Giáo hoàng Francis. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN
Thông báo trên kênh truyền hình Vatican, Đức Hồng y Kevin Farrell cho biết: "Tôi vô cùng đau buồn khi phải thông báo về sự ra đi của Đức Thánh Cha Francis. Vào lúc 7h35 sáng nay (giờ địa phương), Giám mục Roma, Francis, đã trở về nhà Chúa Cha".
Ông Jorge Mario Bergoglio, người Argentina, được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 13/3/2013, được biết đến là người không ngừng thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo và hòa bình, đứng về phía người nghèo, người bị thiệt thòi, người di cư. Giáo hoàng ra đi chỉ một ngày sau lễ Phục sinh, khi ông xuất hiện trên ban công tại Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Theo thông báo của Tòa Thượng phụ La tinh Jerusalem, Thánh lễ tưởng niệm Đức Giáo hoàng sẽ được tổ chức vào ngày 22/4 tại Nhà thờ Mộ Thánh.
Ngày 21/4, chuông tại Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) đã ngân lên 88 hồi tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Francis. Văn phòng báo chí Nhà thờ Đức Bà cho biết: "88 hồi chuông tượng trưng cho 88 năm cuộc đời (Giáo hoàng)". Cùng ngày, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cho biết các hoạt động chiếu sáng mang tính biểu tượng của Tháp Eiffel sẽ được tắt vào đêm 21/4 để tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Francis. Tòa thị chính đang có kế hoạch đặt tên một địa điểm ở thủ đô nước Pháp theo tên Đức Giáo hoàng Francis, người mà bà cho biết đã ủng hộ "chào đón người tị nạn".
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã gửi lời chia buồn trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis. Trên nền tảng truyền thông xã hội X, bà von der Leyen viết: "Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến tất cả những ai cảm thấy mất mát to lớn này, hy vọng di sản của Đức Giáo hoàng sẽ tiếp tục hướng dẫn tất cả chúng ta đến một thế giới công bằng, hòa bình và nhân ái hơn".
Người đứng đầu EU cũng ca ngợi “sự khiêm nhường và tình yêu trong sáng của Đức Giáo hoàng dành cho những người kém may mắn”.
Từ Mỹ, Phó Tổng thống JD Vance bày tỏ tình cảm hướng về hàng triệu người theo đạo Thiên Chúa trên khắp thế giới, những người yêu mến Đức Giáo hoàng. Trong khi đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi Giáo hoàng Francis là người khiêm nhường, đứng về phía những người bị tổn thương và mong manh nhất. Còn Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz thì cho rằng Giáo hoàng Francis sẽ được nhớ đến vì sự tận tụy không mệt mỏi đối với những nhóm người yếu thế nhất của xã hội.
Tổng thống Thụy Sĩ ca ngợi Giáo hoàng Francis là một nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại, người ủng hộ không mệt mỏi cho hòa bình và di sản của Giáo hoàng sẽ còn mãi. Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cho biết Giáo hoàng Francis là "người của nhân dân về mọi mặt", người đã nhận ra những vấn đề cấp bách của thời đại chúng ta và kêu gọi sự chú ý đến chúng. Ông bày tỏ tưởng nhớ Giáo hoàng với lòng kính trọng sâu sắc, và Giáo hoàng là hình mẫu cho nhiều người - cả người Công giáo và người không theo Công giáo.
Thủ tướng Italy, bà Giorgia Meloni đã bày tỏ lòng thương tiếc Đức Giáo hoàng Francis. Phát biểu trên đài truyền hình RAI, bà Meloni cho biết việc Giáo hoàng ra đi sau ngày lễ Phục Sinh cho thấy ông “muốn làm tròn nhiệm vụ của mình cho đến phút cuối cùng". Tổng thống Ba Lan, ông Andrzej Duda cho biết Đức Giáo hoàng Francis là “một tông đồ vĩ đại của lòng thương xót”, người mà ông nhìn thấy câu trả lời cho những thách thức của thế giới hiện đại.
Từ Nga, Điện Kremlin ra thông báo, đánh giá rằng trong nhiệm kỳ Giáo hoàng, Đức Giáo hoàng Francis đã tích cực thúc đẩy đối thoại giữa các giáo hội chính thống của Nga và Công giáo La Mã, cũng như sự tương tác xây dựng giữa Nga và Tòa thánh Vatican. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ chia buồn.
Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi chia sẻ sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis "là một mất mát sâu sắc cho toàn thế giới, vì ngài là tiếng nói của hòa bình, tình yêu và lòng trắc ẩn". Ông là người "làm việc không biết mệt mỏi để thúc đẩy lòng khoan dung và xây dựng những cây cầu đối thoại ... và là người đấu tranh cho sự nghiệp của người Palestine, bảo vệ các quyền hợp pháp và kêu gọi chấm dứt xung đột".
Trong thông điệp chia buồn gửi tới thế giới Kitô giáo và các cộng đồng tại Đất Thánh, Tổng thống Israel Isaac Herzog cho biết Giáo hoàng Francis là người có đức tin sâu sắc, yêu chuộng hòa bình và lòng trắc ẩn, người đã vun đắp mối quan hệ với thế giới Do Thái. Tổng thống Herzog nhấn mạnh: "Một người có đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô bờ bến, ông đã cống hiến cuộc đời mình để nâng đỡ người nghèo và kêu gọi hòa bình trong một thế giới đầy biến động. Tôi thực sự hy vọng rằng những lời cầu nguyện của ông cho hòa bình ở Trung Đông và cho sự trở về an toàn của các con tin (ở Gaza) sẽ sớm được đáp lại".
Về phần mình, Tổng thống Palestine, ông Mahmud Abbas đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Giáo hoàng Francis, khẳng định ngài là "người bạn của nhân dân Palestine". Hãng thông tấn chính thức của Palestine Wafa dẫn lời ông Abbas cho biết:"Hôm nay, chúng ta đã mất đi một người bạn trung thành của nhân dân Palestine và các quyền hợp pháp của họ". Đức Giáo hoàng Francis "đã công nhận nhà nước Palestine và cho phép kéo cờ Palestine tại Vatican".
Tại Liban, Tổng thống Joseph Aoun đã bày tỏ thương tiếc một "người bạn thân thiết và là người ủng hộ mạnh mẽ" của quốc gia đa tôn giáo đang bị khủng hoảng này. Trên tài khoản mạng xã hội X, ông Aoun cho biết: "Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những lời kêu gọi liên tục của ngài về việc bảo vệ Liban và giữ gìn bản sắc cũng như sự đa dạng của đất nước này…
Sự ra đi của Giáo hoàng Francis là một mất mát cho toàn thể nhân loại, vì ngài là tiếng nói mạnh mẽ cho công lý và hòa bình, người đã kêu gọi "đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa". Cùng ngày, Iran đã gửi lời chia buồn tới Tòa thánh Vatican. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baqaei cho biết tại một cuộc họp báo "Các đồng nghiệp của tôi vừa thông báo cho tôi tin tức này... Tôi xin gửi lời chia buồn tới tất cả những người theo đạo Thiên chúa trên toàn thế giới".
Iran, một quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Vatican. Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng bày tỏ vô cùng đau buồn trước sự ra đi của ví Giáo hoàng Francis, "ngọn hải đăng của lòng trắc ẩn", người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người bằng lòng khiêm nhường và tình yêu thương trong sáng của ngài dành cho những người kém may mắn.
Bích Liên (TTXVN)