Đại biểu Nguyễn Quang Huân.
- Bộ Chính trị vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 68-NQ/TW). Mới đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết Động lực mới cho phát triển kinh tế. Là một Đại biểu Quốc hội đồng thời cũng là một doanh nhân, ông có đánh giá thế nào?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Nghị quyết số 68-NQ/TW ra đời rất đúng thời điểm. Bởi, chúng ta đang tiến hành sắp xếp lại bộ máy, cơ cấu, sáp nhập tỉnh, thành; tạo ra không gian, dư địa rất lớn; mà không gian, dư địa lớn thì các thành phần kinh tế sẽ phát triển. Các doanh nghiệp là các tế bào của nền kinh tế, bây giờ có dư địa rồi nhưng bản thân các tế bào hoạt động thế nào thì phải có một cơ chế mới. Nếu cứ hoạt động theo cách cũ thì khó có thể thực hiện được chủ trương của Đảng là kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Do đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW ra đời vào đúng thời điểm chúng ta cần phải đổi mới tư duy, tháo bỏ cơ chế cho doanh nghiệp phát triển. Nếu chúng ta cứ theo tư duy cũ, tức là tư duy quản lý chứ không kiến tạo thì doanh nghiệp cũng chỉ phát triển tới một ngưỡng nào đó, khó có thể trở thành động lực quan trọng nhất. Cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân rất hào hứng chờ đợi Nghị quyết đi vào thực tiễn.
Tất nhiên, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là Nghị quyết số 68-NQ/TW nằm trong tổng thể của “bộ tứ chiến lược”, phải đi cùng với các Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới chứ không tách riêng được, đặc biệt là Nghị quyết số 66-NQ/TW.
Bởi lẽ, hiện nay, hệ thống pháp luật còn có những quy định chưa rõ ràng, đọc, diễn giải thế nào cũng được nên doanh nghiệp rất khó thực hiện. Nếu chúng ta cứ xây dựng pháp luật như kiểu cũ thì có thể có tình trạng nội dung vướng thì vẫn vướng, tức là chủ trương của Đảng đã tháo gỡ, lý luận thì dẫn đường rồi mà thực tế không chuyển. Vì vậy, tôi nghĩ là cần triển khai một cách đồng bộ Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW, 68 và các nghị quyết khác.
- Thưa ông, một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Chủ trương không hình sự hóa các vấn đề kinh tế của Đảng, Nhà nước đã có lâu rồi, chỉ có điều nội hàm không được giải thích một cách rõ ràng, cặn kẽ như ở Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Nghị quyết số 68-NQ/TW nói rất rõ vấn đề không hình sự hóa các vấn đề kinh tế cũng như cách thức để không hình sự hóa các vấn đề kinh tế. Ví dụ, Nghị quyết nêu rõ yêu cầu bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án; trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự; trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo; sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại…
Điều này khác hẳn với trước đây, khi chúng ta chỉ nói đến yêu cầu này, còn cách diễn giải thì mỗi người hiểu một kiểu. Nghị quyết số 68-NQ/TW đã nói rất rõ ràng, rất cụ thể như thế nào được gọi là không hình sự hóa. Tôi thấy đây là điểm cực kỳ tiến bộ mà cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi. Bởi, khi doanh nghiệp làm ăn thì có thể có những “câu chuyện nọ, câu chuyện kia”, nhất là trong bối cảnh hệ thống luật pháp của chúng ta còn chưa được chặt chẽ như chúng ta kỳ vọng, có thể có những lúc diễn giải sai hoặc có những lúc doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh thì giữa động cơ kinh tế với tuân thủ pháp luật không phải lúc nào cũng song song trùng. Vì vậy, trừ những lỗi cố ý, còn lại thì cũng phải xử lý mang tính nhân văn.
Nghị quyết Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng nói về câu chuyện là các cơ chế thử nghiệm, nếu trong trường hợp có những trường hợp rủi ro thì chấp nhận rủi ro. Như vậy, Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ tháo gỡ rất nhiều cho doanh nghiệp và giới nghiên cứu khoa học.
- Có ý kiến cho rằng việc thể chế các Nghị quyết thường cần thời gian rất dài. Ông có thể kiến nghị một số nội dung để thực hiện nhanh Nghị quyết số 68-NQ/TW?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Nếu chúng ta kỳ vọng thể chế hóa hết các nghị quyết thì thời gian mới là dài, nhưng chúng ta không thể cầu toàn được. Bởi, nghị quyết thì ngắn, chỉ còn mấy trang thôi nhưng để hiểu, diễn giải ra thì thể chế phải mất vài 3 năm, thậm chí cả nhiệm kỳ vì luật này còn liên quan đến luật khác.
Tuy nhiên, chúng ta có một điều rất là hay là khi nghị quyết của Đảng đã ban hành thì xã hội sẽ chuyển động, cả nền kinh tế chuyển đổi. Bởi, có những nội dung mà các nghị quyết quy định đã làm sáng tỏ ra thêm một số vấn đề mà luật hiện nay chưa rõ hoặc định hướng những vấn đề mà xã hội còn đang phân vân.
Ví dụ như trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 68-NQ/TW có nêu là xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân. Những chỉ đạo này sẽ làm xã hội chuyển động, những việc gây phiền hà cho doanh nghiệp, doanh nhân sẽ giảm bớt.
Hay như khi Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới ra đời thì ta chưa thể chế hóa được nội dung nào nhưng hành xử đối với đội ngũ doanh nhân đã khác, khi mà hành xử đối với doanh nhân khác, tôn trọng hơn thì không có việc nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp có quy định hiểu thế nào cũng được thì các cơ quan công quyền hoặc những người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp sẽ phải tiếp cận, giải quyết một cách tốt hơn cho doanh nghiệp vì có Nghị quyết số 41-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW. Đấy là những cái chuyển động rất nhanh.
Ngoài định hướng xã hội ra thì có một cái chúng ta có thể thể chế nhanh được mà không cần phải luật là các văn bản hướng dẫn của địa phương; thậm chí sắp tới, theo quy định của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cấp xã có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì xã có thể có những văn bản hướng dẫn phù hợp với các luật đã quy định hoặc là cụ thể rõ ra, bám sát tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW để triển khai.
Hay cấp tỉnh, các bộ, ngành cũng có thể triển khai ngay. Thậm chí lên đến cấp Chính phủ thì có thể có nghị định, quyết định của Thủ tướng ban hành ngay, tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có thể làm ngay. Rồi lên đến cấp Quốc hội là các nghị quyết hoặc pháp lệnh. Xây dựng luật mới lâu còn các văn bản khác dưới luật nhưng vẫn thuộc hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thì có thể triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW mà không phải chờ.
- Ông có thể nêu kỳ vọng về sự phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Nghị quyết số 68-NQ/TW đã nêu rõ mục đích, cũng là kỳ vọng về phát triển kinh tế tư nhân. Nếu chúng ta đạt được các mục đích đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ phát triển mạnh.
Trong đó đặc biệt là các chỉ tiêu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.
Những nội dung này khi đọc tưởng là những con số tưởng rất khô khan nhưng chúng ta phải thấy rằng khi Đảng đã có nghị quyết như thế thì các nguồn lực sẽ dồn vào đó. Tôi nói ví dụ như để làm sao cho khối tư nhân năng suất lao động tăng 9,5 % thì phải đầu tư vào khoa học công nghệ, ẩn sâu của nó như thế và nếu đầu tư vào khoa học công nghệ thì mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp quốc tế.
Khi làm những nội dung này thì doanh nghiệp sẽ rất kỳ vọng, khi thực hiện đúng Nghị quyết số 68-NQ/TW và tôi chắc chắn phải thực hiện, bởi nghị quyết của Đảng mà không thể không thực hiện, chỉ có nhanh hay chậm thì khi thực hiện ở đấy thì kinh tế tư nhân sẽ thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Dung (thực hiện)