Thế giới bước vào thời kỳ tái định hình chính sách lãi suất

Thế giới bước vào thời kỳ tái định hình chính sách lãi suất
2 giờ trướcBài gốc
Đây là một phép thử để xem bối cảnh tài chính toàn cầu đã thay đổi như thế nào kể từ đại dịch Covid-19 và liệu rằng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do lãi suất cơ bản cao hơn hay không.
Chính sách nới lỏng toàn cầu sẽ kéo dài?
Hôm 18/9 vừa qua, Fed đã bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất, tham gia vào một quá trình nới lỏng chính sách vốn được Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB), Ngân hàng T.Ư Anh (BoE) và các ngân hàng T.Ư khác thực hiện trước đó một thời gian.
Một số chuyên gia cho rằng, việc Fed mạnh tay hạ lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản có thể đã góp phần mở đường cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19 vì sẽ có ít lo ngại hơn về cách thức gói kích thích này có thể ảnh hưởng đến giá trị đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa chắc chắn về khả năng chính sách nới lỏng toàn cầu có thể kéo dài trong dài hạn trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc xem liệu mức lãi suất cần thiết để kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế hiện tại có cao hơn mức lãi suất cực thấp phổ biến trước đại dịch Covid-19 hay không.
Đánh giá về chính sách tiền tệ trước khi đại dịch bùng phát, khi lãi suất của Fed dao động gần mức 0 trong nhiều năm và châu Âu bước vào lãi suất âm, Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi cuối tháng 9 cho biết, ông cảm thấy như thế giới đó đã biến mất mãi mãi.
Trong năm nay, ECB đã tiến hành 2 đợt cắt giảm lãi suất lần lượt vào tháng 6 và tháng 9. Fed ngày 18/9 bắt đầu hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020. Ảnh: Financialtribune
"Hiện tại, điều đó đã quá xa vời, tôi cảm thấy chúng ta sẽ không quay lại thời điểm đó nữa. Tôi tin rằng lãi suất trung lập có khả năng sẽ cao hơn đáng kể so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Nó sẽ cao đến mức nào? Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể biết... Chúng ta chỉ biết điều đó thông qua các mục tiêu do các ngân hàng T.Ư đặt ra để điều chỉnh chính sách” - ông Powell cho hay.
Theo người đứng đầu Fed, các yếu tố quan trọng nhất sẽ bao gồm lạm phát giảm về mức mục tiêu 2% mà tất cả các ngân hàng T.Ư lớn đều hướng tới, tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng tiền lương và tăng trưởng kinh tế đều gần với tiềm năng phù hợp với tốc độ tăng giá đó.
Lãi suất sẽ cao hơn trong tương lai
Đối với Fed, trong các dự báo được công bố tại cuộc họp chính sách hồi tháng 9 vừa qua, điểm dừng trung bình cho việc cắt giảm lãi suất mà giới chức Ngân hàng T.Ư Mỹ đề cập là 2,9%, đạt được vào cuối năm 2026, nhưng các dự báo riêng lẻ trải rộng từ mức 2,4 - 3,9%. Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết, lãi suất trung lập sẽ "cao hơn nhiều so với trước đây".
Giới chuyên gia cho rằng, dữ liệu và cuộc tranh luận xung quanh xu hướng của lãi suất diễn ra như thế nào trong những tháng tới sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập lại toàn cầu về chi phí đi vay.
Tại Mỹ, lãi suất thế chấp cho khoản vay mua nhà trong 30 năm duy trì ở mức 3% trong thập kỷ trước đại dịch Covid-19 và tăng vọt lên gần 8% khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Mức lãi suất này hiện đã hạ nhiệt xuống còn 6%, song được dự báo sẽ không giảm mạnh. Một nghiên cứu gần đây của Fed cho thấy lãi suất thế chấp khó có thể giảm xuống dưới 5%.
Xu hướng này nhiều khả năng cũng xảy ra tại nhiều quốc gia. Hội đồng quản trị ECB chưa công bố dự báo chính thức về lãi suất trung lập, nhưng các quan chức đã công bố một báo cáo trong năm nay cho thấy lãi suất vào khoảng 2%.
Trong khi đó, Ngân hàng T.Ư Anh (BoE) không công bố ước tính chính xác về mức lãi suất trung lập. Tuy nhiên, khảo sát mới nhất của các nhà phân tích BoE cho thấy lãi suất được dự báo ở mức 3,5%.
Trước đó, hồi tháng 8, sau khi BoE hạ lãi suất xuống 5% lần đầu tiên kể từ năm 2020, từ mức cao nhất trong 16 năm là 5,25%, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết, mức lãi suất thấp có khả năng đã kết thúc. "Không có khả năng thế giới sẽ tái diễn kịch bản từng trải qua vào giữa năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính và thời điểm chúng ta bắt đầu tăng lãi suất. Lý do là thế giới thực sự bị chi phối bởi những cú sốc rất lớn tác động đến thị trường hàng hóa và lao động, làm thay đổi động lực đầu tư và cung ứng toàn cầu” - Reuters trích dẫn tuyên bố của Thống đốc Bailey.
Theo ông Jason Thomas - Giám đốc nghiên cứu và đầu tư toàn cầu của Carlyle, bất ổn địa chính trị cùng với nhân khẩu học, năng suất lao động và các xu hướng cơ bản khác có thể gia tăng thêm áp lực đối với giá cả hàng hóa, và lãi suất sẽ cao hơn trong tương lai.
Lạm phát vẫn là mối lo ngại của Fed
Sự bùng nổ bất ngờ của thị trường lao động Mỹ trong tháng 9 khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về hướng đi chính sách của Fed sau khi cơ quan này cho biết đã chuyển trọng tâm sang thị trường lao động sau nhiều năm đối phó lạm phát.
Bất chấp báo cáo việc làm tích cực hơn dự báo, giới chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại rằng lạm phát có thể chưa hoàn toàn bị đẩy lùi và còn phải chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 dự kiến được công bố trong tuần này. Mỹ đã chứng kiến 254.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng trước, vượt xa dự báo là 147.000. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,1%.
Theo nhà kinh tế Mohamed El-Erian, báo cáo việc làm mạnh mẽ buộc Fed một lần nữa phải hướng trọng tâm vào cuộc chiến chống lạm phát. Những lo ngại về lạm phát đã bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu trong những tháng gần đây khi Ngân hàng T.Ư Mỹ chuyển trọng tâm sang bức tranh lao động. Nhưng với báo cáo việc làm tháng 9 vượt xa kỳ vọng, việc gạt bỏ rủi ro lạm phát có thể là quá sớm đối với Fed.
"Rất nhiều tuyên bố rằng "lạm phát đã chết". Trên thực tế, lạm phát chưa chết” - chuyên gia El-Erian nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV, đồng thời cảnh báo rằng Fed không nên chỉ tập trung vào mục tiêu tuyển dụng việc làm mà bỏ qua vấn đề lạm phát.
Nhiều chuyên gia khác cũng đưa ra quan điểm tương tự. UBS - một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới cho rằng, báo cáo CPI tháng 9 sẽ là chìa khóa để hiểu hướng đi tiếp theo của Fed. Chuyên gia kinh tế Brian Rose của UBS nhận định: "Nếu giá cả tăng nhanh hơn dự kiến cùng với dữ liệu lao động mạnh hơn, khả năng Fed không giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 11 sẽ tăng lên”.
Tăng trưởng việc làm tại Mỹ tăng mạnh đã khiến các thị trường tài chính đặt cược rằng Fed sẽ chậm lại tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ. Thị trường cũng đang phản ánh sự thay đổi trong kỳ vọng này. Dữ liệu từ CME FedWatch cho thấy xác suất Fed giảm lãi suất chỉ ở mức khiêm tốn 25 điểm cơ bản vào tháng 11 hiện đã lên tới 99%.
Nguyễn Phương
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/the-gioi-buoc-vao-thoi-ky-tai-dinh-hinh-chinh-sach-lai-suat.html