Thể chế đi trước mở đường

Thể chế đi trước mở đường
13 giờ trướcBài gốc
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp từ màn hình)
Tại điểm cầu Cà Mau, tham dự hội nghị có Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại cùng đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Pháp chế, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; các sở, ngành có liên quan.
Tại điểm cầu Cà Mau có sự tham dự của Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế, xã hội) với sự đồng thuận cao, trong đó nhiều luật, nghị quyết thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, chuyển từ tư duy quản lý sang kiến tạo phát triển, triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, như: Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, Luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, thuế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh... Đây cũng là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất, bằng 29,5% (18/61) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, việc xây dựng ban hành luật, nghị quyết được thông qua đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về những thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, sự tham gia của của đồng bào, cử tri, doanh nghiệp, tiếp tục khẳng định sự phối hợp ngày càng hiệu quả, chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở: “Thực tiễn chứng minh việc đưa các chính sách vào cuộc sống và phát huy hiệu quả luôn là thách thức lớn. Do đó, hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng để đánh giá kết quả xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 8, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới”.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương trình các báo cáo tham luận và những ý kiến, kiến nghị trong việc triển khai, thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của bộ ngành, địa phương giao cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thiện ban hành kết luận hội nghị để các địa phương tổ chức thực hiện. Chính phủ xác định, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cần tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ trực tiếp chỉ đạo xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn.
Việc xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng. Thể chế là động lực, nguồn lực của sự phát triển. Đầu tư cho công tác xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật và đầu tư cho sự phát triển, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững. Hoàn thiện thể chế góp phần đắc lực hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chiến lược xây dưng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, thể chế phù hợp là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và ngược lại thể chế không phù hợp kèm hãm sự phát triển của địa phương.
Đặc biệt, thể chế đi trước một bước mở đường cho những đột phá phát triển, phát huy tối đa sự sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới đẩy mạnh kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức với thực thi pháp luật, cơ chế tổ chức thực hiện phải nghiêm minh, nhất quán, đảm bảo thượng tôn hiến pháp; tuân thủ nghiêm luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Kim Cương
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/the-che-di-truoc-mo-duong-a36360.html