Chất thải nhựa, túi nylon đã và đang là một thách thức không nhỏ với xã hội hiện đại vì sự tác động tiêu cực lớn của chúng với môi trường. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Tại Việt Nam, thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nylon/tháng. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế, 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế. Những năm gần đây, chất thải khó phân hủy từ các đồ gia dụng nhựa, túi nylon có xu hướng gia tăng với số liệu ước tính tỷ lệ chất thải nhựa trong các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt khoảng 6 - 8%.
Thực trạng trên cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng nghiêm trọng, đe dọa môi trường sống của con người. Nhiều nước trên thế giới đã ban hành quy định hạn chế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần.
Thông qua Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai, Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng cùng nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến nghị việc sử dụng sản phẩm thay thế túi nylon, hộp xốp, ống hút nhựa cũng như tiềm năng của các sản phẩm thay thế. Nhóm nghiên cứu đưa ra 3 giải pháp là xây dựng chính sách, thúc đẩy thị trường và nâng cao nhận thức hành vi.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, chính sách là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm đưa ra định hướng hành động. Bên cạnh đó, cần có các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận, chứng nhận với các sản phẩm thay thế được Nhà nước ban hành và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về yêu cầu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm thay thế, tạo điều kiện cho các sản phẩm này được hưởng các ưu đãi về bảo vệ môi trường, cũng như hỗ trợ cho việc truyền thông, tiếp thị.
Trong Quy định về áp dụng thuế, phí nhằm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy, cần xây dựng được các quy định về lộ trình, tăng thuế bảo vệ môi trường, phí xử lý đối với sản phẩm nhựa một lần; đồng thời, các biện pháp thuế cần được áp dụng đối với các công ty có hoạt động liên quan đến sản xuất, nhập khẩu và bán các mặt hàng nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy. Cách tiếp cận thuế này sẽ mang lại động lực tài chính cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường.
Đối với quy định, hướng dẫn về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường cần hỗ trợ kinh phí triển khai các nghiên cứu khoa học và công nghệ hoàn thiện sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm thay thế. Ngoài ra, cần tài trợ, trợ cấp và thúc đẩy cơ hội hợp tác cho các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải pháp và sản phẩm bền vững để khuyến khích sự đổi mới và kinh doanh trong giải quyết ô nhiễm nhựa.
Cùng với đó, cần cung cấp các khoản tín dụng và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững, chuyển sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, đầu tư vào các sản phẩm bền vững hoặc tham gia sản xuất, bán lẻ các sản phẩm thay thế bền vững. Những ưu đãi này sẽ làm cho việc sản xuất và bán các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trở nên khả thi hơn về mặt kinh tế.
Để các sản phẩm thay thể đồ nhựa dùng một lần được thị trường đón nhận, nhóm nghiên cứu đề cập đến đổi mới sáng tạo trong thiết kế, sản xuất, tiếp thị thông qua hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo, giải thường thiết kế vì môi trường…Đồng thời, cần tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp để mở rộng thị trường cho các sản phẩm thay thế; phát huy vai trò của Hiệp hội nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, cũng như nghiên cứu về việc thành lập một liên minh chính thức gồm các doanh nghiệp bền vững, hợp tác với Nhà nước để cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm nhựa.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế là điều cần thiết, thông qua phương pháp tiếp cận các chương trình hành động tự nguyện như khuyến khích doanh nghiệp dừng phát, tặng miễn phí sản phẩm nhựa dùng một lần, nylon khó phân hủy; triển khai cơ chế tích điểm thưởng, đổi quà tặng... Bên cạnh đó, kết nối mạng lưới doanh nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nâng cao nhận thức và hành vi của người tiêu dùng là giải pháp lâu dài; trong đó, cần xây dựng cụ thể các quy định về khuyến nghị, thúc đẩy các hành động tự nguyện giảm thiểu, không phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong trường học và các cơ sở giáo dục cần thiết xây dựng hệ thống, giáo trình tập huấn để nâng cao nhận thức về tác động bất lợi của nhựa sử dụng một lần với sức khỏe con người và môi trường.
Hoàng Vân (TTXVN)