Quy mô vốn nhỏ là yếu tố bất lợi trong cuộc cạnh tranh về phí giữa các công ty chứng khoán
Đổi chủ 2 lần trong 9 tháng
Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngừng cấp phép mở mới công ty chứng khoán trong 5 năm qua khiến các công ty chứng khoán hiện hữu dù hoạt động kém cũng trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn/cá nhân M&A để tham gia thị trường.
Riêng trong năm 2024, thị trường tiếp tục chứng kiến nhiều công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ đổi chủ, thay đổi nhận diện thương hiệu khi có nhóm cổ đông mới.
Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia đổi tên thành Công ty Chứng khoán UP, đồng thời thay đổi nhận diện thương hiệu, chuyển đổi nền tảng giao dịch trực tuyến. Công ty Chứng khoán Hải Phòng (mã HAC) đổi nhóm cổ đông lớn, thực hiện tái cơ cấu, thay toàn bộ Hội đồng quản trị. Tại Công ty Chứng khoán Việt Tín (VTSS), sau khi TIN Global Pte. Ltd thâu tóm 49% vốn điều lệ, đơn vị này đổi tên thành Công ty Chứng khoán VTG và chuyển trụ sở từ Hà Nội vào TP.HCM.
Trong đó, điển hình về đổi chủ là Chứng khoán Hải Phòng, khi 2 cổ đông mới là ông Trần Anh Đức và ông Vũ Hoàng Việt đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nắm giữ lần lượt 19,94% và 24,87% vốn điều lệ trong năm 2024. Sau đó, Công ty thực hiện cải tổ, thay toàn bộ dành lãnh đạo cũ bằng nhóm cổ đông mới.
Cụ thể, ngày 21/9/2024, Chứng khoán Hải Phòng thực hiện miễn nhiệm 5 thành viên Hội đồng quản trị gồm Chủ tịch Vũ Dương Hiền, Phó chủ tịch Vũ Xuân Thủy và các thành viên Đoàn Đức Luyện, Nguyễn Thị Nguyệt, Vũ Thị Thanh Nga. Ngược lại, bổ nhiệm ông Ninh Lê Sơn Hải vào vị trí Chủ tịch, bổ nhiệm 4 thành viên gồm Chu Việt Hà, Lý Thị Thu Hà, Lê Ngọc Hải và Nguyễn Thị Mai.
Trong vòng 9 tháng, Chứng khoán Hải Phòng đã đổi chủ 2 lần, đồng thời thay đổi toàn bộ Hội đồng quản trị.
Tưởng chừng làn gió cổ đông mới và lãnh đạo mới giúp Chứng khoán Hải Phòng hoạt động khởi sắc, nhưng kết thúc năm 2024, Công ty ghi nhận lãi ròng giảm 91,8%, về 2,76 tỷ đồng. Trong quý I/2025, Công ty lỗ hơn 1,1 tỷ đồng.
Thực tế, mới tham gia được 9 tháng tái cơ cấu tại Chứng khoán Hải Phòng, nhóm cổ đông mới đã quyết định rút vốn. Ngày 6/6/2025, ông Trần Anh Đức bán ra toàn bộ hơn 5,8 triệu cổ phiếu (19,94% vốn điều lệ); ông Đào Sơn Tùng bán ra toàn bộ hơn 4,79 triệu cổ phiếu (16,43% vốn điều lệ); ông Vũ Hoàng Việt bán ra toàn bộ gần 7,3 triệu cổ phiếu (24,87% vốn điều lệ).
Như vậy, chỉ trong một ngày, 3 cổ đông lớn đã thoái 61,24% vốn điều lệ tại Chứng khoán Hải Phòng, chính thức rút toàn bộ vốn khỏi Công ty.
Sau động thái thoái vốn của 3 cổ đông lớn, tại Đại hội đồng cổ đông ngày 26/6, Chứng khoán Hải Phòng đã thực hiện miễn nhiệm toàn bộ 5 thành viên Hội đồng quản trị và 3 thành viên Ban kiểm soát, đồng thời giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị từ 5 còn 3 thành viên. Ngược lại, bầu mới 3 thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Đào Lê Huy, bà Ngô Thị Song Ngân và ông Nguyễn Tuấn Anh.
Ông Đào Lê Huy được giới thiệu từ năm 2020 tới năm 2025 giữ vị trí Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Điện lực; bà Ngô Thị Song Ngân đã giữ nhiều vị trí tại các công ty chứng khoán như: Chứng khoán VPS (chuyên viên môi giới), Chứng khoán Everest (Giám đốc khối vận hành), Chứng khoán UPS (Giám đốc Ban dịch vụ chứng khoán); ông Nguyễn Tuấn Anh từ tháng 2/2007 đến tháng 9/2024 là cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Vốn nhỏ là vấn đề lớn
Tưởng chừng làn gió cổ đông mới và lãnh đạo mới sẽ giúp hoạt động kinh doanh khởi sắc, nhưng kết thúc năm 2024, Công ty ghi nhận lãi ròng giảm 91,8% và thua lỗ trong quý I/2025.
Trong những năm qua, khi các công ty chứng khoán nhỏ đổi chủ, các đơn vị này thường vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng được nhóm cổ đông mới cam kết góp vốn, tìm lộ trình tăng vốn để bổ sung vốn kinh doanh, hỗ trợ hệ sinh thái sẵn có của nhóm cổ đông mới.
Đơn cử, tại Công ty Chứng khoán DSC, trước thời điểm nhóm cổ đông mới tham gia năm 2020, Công ty duy trì vốn điều lệ 50 tỷ đồng từ năm 2007. Tuy nhiên, sau đó, Công ty liên tục tăng vốn, tính tới hiện tại đã nâng vốn điều lệ lên 2.048,4 tỷ đồng.
Quay trở lại với câu chuyện của Chứng khoán Hải Phòng, Công ty duy trì vốn điều lệ ở mức 291,8 tỷ đồng từ năm 2015 tới nay, mức rất khiêm tốn so với hầu hết công ty chứng khoán trên sàn.
Tại Đại hội cổ đông năm 2025, sau khi kiện toàn Hội đồng quản trị, Chứng khoán Hải Phòng thông qua kế hoạch tăng vốn. Công ty dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.000 tỷ đồng, triển khai trong năm 2025 hoặc quý I/2026, nhằm bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh, cho vay ký quỹ.
Nếu đợt tăng vốn thuận lợi, vốn điều lệ của Chứng khoán Hải Phòng sẽ tăng lên 1.291,8 tỷ đồng, nhưng đây vẫn là mức nhỏ so với các đơn vị trong ngành tính tới cuối quý I/2025 như Chứng khoán SSI (mã SSI) có vốn điều lệ 19.638,6 tỷ đồng, Chứng khoán VNDIRECT (mã VND) có vốn điều lệ 15.223 tỷ đồng, Chứng khoán VIX (mã VIX) có vốn điều lệ 14.585,1 tỷ đồng…
Thêm nữa, về quy mô hoạt động, theo báo cáo thường niên năm 2024, dù đã cải tổ và đưa vào hệ thống mới trong năm 2024 nhưng Chứng khoán Hải Phòng vẫn chỉ có 3 cơ sở gồm một trụ sở ở Hải Phòng và hai chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM. Kết quả kinh doanh lao dốc khi lãi năm 2024 giảm 91,8%, về 2,76 tỷ đồng và quý I/2025 ghi nhận lỗ 1,15 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 11,78 tỷ đồng, khiến lỗ lũy kế tăng lên 37,44 tỷ đồng, bằng 12,83% vốn điều lệ.
Về chất lượng tài sản, tính tới cuối quý I/2025, Chứng khoán Hải Phòng có tổng tài sản 415,7 tỷ đồng. Trong đó, 165,15 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền, chiếm 39,7% tổng tài sản; các khoản cho vay ghi nhận 123,03 tỷ đồng, chiếm 29,6% tổng tài sản; tạm ứng ngắn hạn ghi nhận 72,4 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng tài sản.
Như vậy, danh mục tự doanh không đáng kể, tài sản của Chứng khoán Hải Phòng chủ yếu là tiền mặt và các khoản cho vay phục vụ dịch vụ môi giới, vì vậy tình hình kinh doanh sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ.
Trong bối cảnh thanh khoản của thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu suy giảm, nhà đầu tư trở nên thận trọng trong giao dịch, nhất là với rủi ro bất ổn bên ngoài. Đặc biệt, cuộc chiến cạnh tranh về phí đang diễn ra ngày một gay gắt giữa các công ty chứng khoán. Đây sẽ là thách thức với Chứng khoán Hải Phòng khi nguồn vốn hạn hẹp, quy mô vốn nhỏ so với các công ty lớn - được hậu thuẫn bởi tổ chức hoặc quỹ đầu tư lớn, sẵn sàng tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn về phí và lãi cho vay margin để thu hút khách hàng.
Duy Bắc