Đảng cầm quyền chứng kiến thất bại lớn nhất sau chiến tranh
Theo kết quả sơ bộ dựa trên các cuộc thăm dò ý kiến cử tri khi rời phòng bỏ phiếu và kiểm phiếu một phần, cho thấy liên minh CDU/CSU của phe đối lập về nhất với 28,5% số phiếu.
Thủ tướng Olaf Scholz đã thừa nhận thất bại của đảng SPD. Ảnh: AP
Trong khi đó, sự ủng của họ đối với đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) - một đảng cực hữu, bài ngoại, chống nhập cư là khoảng 20,5% - gấp đôi kết quả năm 2021.
Tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz chỉ vào khoảng 16,5% số phiếu, thấp hơn nhiều so với cuộc bầu cử trước và là mức thấp kỷ lục kể từ sau chiến tranh.
Đảng Xanh, đảng ủng hộ bảo vệ môi trường và đối tác của SPD trong chính phủ sắp mãn nhiệm, đạt khoảng 12%.
Trong số ba đảng nhỏ hơn, đảng Cánh tả cực đoan đã củng cố vị thế của mình, giành được tới 9% số phiếu bầu sau một sự trở lại đáng chú ý. Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ doanh nghiệp, là đảng liên minh thứ ba trong chính phủ sắp mãn nhiệm, có vẻ như sẽ mất ghế trong Quốc hội vì chỉ giành được khoảng 4,5%, không đủ ngưỡng tối thiểu 5% để có ghế. Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) đang dao động quanh ngưỡng 5% cần thiết để giành được ghế.
Thủ tướng Olaf Scholz đã thừa nhận thất bại của đảng SPD khi gọi đây là "một kết quả bầu cử cay đắng". Dự đoán của đài truyền hình công cộng ARD và ZDF cho thấy đảng của ông đứng thứ ba với kết quả tồi tệ nhất sau chiến tranh trong một cuộc bầu cử Quốc hội toàn quốc.
Ứng cử viên Thủ tướng của đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức Alice Weidel ăn mừng chiến thắng. Ảnh: AP
Cuộc bầu cử diễn ra sớm hơn 7 tháng so với dự kiến ban đầu sau khi Chính phủ liên minh không được lòng dân của Scholz sụp đổ vào tháng 11 năm ngoái. Chiến dịch bầu cử ở Đức bị chi phối bởi những lo ngại về tình trạng trì trệ kéo dài nhiều năm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu và áp lực hạn chế di cư, điều gây ra tâm trạng căng thẳng gần đây sau khi đảng của ông Merz thúc đẩy mạnh mẽ một đạo luật hạn chế nhập cư vô cùng cứng rắn. Chiến dịch bầu cử cũng diễn ra trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng về tương lai của Ukraine và cũng như vai trò của Liên minh châu Âu (EU) sau chiến tranh.
Cử tri Đức tham gia bầu Quốc hội ngày 23.2. Ảnh: AP
Đức là quốc gia đông dân nhất trong Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia và là thành viên hàng đầu của NATO. Quốc gia này cũng là bên cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ukraine, sau Hoa Kỳ. Đức sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc định hình phản ứng của châu lục này trước những thách thức trong những năm tới, bao gồm chính sách đối ngoại và thương mại cứng rắn của chính quyền Donald Trump.
Để giành được thế đa số và tiến tới thành lập chính phủ, ông Merz đầu tiên có thể đàm phán với SPD và kế đến là đảng Xanh. Một đối tác tiềm năng là FDP, từng là một phần của liên minh đảng cầm quyền trước khi rời đi hồi tháng 11.2024.
Nhiệm vụ khó khăn đối với “người chiến thắng”
Với kết quả này, lãnh đạo phe bảo thủ Friedrich Merz dự kiến trở thành Thủ tướng tiếp theo của Đức và cho biết ông hy vọng có thể thành lập được chính phủ liên minh vào lễ Phục sinh. Nhưng điều đó có thể sẽ rất khó khăn bởi ông sẽ phải đối mặt cuộc đàm phán phức tạp và dự kiến kéo dài để thành lập chính quyền liên minh sau khi đảng AfD cực hữu về nhì với 20,5% số phiếu.
Lãnh đạo phe bảo thủ Friedrich Merz sẽ trở thành Thủ tướng mới của Đức. Ảnh: AP
Liệu ông Merz có chiếm được đa số để thành lập liên minh với SPD của ông Scholz hay cần thêm một đối tác thứ hai, điều này phụ thuộc vào việc liệu đảng BSW có đủ phiếu để có một ghế trong Quốc hội hay không. Nhà lãnh đạo bảo thủ cho biết "điều quan trọng nhất là tái lập một Chính phủ khả thi ở Đức càng nhanh càng tốt".
“Tôi nhận thức được trách nhiệm của mình” Merz nói. “Tôi cũng nhận thức được quy mô của nhiệm vụ mà chúng ta đang phải đối mặt. Tôi tiếp cận nó với sự tôn trọng tối đa, và tôi biết rằng nó sẽ không dễ dàng”.
Ông nói với những người ủng hộ đang reo hò rằng: "Thế giới ngoài kia không chờ đợi chúng ta và không chờ đợi những cuộc đàm phán và đàm phán liên minh kéo dài".
Ứng cử viên thủ tướng của đảng Xanh Robert Habeck, cho biết ông Merz nên điều chỉnh giọng điệu của mình sau một chiến dịch tranh cử khó khăn. “Chúng ta đã thấy các đảng trung tâm đều suy yếu và chúng ta nên nhìn lại bản thân và tự hỏi liệu mình có góp phần vào điều đó không”, ông Habeck nói. “Bây giờ ông Merz phải hành động như một thủ tướng (chứ không phải lãnh đạo phe đối lập)”.
Đảng Xanh là đảng chịu ít thiệt hại nhất khi tham gia vào chính phủ không được lòng dân của Scholz. Tổng thư ký của SPD, Matthias Miersch, cho rằng thất bại của họ không có gì đáng ngạc nhiên - "cuộc bầu cử này không phải là thất bại trong tám tuần qua".
Ông Merz, 69 tuổi, chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, tuyên bố sẽ giúp châu Âu có được "tự chủ thực sự" trước Mỹ và cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy những thay đổi nhanh chóng và bất ổn, trong khi "thế giới không chờ đợi chúng ta”.
Thủ tướng kế tiếp của Đức nhấn mạnh sau khi ông Donald Trump tiếp xúc với phía Nga và đưa ra những bình luận gây hoài nghi về tương lai của NATO, châu Âu phải tăng cường năng lực quốc phòng và ông không còn có ảo tưởng gì về Mỹ.
AfD thành công vang dội nhưng không có ghế trong Chính phủ
“Chúng ta đã đạt được một chiến thắng mang tính lịch sử hôm nay”, đồng lãnh đạo đảng AfD Tino Chrupalla phát biểu với những người ủng hộ đang reo hò sau khi có kết quả sơ bộ vào tối ngày 23.2 theo giờ Đức.
"Chúng tôi hiện là trung tâm chính trị và chúng tôi đã bỏ lại những kẻ ngoài lề phía sau", ông nói. Thành tích mạnh nhất trước đây của đảng là 12,6% vào năm 2017, khi đảng này lần đầu tiên tham gia Quốc hội.
Ứng cử viên Thủ tướng của đảng, Alice Weidel, cho biết AfD "mở cửa cho các cuộc đàm phán liên minh" với đảng Bảo thủ của ông Merz, bởi "nếu không, Đức sẽ không có thay đổi chính sách nào đáng kể". Merz đã nhiều lần loại trừ khả năng hợp tác với AfD, cũng như các đảng chính thống khác, và ông đã nhắc lại một lần nữa lựa chọn này trong cuộc trao đổi trên truyền hình sau bầu cử.
Ông Alice Weidel cho rằng AfD sẽ không phải nhượng bộ nhiều; đồng thời cảnh báo một Chính phủ liên minh với đảng cánh tả. Nếu tân Thủ tướng kết thúc bằng việc thành lập một liên minh với SPD và Đảng Xanh, “đó sẽ là một chính phủ bất ổn không tồn tại được 4 năm, Friedrich Merz sẽ chỉ là một thủ tướng lâm thời để dọn đường cho chúng ta trong những năm tới”.
Các nhà lập pháp khóa mới sẽ nhóm họp dưới mái vòm kính của tòa nhà Reichstag để dẫn dắt nước Đức. Ảnh: AP
Về phần mình, ông Merz bác bỏ ý kiến cho rằng cử tri muốn ông liên minh với AfD. “Chúng tôi có quan điểm khác nhau về cơ bản, ví dụ như về chính sách đối ngoại, chính sách an ninh, trong nhiều lĩnh vực khác, liên quan đến châu Âu, đồng euro, NATO”, ông nói. “Các bạn muốn điều ngược lại với những gì chúng tôi muốn, nên sẽ không có sự hợp tác nào cả”, ông Merz nói thêm.
Ngày 23.2, hơn 59 triệu cử tri của quốc gia 84 triệu đã tham gia bầu Quốc hội mới của Đức gồm 630 thành viên, những người sẽ ngồi dưới mái vòm kính của tòa nhà Reichstag mang tính biểu tượng tại Berlin để dẫn dắt nước Đức và có thể cả EU trong 4 năm tới.
Quỳnh Vũ