu ý
Từ phân tích cấu trúc của đề thi minh họa môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Đình Hòa lưu ý học sinh lớp 12 cần có một số điều chỉnh trong quá trình ôn tập.
Theo đó, về phần đọc hiểu, các em cần nắm tri thức thể loại của cả 3 loại: văn bản thông tin, văn bản nghị luận và văn bản văn học. Phần tri thức này được trình bày xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 12 ở phần đầu mỗi bài học nhưng cần lưu ý nhất là các nội dung ở cấp THPT, đặc biệt là lớp 12. Học sinh cần nắm các kĩ năng đọc hiểu nội dung, đọc hiểu hình thức và đọc liên hệ mở rộng mà các thầy cô đã dạy trên lớp với các bài học cụ thể. Khi trả lời cần viết ngắn gọn, đúng trọng tâm yêu cầu của đề.
Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng).
Về phần viết đoạn thì đầu tiên cần phải đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn và lưu ý dung lượng chỉ 200 chữ, không nên quá dài sẽ mất thời gian và không nên quá ngắn vì không đảm bảo đầy đủ các nội dung. Mở đoạn nên đi trực tiếp vấn đề cần nghị luận. Thân đoạn giải thích nội dung vấn đề với những dẫn chứng cụ thể. Sau đó là bàn luận mở rộng. Kết đoạn là khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.
Với bài văn cũng phải đảm bảo cấu trúc có mở bài – thân bài – kết bài và dung lượng khoảng 600 chữ, tùy hoàn cảnh và năng lực mà có thể viết dài hơn nhưng cần đảm bảo thời gian.
Với dạng nghị luận xã hội thì mở bài nêu được vấn đề cần nghị luận; thân bài giải thích được vấn đề, sử dụng dẫn chứng để khẳng định vấn đề đó là tích cực hay tiêu cực (tốt hay xấu/đúng hay sai), bàn luận mở rộng; kết bài là khái quát lại vấn đề nghị luận.
Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, với dạng nghị luận văn học, để làm được bài, học sinh cần nắm kĩ tri thức thể loại về truyện, thơ, kịch, kí… được học xuyên suốt chương trình và bám vào tri thức thể loại làm công cụ khám phá văn bản. Nếu đề dạng so sánh hai tác phẩm thì mở bài từ điểm chung của hai tác phẩm được đề yêu cầu; thân bài đơn giản nhất là khai thác văn bản 1 xong đến văn bản 2 rồi rút ra nhận xét điểm giống nhau và khác nhau về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Nếu dạng đề phân tích 1 tác phẩm thì cần học sinh cần nắm rõ yêu cầu của đề là gì.
"Chương trình mới không yêu cầu phân tích kĩ và đầy đủ như chương trình cũ mà chỉ yêu cầu học sinh khai thác 1 yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm mà các em đã được học, thực hành trên văn bản mẫu ở sách giáo khoa, rồi vận dụng vào trong văn bản mới được đề yêu cầu. Phần tác giả tác phẩm cũng chỉ cần gọi đúng tên tác phẩm đó của tác giả đó (trừ khi đề có cung cấp thêm thông tin). Như vậy mới đảm bảo thời gian và dung lượng cho bài viết" - thầy Hòa gợi ý.
"Với những học sinh học trung bình – yếu, nên học kĩ tri thức ngữ văn cả 3 khối lớp 10 – 11 – 12 để làm phần đọc hiểu và luyện kĩ cách làm bài văn nghị luận xã hội. Nếu biết cách viết đoạn văn hoặc bài văn nghị luận văn học thì hoàn toàn yên tâm đạt điểm trên trung bình cho bài thi của mình. Không có gì hơn cần tăng cường rèn luyện thực hành theo 3 bước đơn giản là đọc – học – viết" - thầy Nguyễn Đình Hòa cho biết.
Hà Nguyên
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/thay-giao-ngu-van-o-da-nang-khuyen-hoc-sinh-can-ren-luyen-thuc-hanh-theo-3-buoc-don-gian-post705612.html