Thời gian gần đây, quy định mới về dạy thêm, học thêm ban hành kèm Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt đội ngũ nhà giáo, cha mẹ học sinh và các em học sinh.
Trong bối cảnh ngành giáo dục Việt Nam đang đối mặt với nhiều áp lực và thách thức, vấn đề dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành một câu chuyện gây tranh cãi. Không chỉ là nỗi lo của học sinh và phụ huynh, đây còn là bài toán khó đối với các nhà quản lý giáo dục và chính các thầy cô giáo.
Giữa làn sóng tranh luận này, thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Phòng) đã có những chia sẻ thẳng thắn và sâu sắc, đưa ra cái nhìn đầy trách nhiệm về vấn đề này.
Thầy giáo Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi. (Ảnh: NVCC)
Trong tiết trời lạnh buốt, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Mặc dù đang bận rộn với công việc, thầy Quý vẫn dành thời gian của mình để chia sẻ những trăn trở, suy tư và khát khao của một người thầy hết mình vì sự nghiệp trồng người.
"Tôi không muốn học trò của mình đánh mất tuổi thơ trong áp lực học thêm"
Khi được hỏi về câu chuyện dạy thêm, học thêm - một chủ đề gây tranh cãi trong giáo dục hiện nay, thầy Quý không giấu nổi trăn trở.
Thầy kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện học sinh phải chạy đua với thời gian để tiếp thu kiến thức trên lớp và các lớp học thêm. Những đứa trẻ ấy, thay vì có thời gian ôn luyện, khám phá, sáng tạo hay đơn giản là vui chơi cùng bạn bè thì lại phải chạy đua với những con số, điểm số, kỳ vọng từ gia đình và xã hội. Đó không phải là hình ảnh của một nền giáo dục nhân văn mà thầy Quý mong muốn.
Thầy giáo Nguyễn Minh Quý: "Tôi không muốn học trò của mình đánh mất tuổi thơ trong áp lực học thêm".
Chia sẻ với PV Gia đình và Xã hội, thầy Quý bày tỏ: "Học sinh phải dành quá nhiều thời gian cho việc học thêm, dẫn đến tình trạng quá tải, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Việc học thêm quá nhiều khiến học sinh cảm thấy chán nản, mất hứng thú với việc học, thậm chí có tâm lý sợ học.
Các em học sinh thiếu thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí, dẫn đến thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm,... Bên cạnh đó, chi phí cho việc học thêm là một gánh nặng lớn đối với nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tôi rất tâm đắc với một câu nói 'Khi học sinh lớp 1 cũng phải học thêm thì ngay cả người bình tĩnh nhất trong xã hội cũng không thể ngồi yên được nữa. Các em xứng đáng được sống đúng với lứa tuổi của mình, được học với niềm vui chứ không phải nỗi lo sợ"'.
Thông tư 29 - cơ hội thay đổi hay thách thức mới?
Khi được hỏi về điều gì đã thôi thúc thầy viết bức thư ngỏ về vấn đề dạy thêm, học thêm sau Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định hạn chế dạy thêm trong các cơ sở giáo dục từ ngày 14/2/2025, thầy Quý bày tỏ niềm hy vọng nhưng cũng không tránh khỏi lo ngại:
"Ngay từ khi Thông tư 29 được ban hành, tôi đã nghĩ đến điều này, nhiều lần muốn viết nhưng lại dặn lòng thôi. Tôi hiểu rằng, khi mình chia sẻ chắc chắn sẽ có một bộ phận thầy cô thậm chí là cha mẹ học sinh không được vừa lòng, có thể sẽ có những phản ứng tiêu cực.
Nhưng cuối cùng, tôi cũng xác định: Học sinh và thầy cô đều đang hoang mang, lo lắng và hụt hẫng, với trách nhiệm của một người hiệu trưởng, tôi phải biết giúp mọi người thoát khỏi tình trạng này một cách nhanh nhất và tìm được hướng đi phù hợp. Quan trọng là phải có góc nhìn tích cực về những điều mà thông tư sẽ mang đến" - thầy Quý khẳng định.
Thầy Quý cùng các thầy cô giáo trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi. (Ảnh: NVCC)
Đối với thầy Quý, đây cũng là cơ hội để các trường học và giáo viên nhìn nhận lại cốt lõi của mình trong việc nuôi dưỡng trí tuệ và tâm hồn học sinh.
"Việc dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay có nhiều nguyên nhân xuất phát từ áp lực gia đình và sức ép của xã hội. Nhiều phụ huynh đặt nặng vấn đề thành tích học tập, đặc biệt là các kỳ thi quan trọng, dẫn đến việc ép con em tham gia học thêm để đạt điểm cao. Xã hội Việt Nam vẫn còn nặng nề tư tưởng "trọng bằng cấp", vẫn có nơi coi điểm số là thước đo duy nhất đánh giá năng lực học sinh.
Chưa kể các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh đại học đều rất nặng tính cạnh tranh, nặng về kiến thức, trong khi phương pháp giảng dạy của một bộ phận thầy cô chưa thực sự hiệu quả, khiến nhiều học sinh cảm thấy khó theo kịp và tìm đến học thêm" - thầy Quý nói.
Tuy nhiên, thầy Quý cũng thừa nhận rằng điều này sẽ không dễ dàng. Nhiều giáo viên có thể sẽ phải đối mặt với khó khăn về thu nhập trong khi đồng lương còn chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Học sinh, đặc biệt là các em có học lực trung bình sẽ gặp thách thức lớn khi phải tự mình vượt qua những lỗ hổng kiến thức mà không còn trông chờ được vào các lớp học thêm.
Bên cạnh đó còn là khó khăn trong việc quản lý con cái của các bậc cha mẹ. Khi cha mẹ còn bận rộn với công việc mưu sinh thì vẫn nơm nớp nỗi lo khi các con ở nhà không có ý thức tự giác trong việc tự học, nhất là kiểm soát con trong việc sử dụng mạng xã hội và các cuộc vui quá giới hạn... Chưa kể đến việc một bộ phận học sinh tìm đến các trung tâm để học thêm nhưng không phải nơi nào cũng có trung tâm và trung tâm nào cũng tốt về chất lượng. Mặt khác, chi phí học tại đây có thể còn cao hơn rất nhiều. Đây là những thực tế mà các bậc phụ huynh sẽ phải đối mặt.
Thầy Quý cũng nhìn nhận rằng, đây chính là cơ hội để các em học sinh tự rèn luyện bản thân, nâng cao trách nhiệm tự học, tiếp thu tri thức:
"Học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh, của mỗi gia đình. Tuy nhiên, tôi vẫn đề cao tinh thần tự học của học sinh. Việc tự học không chỉ đơn thuần là chiếm lĩnh kiến thức mà còn giúp hình thành nhiều đức tính tốt đẹp cho học sinh như tự chủ, tự giác và tự lập…".
Cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của người làm thầy
Dù đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt nhưng là người trực tiếp điều hành một ngôi trường có bề dày truyền thống, thầy Nguyễn Minh Quý hiểu rõ hơn ai hết rằng việc dạy thêm không chỉ là nhu cầu của phụ huynh hay học sinh mà còn là giải pháp tài chính cho giáo viên.
Thầy hiểu rằng, trong xã hội hiện đại, nhu cầu học thêm để nâng cao kiến thức là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu biến nó thành một 'nghĩa vụ' sẽ khiến học sinh mệt mỏi và làm mất đi bản chất thật sự của việc học:
"Người thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi cá nhân học sinh và xã hội. Đạo đức nhà giáo ở một khía cạnh thể hiện bởi sự thương yêu, tôn trọng, đối xử công bằng với người học, giúp đỡ học sinh, tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện. Trách nhiệm của người thầy không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác, góp phần hình thành nhân cách và định hướng tương lai cho học sinh.
Đối với việc thực hiện thông tư 29 thì "đạo đức nhà giáo" và "trách nhiệm người thầy" được thể hiện cụ thể bằng những những hành động cụ thể như thầy cô tích cực đổi mới phương pháp để học trò dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Thầy tận tình hướng dẫn học trò tự học, không gây khó khăn, không ép trò đi học thêm…
Tuy nhiên cuộc sống của người thầy còn rất nhiều khó khăn nên Đảng, Nhà nước cần có chế độ chính sách đãi ngộ với người thầy một cách xứng đáng để họ có thể sống bằng nghề, xã hội cũng phải có cách nhìn nhận tích cực, động viên, chia sẻ cùng thầy cô để họ hạnh phúc và toàn tâm hơn với sự nghiệp của mình" - thầy Quý thẳng thắn nói.
"Giáo dục không chỉ là kiến thức, mà còn là cả hành trình khai mở tâm hồn"
Thầy Nguyễn Minh Quý luôn đau đáu về những áp lực mà học sinh phải gánh chịu từ quá sớm. Với thầy, việc học không chỉ là chạy đua theo điểm số hay thành tích mà còn là hành trình khám phá bản thân, nuôi dưỡng đam mê và phát triển nhân cách toàn diện cho các em:
"Việc học thêm, dạy thêm không chỉ nhìn một phía là học kiến thức văn hóa mà rộng hơn đó là việc bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng, tổ chức các hoạt động để phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh…
Trước mắt, các cấp, các ngành phải quản lý việc dạy thêm, học thêm để thực sự có hiệu quả, đúng quy luật và đảm bảo sự phát triển bền vững của học trò".
Thầy Quý mong muốn các bậc phụ huynh hãy thấu hiểu con em mình nhiều hơn, đồng hành cùng các em trong hành trình học tập chứ không phải chỉ đặt áp lực về điểm số. Đồng thời, giáo viên cũng cần khơi dậy niềm yêu thích học tập ở học sinh, tạo ra một môi trường học tập thân thiện, tích cực và đầy cảm hứng.
Khi được hỏi về kỳ vọng trong tương lai, thầy Nguyễn Minh Quý chia sẻ đầy tâm huyết:
"Đối với các em học sinh, tôi hy vọng các em hãy tin vào bản thân. Việc học là hành trình riêng của mỗi người, các em có quyền học theo cách của riêng mình, miễn là có đam mê và sự kiên trì.
Đối với các bậc phụ huynh, tôi hy vọng các bậc phụ huynh đều hiểu rằng, thành công của các con không chỉ được đo bằng điểm số. Hãy cho các con của chúng ta được sống đúng với lứa tuổi của mình, được vui chơi, khám phá và trải nghiệm cuộc sống. Đừng để áp lực học tập khiến các con đánh mất tuổi thơ - điều quý giá nhất cả một đời người.
Tôi mong nền giáo dục Việt Nam sẽ trở thành nơi mà mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển đúng với khả năng của mình. Chúng ta không cần một nền giáo dục chỉ biết chạy theo thành tích mà cần một hệ thống thực sự vì học sinh, nơi các em được tự do sáng tạo, được sống đúng với lứa tuổi và khát vọng của mình.
Tôi hy vọng rằng với sự thay đổi mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đưa Việt Nam vào giai đoạn phát triển thịnh vượng thì giáo dục với vị thế vốn sẵn từ ngàn đời sẽ chuyển mình mạnh mẽ. Kỳ vọng giáo dục được quan tâm đúng nghĩa là quốc sách hàng đầu, thầy cô được hạnh phúc hơn với trong sự nghiệp trồng người của mình".
Khánh Linh