Thầy Hiệu trưởng khuyên sĩ tử 'chăm chỉ lúc ôn tập, không lập bập khi thi'

Thầy Hiệu trưởng khuyên sĩ tử 'chăm chỉ lúc ôn tập, không lập bập khi thi'
8 giờ trướcBài gốc
Tuổi học trò 4 năm gắn bó với cấp THCS của các em lớp 9 chuẩn bị khép lại.
Trong các ngày 7 - 8/6, thí sinh tại Hà Nội sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hệ không chuyên năm học 2025-2026 với ba môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Là người gắn bó với ngành Giáo dục Thủ đô nhiều năm, ông Nguyễn Cao Cường nhắn nhủ tới các sĩ tử theo phương châm "chăm chỉ lúc ôn tập, không lập bập khi thi" để đạt kết quả tốt nhất.
Nắm thật chắc quy chế thi
Những ngày gần kỳ thi, học sinh không nên quá lo lắng và ôn tập một cách ôm đồm, thức quá khuya, dậy muộn. Các em cần có thời gian biểu, thiết lập nhịp sinh học hay nếp sinh hoạt hàng ngày phù hợp với thời gian của kỳ thi, ít nhất trước kỳ thi một tuần.
Ví dụ, buổi sáng nên dậy sớm, ăn sáng, ôn tập các môn trong khung thời gian từ 7h30 - 11h30, ăn trưa, ngủ trưa và chiều tiếp tục ôn tập trong khoảng thời gian từ 13h30 - 16h30, buổi tối không nên thức quá khuya. Học sinh không nên tham gia các hoạt động thể thao dễ gây chấn thương, ăn uống đảm bảo sức khỏe.
Ông Nguyễn Cao Cường đánh trống khai giảng năm học 2024-2025.
Giai đoạn này, thí sinh không nên học thêm những nội dung mới, khó mà cần ôn tập lại toàn bộ các chuyên đề, đọc lại SGK những kiến thức cơ bản, lời giải của các bài tập, các đề đã ôn tập. Có những vướng mắc gì, học sinh nên hỏi ngay thầy cô để được giải đáp. Trong quá trình ôn có thể đan xen việc làm một vài đề, bấm giờ để cân đối thời lượng cho phù hợp.
Đặc biệt, các em cần lắng nghe thật kỹ những phổ biến trong ngày 6/6. Đây là ngày các điểm thi sẽ phổ biến quy chế thi, thông báo bảng ghi tên dự thi để thí sinh kiểm tra, báo sai sót (nếu có) cho điểm thi. Cha mẹ học sinh, học sinh cần đọc thông tin về điểm thi trong phiếu báo dự thi để đến đúng điểm thi và đúng giờ.
"Trong buổi phổ biến, học sinh cần lưu ý để xác nhận với cán bộ coi thi về những thông tin trên tờ giấy báo dự thi, bảng ghi tên dự thi, lắng nghe kỹ những quy định trong quá trình dự thi, những vật dụng được mang vào, không được mang vào phòng thi để tránh vi phạm quy chế" - vị Hiệu trưởng nhấn mạnh.
Thí sinh nên nhớ, các thiết bị cấm phải để ở nhà hoặc gửi cha mẹ, đồ dùng không cần thiết để ở khu vực điểm thi quy định. Tuyệt đối không được mang điện thoại, đồng hồ thông minh vào trong điểm thi. Chỉ được mang vào phòng thi những vật dụng như: Giấy báo dự thi, căn cước công dân, bút bi, bút chì để tô trắc nghiệm, thước, compa, tẩy, máy tính không có thẻ nhớ và chức năng soạn thảo văn bản.
Những lưu ý khi trong phòng thi
Giám thị hướng dẫn thí sinh về cách điền thông tin vào tờ giấy thi.
Đầu tiên, các sĩ tử cần đọc kỹ thông tin trên phiếu báo dự thi và đến đúng điểm thi theo thời gian quy định, thực hiện nghiêm túc quy chế thi. Học sinh mặc quần áo đồng phục của nhà trường, tránh các tình huống như các năm, học sinh mặc quần đùi, váy quá ngắn đi thi và phải về thay trang phục.
Thời gian làm bài môn tự luận (Toán, Ngữ văn) là 120 phút nên sau khi được phát đề, học sinh bình tĩnh đọc kỹ một hai lượt tổng thể cả đề, tư duy và ghi nhanh ra giấy nháp những tự lưu ý của bản thân về từng câu hỏi. Lúc này cần bình tĩnh cho dù mức độ và nội dung câu hỏi như thế nào.
Khi thực hiện làm bài cần theo phương châm "dễ làm khó bỏ". Cần làm những câu hỏi dễ cẩn thận để đạt điểm tối đa của các câu này. Sau khi làm những câu hỏi dễ thì thực hiện làm các câu hỏi khó mang tính phân loại. Học sinh cần có chiến lược cho các câu này về thời gian, quá 8-10 phút không có ý tưởng cần chuyển câu hỏi khác.
Sĩ tử lớp 9 chỉ còn khoảng nửa tháng nữa sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025.
Trong trường hợp không làm được cả câu, cần bóc tách các ý của câu hỏi để được điểm. Khi còn 15 phút cuối, nếu học sinh không thể làm được tiếp các câu hỏi khó thì dành thời gian đó để kiểm tra lại toàn bộ bài làm.
Thí sinh cần kiểm tra kết quả các câu hỏi độc lập ra ngoài nháp. Câu nào thấy sai, gạch trước bằng bút chì, kiểm tra kỹ thì mới gạch bỏ bằng bút mực và sửa, tránh trường hợp gạch phần đúng mà không có cơ hội sửa lại. Trước khi nộp bài cần kiểm tra kỹ thông tin của mình ở trên tờ giấy thi như họ và tên, ngày sinh, số báo danh, số tờ giấy thi.
Với bài thi môn trắc nghiệm - Ngoại ngữ, thời gian làm bài là 60 phút với 40 câu hỏi. Học sinh cần đọc toàn bộ đề và làm những câu dễ trước, không nên làm theo thứ tự cứng nhắc. Sau khi những câu chắc đúng đã làm xong thì đồng thời cũng thực hiện tô đáp án vào tờ phiếu trả lời trắc nghiệm.
Cô giáo tư vấn cho học sinh về cách đăng ký các nguyện vọng vào lớp 10.
Những câu khó hơn cần đọc kỹ đề bài để không bị nhầm, các phương án nhiễu có thể gây cho học sinh sai sót. Đôi khi học sinh có thể nhầm bởi lệnh của câu hỏi. Chẳng hạn, câu hỏi hỏi về ý nào không đúng mà học sinh lại chọn câu đúng.
Khi còn khoảng 10 phút, học sinh nên dành thời gian kiểm tra lại độc lập các câu đã trả lời. Khi rà soát nếu thấy sai, học sinh cần dùng tẩy tẩy sạch ô trả lời cũ và tô lại ô trả lời mới. Tránh tình trạng: một câu có 2 ô tô đáp án, tô mờ, không tô, tô không kín ô... Những câu nào chưa có đáp án, học sinh có thể lựa chọn tô ngẫu nhiên để có thể may mắn có điểm.
Học sinh không nên trao đổi với nhau về kết quả của bài thi đã làm trong mỗi buổi thi. Sau buổi/ngày thi không nên đọc báo mạng, xem đáp án của buổi thi đó mà nên nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi thi tiếp theo.
"Năm nay, điểm thi và điểm chuẩn được công bố cùng thời điểm. Do đó nếu đỗ bất kỳ nguyện vọng nào cũng phải xác nhận nhập học nguyện vọng đó. Khi đỗ nguyện vọng không ưng ý (nguyện vọng 2, 3) mà không xác nhận và làm thủ tục nhập học, coi như mình không có nhu cầu học THPT công lập. Do đó, nếu trường ở nguyện vọng trên có hạ điểm, các em cũng không được trúng tuyển" - ông Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.
Đình Tuệ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/thay-hieu-truong-khuyen-si-tu-cham-chi-luc-on-tap-khong-lap-bap-khi-thi-post732414.html