Thầy Nguyễn Vũ, sinh năm 1987, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đã có hơn 15 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, trong đó 10 năm gắn bó với Trường Tiểu học Atiêng tại huyện miền núi Tây Giang, một vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam.
Với địa hình hiểm trở, đời sống kinh tế còn nhiều thiếu thốn và đa phần học sinh là người dân tộc thiểu số, việc giảng dạy tại đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là hành trình của sự hy sinh và lòng nhiệt huyết.
Cơ duyên gắn bó với nghề giáo từ chuyến đi tình nguyện tại vùng cao
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cơ duyên đến với nghề giáo, thầy Nguyễn Vũ cho biết, chính sự tận tâm và những lời động viên chân thành từ một người thầy thời thơ ấu đã âm thầm nuôi dưỡng trong thầy niềm đam mê dành cho sự nghiệp giáo dục.
“Tôi không xuất thân từ gia đình làm giáo viên, nhưng ngay từ nhỏ, niềm đam mê học tập và sự ngưỡng mộ dành cho các thầy cô trên bục giảng đã luôn hiện hữu trong tôi. Khi còn là học sinh, tôi từng được dạy dỗ bởi một người thầy rất đặc biệt. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức một cách cuốn hút mà còn luôn khích lệ chúng tôi theo đuổi ước mơ của mình. Chính sự tận tâm và những lời động viên của thầy đã âm thầm gieo vào lòng tôi một tình yêu đối với nghề giáo.
Đặc biệt, một kỷ niệm sâu sắc trong chuyến đi tình nguyện tại vùng cao đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi và tiếp thêm quyết tâm mạnh mẽ để theo đuổi nghề giáo. Khi ấy, tôi có cơ hội gặp gỡ những em nhỏ đầy khát khao học tập nhưng lại thiếu thốn điều kiện đến trường. Hình ảnh các em ngồi trên nền đất, đôi mắt long lanh chăm chú lắng nghe từng lời giảng của các anh chị tình nguyện viên, khiến tôi tự vấn: "Mình có thể làm gì để giúp các em thay đổi tương lai?". Chính khoảnh khắc ấy đã định hình con đường sự nghiệp của tôi, thôi thúc tôi chọn nghề giáo”, thầy Nguyễn Vũ bồi hồi nhớ lại.
Một trong những dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp của thầy Nguyễn Vũ chính là quyết định rời bỏ sự ổn định ở đồng bằng để đến công tác tại huyện Tây Giang - một huyện miền núi xa xôi ở tỉnh Quảng Nam. Quyết định này đã khiến không ít người thắc mắc bởi tại sao lại lựa chọn điều khó khăn như vậy. Nhưng với thầy, tri thức chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sẻ chia ở những nơi cần nó nhất.
Thầy Nguyễn Vũ - Giáo viên môn Giáo dục thể chất, Trường Tiểu học Atiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: NVCC)
Những kỷ niệm khắc sâu về chuyện nghề
Công tác dạy học tại các huyện miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn luôn đòi hỏi sự tận tâm và nỗ lực không ngừng từ các giáo viên. Theo thầy Nguyễn Vũ, một trong những khó khăn lớn nhất mà giáo viên và học sinh nơi đây phải đối mặt chính là địa hình phức tạp. Giao thông thường xuyên bị cản trở bởi đường xá gập ghềnh, nhiều khu vực chỉ có đường đất hoặc đèo dốc hiểm trở, đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc di chuyển của giáo viên mà còn ảnh hưởng đến hành trình đến trường của học sinh, nhiều em phải đi bộ hàng giờ qua địa hình nguy hiểm.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền và vận động học sinh đến lớp cũng gặp nhiều trở ngại. Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như C'tu, Mường, Thái, Tày, Mơnông, Ve, Cadong, Hre, Tà Ôi và một bộ phận nhỏ người Kinh. Do đặc điểm vùng cao hẻo lánh, nhận thức về giáo dục và các lĩnh vực khác của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế.
Nhiều phụ huynh chưa coi trọng việc học của con cái, phần vì bận rộn với công việc nương rẫy, phần vì thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của giáo dục. Hệ quả là tình trạng học sinh bỏ học để phụ giúp gia đình không phải là hiếm gặp. Đối với những trường hợp này, giáo viên phải dành rất nhiều thời gian và tâm sức để thuyết phục, vận động các em quay lại trường, đôi khi còn cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất ở trường học miền núi còn rất hạn chế, gặp phải những vấn đề như thiếu phòng học, bàn ghế, tài liệu giảng dạy và các trang thiết bị cơ bản hay thậm chí cả nước sạch cũng chưa được đáp ứng đầy đủ. Giáo viên nơi đây thường phải ở trong các nhà công vụ chật hẹp, thiếu tiện nghi, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và công tác giảng dạy.
Con đường đến trường của thầy Nguyễn Vũ gập ghềnh, khó đi, nhất là vào mùa mưa giờ đây đã được nâng cấp, khang trang hơn trước. (Ảnh: NVCC)
Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, rào cản ngôn ngữ và văn hóa cũng là thách thức đáng kể. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số chưa thông thạo tiếng Việt khiến quá trình tiếp thu kiến thức mất nhiều thời gian và công sức hơn. Đồng thời, sự khác biệt trong phong tục, tập quán địa phương đòi hỏi giáo viên phải học cách thích nghi và tôn trọng để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với học sinh cũng như cộng đồng.
Theo thầy Nguyễn Vũ, mặc dù đối diện với vô số khó khăn, thầy và các đồng nghiệp tại những vùng đặc biệt khó khăn vẫn vững lòng gắn bó với nghề, không ngừng nỗ lực từng ngày. Chính tinh thần cống hiến và tình yêu mãnh liệt với sự nghiệp trồng người đã mở ra con đường tri thức, mang đến hy vọng về một tương lai rạng rỡ hơn cho học sinh nơi đây.
Thầy Nguyễn Vũ đã có hơn 15 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, trong đó 10 năm gắn bó với Trường Tiểu học Atiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: NVCC)
Trong suốt hành trình gắn bó với nghề giáo, công tác tại huyện miền núi xa xôi, thầy Nguyễn Vũ đã gặp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, mỗi em học sinh đều là một câu chuyện đặc biệt khiến thầy trăn trở và suy ngẫm.
“Ở vùng đất đầy khó khăn này, hầu hết học sinh của tôi đến từ những gia đình nghèo nhưng có một trường hợp đặc biệt đã in đậm trong tâm trí tôi, như một lời nhắc nhở về ý nghĩa sâu sắc của nghề giáo.
Một học sinh nam người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đến mức gia đình không mua nổi một đôi giày. Hằng ngày, em đi bộ đến trường bằng đôi chân trần, bất kể trời nắng hay mưa. Nhà em có 6 anh chị em, cha mẹ thường xuyên đau ốm và em trở thành trụ cột nhỏ bé, thay cha mẹ chăm lo cho các em của mình. Dẫu hoàn cảnh khó khăn chồng chất, em vẫn kiên trì đến lớp, chưa bao giờ bỏ học một buổi nào.
Khi tôi hỏi em lý do vì sao luôn cố gắng đến lớp mặc dù hoàn cảnh khó khăn, em nhìn tôi với đôi mắt đầy quyết tâm và trả lời rằng em muốn học để sau này không phải chịu cảnh khổ cực như ba mẹ mình.
Câu trả lời giản dị ấy đã chạm đến trái tim tôi, khiến tôi hiểu rằng trách nhiệm của người thầy không chỉ dừng lại ở việc truyền dạy kiến thức, mà còn là nguồn động viên, tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho học sinh.
Sau câu chuyện ấy, tôi cùng các đồng nghiệp đã vận động quyên góp, tặng em một đôi giày, vài bộ quần áo và sách vở. Hình ảnh niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt em khi nhận những món quà nhỏ bé ấy là điều tôi mãi khắc ghi.
Những câu chuyện như vậy đã dạy tôi về giá trị của sự kiên trì, lòng yêu nghề và trách nhiệm đối với học sinh, đặc biệt là những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chính các em học sinh là động lực, là lý do để tôi tiếp tục cố gắng, mỗi ngày đứng trên bục giảng đều là một ngày đáng sống và cống hiến”, thầy Nguyễn Vũ bày tỏ.
Loạt sáng kiến nâng cao chất lượng giáo dục
Trong quá trình công tác, thầy Nguyễn Vũ đã gặt hái được rất nhiều thành tích như: danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh Quảng Nam năm 2020; nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020; Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam công nhận có thành tích xuất sắc tham gia chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” năm 2021 và chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” năm 2023.
Ngoài ra, thầy là giáo viên cốt cán môn Giáo dục thể chất tỉnh Quảng Nam; huấn luyện viên môn bóng đá mini khối tiểu học được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang đề đạt; dạy bơi miễn phí cho học sinh Trường Tiểu học Atiêng và Trường Tiểu học Xã Lăng.
Đặc biệt, thầy sở hữu 1 sáng kiến được công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh Quảng Nam năm 2020.
Thầy Nguyễn Vũ vừa là huấn luyện viên bóng đá mini khối tiểu học tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, vừa tận tâm dạy bơi miễn phí cho học sinh mỗi dịp hè.
Thầy Nguyễn Vũ cho biết, môn Giáo dục thể chất cùng với các phân môn khác trong nhà trường có nhiệm vụ quan trọng nâng cao thể lực, trau dồi kiến thức để làm chủ nhân tương lai của đất nước.
Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh tiểu học, việc rèn luyện thể chất cho các em thông qua các bài tập thể dục là một việc làm hết sức quan trọng. Do đó làm thế nào để dạy môn Giáo dục thể chất trong trường tiểu học thực sự thu hút được học sinh tập trung chú ý, tích cực tập luyện và tập luyện có hiệu quả cao, phù hợp với các em là một vấn đề đòi hỏi cần phải có sự đầu tư, nghiên cứu và tìm hiểu nhiều hơn.
Từ thực tế giảng dạy và từ các mục tiêu trên, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp dạy học sao cho phù hợp với đối tượng học sinh, việc tìm ra những biện pháp tối ưu nhất để góp phần nâng cao chất lượng dạy đá cầu có hiệu quả cao nhất là yêu cầu đặc biệt quan trọng.
Ngoài ra, việc tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến - Nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với cá nhân thầy Nguyễn Vũ mà còn mang lại giá trị quan trọng trong bối cảnh đại dịch, góp phần huy động sức mạnh cộng đồng để vượt qua những thử thách mà đại dịch gây ra.
“Tôi nhận thấy đây không chỉ là một hành động khẩn cấp để đối phó với tình huống khó khăn mà còn là biểu tượng của lòng kiên cường, tinh thần sáng tạo và sự đoàn kết mạnh mẽ.
Trong quá trình tham gia, tôi phải đối mặt với không ít thách thức do đại dịch Covid-19 mang lại. Việc giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, và khó khăn trong duy trì các hoạt động nhóm đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình triển khai sáng kiến. Tuy nhiên, bằng cách tận dụng công nghệ để duy trì kết nối, tôi đã tìm ra giải pháp linh hoạt để vượt qua những trở ngại này.
Dù nguồn lực hạn chế hay những vấn đề khác do đại dịch gây ra, việc giữ vững động lực trong suốt hành trình thực hiện sáng kiến đã giúp tôi học hỏi nhiều bài học từ thực tế và từng bước cải thiện cách tiếp cận để đạt hiệu quả tốt nhất.
Những khó khăn gặp phải không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội giúp tôi phát triển kỹ năng quản lý, giải quyết vấn đề và đổi mới sáng tạo. Chính những trải nghiệm đó đã góp phần vào thành công của sáng kiến, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, nhà trường và xã hội”, thầy Nguyễn Vũ cho biết.
Thầy Nguyễn Vũ chụp ảnh kỷ niệm cùng một em học trò Trường Tiểu học Atiêng. (Ảnh: NVCC)
Nhìn lại hành trình đã qua, điều mà thầy giáo Trường Tiểu học Atiêng cảm thấy ý nghĩa nhất không phải là những thành tích hay danh hiệu cá nhân mà là những “mầm non” thầy đã vun đắp.
Theo thầy Nguyễn Vũ, việc hiểu rõ giá trị của nghề giáo là vô cùng quan trọng. Làm giáo viên không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là nhiệm vụ gieo niềm tin, xây dựng nhân cách và truyền động lực cho học sinh. Người thầy không chỉ đóng vai trò truyền đạt mà còn là người dẫn dắt và đồng hành cùng các em học sinh trên hành trình trưởng thành.
Những thử thách như cơ sở vật chất thiếu thốn, thái độ của học sinh hay sự đánh giá khắt khe từ xã hội có thể dễ khiến người trẻ nản lòng. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Vũ cho rằng sự kiên nhẫn và bền bỉ sẽ giúp mỗi bước đi kiên định, giúp người giáo viên trưởng thành hơn và mang lại giá trị lớn lao cho cộng đồng. Việc nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành, sống có ích cho xã hội là phần thưởng lớn nhất mà thầy nhận được trong sự nghiệp.
Trong bối cảnh xã hội không ngừng đổi mới, việc trau dồi kiến thức và áp dụng những phương pháp giảng dạy phù hợp không chỉ giúp các nhà giáo đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của chương trình giáo dục mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của học sinh.
Song hành với đó, tình yêu thương và sự thấu hiểu dành cho học sinh luôn giữ vai trò cốt lõi. Thầy Nguyễn Vũ cho rằng, khi giáo viên nhìn nhận học sinh như chính con em mình, điều đó sẽ tạo nên niềm tin và sự gắn kết vững chắc. Đôi khi, chỉ cần một lời động viên hay một hành động nhỏ từ người thầy cũng đủ để làm thay đổi cuộc đời của một đứa trẻ.
Thúy Hiền