Sân Mỹ Đình liên tục tổ chức liveshow
Theo lịch thi đấu, trận Thể Công Viettel gặp CLB TP.HCM sẽ diễn ra vào lúc 17h ngày 22/6. Trận đấu thuộc vòng hạ màn V.League diễn ra chỉ sau đúng một ngày sân Mỹ Đình tổ chức liveshow của ca sĩ nổi tiếng G-Dragon. Cuối tuần qua, Mỹ Đình là điểm hẹn của một sự kiện âm nhạc đình đám khác.
Sân Mỹ Đình tổ chức quá nhiều sự kiện ca nhạc, ảnh hưởng đến lịch trình của Thể Công Viettel.
Việc tổ chức hai liveshow lớn liên tiếp chỉ trong vòng hơn 1 tháng khiến mặt cỏ sân Mỹ Đình không thể đảm bảo. Trước đó, cũng vì diễn ra 2 đêm ca nhạc hồi cuối tháng 10, sân vận động này mất luôn quyền đăng cai các trận đấu tại AFF Cup 2024 của ĐT Việt Nam. Không những thế, mặt cỏ Mỹ Đình cho đến hiện tại đã và đang trở thành “cạm bẫy” khiến mọi đội bóng nhát chân. Các HLV trưởng không tiếc lời chỉ trích vì chất lượng mặt cỏ quá tệ tại sân vận động được xếp vào diện chuẩn quốc gia.
Quay trở lại với chuyện Thể Công Viettel gặp TP.HCM ở vòng 26 V.League 2024/25. Sân Mỹ Đình sẽ không thể tổ chức trận đấu này. Đáng nói hơn, đội bóng áo lính cũng không thể mượn Hàng Đẫy giống như những vòng đấu “chữa cháy” xuyên suốt mùa giải năm nay. Đơn giản là bởi cùng giờ với trận Thể Công Viettel đấu TP.HCM, Công an Hà Nội sẽ dùng sân Hàng Đẫy để tiếp đón Hải Phòng. Vô hình trung, đội bóng áo lính rơi vào cảnh “vô gia cư”, chưa tìm được sân nhà để tổ chức trận đấu này.
Như đã đề cập kể trên, thực tế chuyện Thể Công Viettel loay hoay với sân nhà Mỹ Đình ở vòng hạ màn V.League chỉ là giọt nước tràn ly, sau những trăn trở và truân chuyên mà CLB này phải trải qua. Quay lại thời điểm 1 năm về trước. Theo yêu cầu của AFC, một sân vận động không thể có hơn hai CLB cùng đăng ký làm chủ nhà trong một giải chuyên nghiệp. Một trong ba đội gồm Thể Công Viettel, Hà Nội và Công an Hà Nội sẽ phải rời sân Hàng Đẫy, thay vì cảnh “ở trọ cùng nhau” như mùa 2023 và 2023/24.
Tháng 7/2024, UBND TP Hà Nội chính thức xác nhận chỉ Hà Nội FC và Công an Hà Nội được phép duy trì quyền chủ nhà tại Hàng Đẫy. Thể Công Viettel, dù là một trong những đội bóng giàu truyền thống nhất Việt Nam, buộc phải rời “đại bản doanh” quen thuộc.
Tháng 8/2024, Thể Công Viettel chính thức đăng ký sân Mỹ Đình làm sân nhà. Tuy nhiên, thay vì sự ổn định cần có để phục vụ thi đấu chuyên nghiệp, đội bóng áo lính liên tục rơi vào trạng thái tạm bợ. Thậm chí bất chấp việc lịch thi đấu của cả mùa giải đã được VPF sớm công bố, Thể Công Viettel vẫn rơi vào cảnh bị động. Hữu Thắng cùng các đồng đội phải phụ thuộc vào lịch… liveshow, hoạt động biểu diễn nghệ thuật của sân Mỹ Đình.
Khổ sở cảnh “thuê nhà”
Sau 2 trận đầu tiên thi đấu tại Mỹ Đình khi tiếp đón Hà Nội và Bình Định, Thể Công Viettel bắt đầu rơi vào cảnh bấp bênh. Ở trận thứ 3 đá trên sân nhà vào ngày 25/10/2024, đội bóng này phải mượn lại Hàng Đẫy để đấu với Bình Dương vì sân Mỹ Đình tổ chức sự kiện. Đến trận thứ 4 được đá sân nhà, Thể Công Viettel trở lại Mỹ Đình khi tiếp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Nhưng niềm vui chẳng kéo dài bao lâu. Ngay vòng 8, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng (khi đó còn dẫn dắt đội) tiếp tục phải về lại Hàng Đẫy gặp Thanh Hóa. Lý do vì Mỹ Đình lại bận tổ chức 2 đêm concert đình đám.
Giai đoạn yên ổn nhất có lẽ chỉ kéo dài từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 4/2025, khi đội bóng áo lính được phép chơi liên tục 6 trận tại Mỹ Đình. Dẫu vậy, đây cũng là lúc mặt sân bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng. Hệ quả là đã xảy ra những chấn thương nặng cho các cầu thủ. Có thể kể đến trung vệ Phạm Lý Đức (HAGL) và Vũ Tiến Long (Quảng Nam). Sau khi gặp vấn đề ở trận đấu với Thể Công Viettel, cho đến nay, hai cầu thủ kể trên vẫn chưa thể tái xuất sân cỏ.
CLB Thể Công Viettel khổ sở chuyện đá sân nhà.
Cuối tháng 4 vừa rồi, cũng vì Mỹ Đình một lần nữa bận tổ chức sự kiện, Thể Công Viettel lại về Hàng Đẫy. Họ đã đấu Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng trên sân này. Dự kiến tới đây, CLB đang được dẫn dắt bởi HLV Velizar Popov sẽ gặp Hải Phòng cũng ở Hàng Đẫy. Cần nói thêm, dù đã được VPF và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hỗ trợ, nhưng công tác tổ chức trận đấu của Thể Công Viettel vẫn gặp vô số trở ngại.
Tiêu biểu là trong trận gặp SLNA, đội bóng áo lính không được phép sử dụng một số hạng mục như phòng thay đồ tiêu chuẩn, hệ thống LED hay dàn đèn góc sân. Nguồn cơn đến từ việc CLB Công an Hà Nội từ chối hỗ trợ. Điều này buộc Thể Công Viettel phải cắn răng thuê, lắp đặt thiết bị riêng để phục vụ công tác tổ chức trận đấu.
Sân Mỹ Đình là tài sản quốc gia, do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý. Việc cho thuê tổ chức các sự kiện âm nhạc, thể thao khác là điều không sai, thậm chí giúp tăng nguồn thu, tạo điều kiện quảng bá văn hóa. Tuy nhiên, khi việc cho thuê ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bóng đá chuyên nghiệp, vốn có lịch trình cụ thể, được tổ chức bởi một hệ thống điều hành riêng biệt thì đó là vấn đề cần xem xét lại.
Bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi tính ổn định, không chỉ về sân bãi mà còn về môi trường thi đấu, công tác tổ chức và tâm lý cầu thủ. Một đội bóng không thể thi đấu trong tâm thế “sáng nay tập sân A, chiều mai đá sân B”, nhất là khi họ đang cạnh tranh cho những vị trí quan trọng trên bảng xếp hạng.
Chờ Thể Công Viettel xây sân riêng
Câu chuyện Thể Công Viettel không được thi đấu sân nhà do liveshow của G-Dragon chỉ là “giọt nước tràn ly” cho một thực tế kéo dài cả năm trời. Bóng đá chuyên nghiệp không thể vận hành trong sự tạm bợ, thụ động và phụ thuộc. Một đội bóng như Thể Công Viettel, với truyền thống, lực lượng và lượng người hâm mộ lớn, cần được đối xử đúng mực, công bằng và xứng đáng với vị thế của họ.
Theo thông tin có được, đội bóng áo lính sẽ lên kế hoạch xây một sân vận động riêng, đáp ứng tiêu chuẩn từ V.League và các giải châu Á. Sân vận động này có sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi, nằm ở vị trí Mỹ Đình. Điều này giúp cho Thể Công Viettel có thể thu hút lượng cổ động viên lớn khi thi đấu trên sân nhà tại V.League.
An Khánh