Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/3 (giờ địa phương) tuyên bố với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One, rằng chiến lược thuế đối ứng mà ông dự kiến công bố trong tuần này sẽ áp dụng với tất cả các quốc gia.
“Ngày 2/4 là ngày giải phóng đối với đất nước chúng ta vì cuối cùng chúng ta sẽ thu được tiền. Chúng ta sẽ bắt đầu áp dụng (thuế đối ứng) với tất cả các quốc gia”, ông Trump nói, đồng thời nêu rõ là về cơ bản, Washington sẽ áp thuế với tất cả các quốc gia có thu phí hàng hóa xuất khẩu của Mỹ ở mức tương ứng với mức mà các quốc gia đó áp dụng đối với hàng hóa Mỹ?
Nguồn cơn của vấn đề này đến từ việc ông và các cố vấn cho rằng các nước khác đánh thuế hàng Mỹ cao hơn mức Mỹ áp cho hàng nhập khẩu của họ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp và nền công nghiệp “xứ cờ hoa”.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến công bố loạt thuế đối ứng vào ngày 2/4 tới. Nguồn: Shutterstock
Tóm lại, chính quyền ông Trump cho rằng mất cân bằng trong mức thuế dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ và dai dẳng. Thực tế, kể từ năm 1975, Mỹ chưa bao giờ xuất siêu. Chia sẻ trên kênh Fox Business gần đây, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett nói thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tập trung vào 10 - 15 quốc gia có tình trạng mất cân bằng thương mại tồi tệ nhất. Tuy nhiên, tuyên bố trên đã dập tắt kịch bản rằng chỉ những nền kinh tế có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ mới bị nhắm mục tiêu.
Các nhà kinh tế gọi động thái này là cao trào của chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết”, với phạm vi mở rộng đáng kể. Ông Trump coi thuế quan là một cách bảo vệ nền kinh tế trong nước khỏi sự cạnh tranh toàn cầu không lành mạnh và là một con bài mặc cả để có được các điều khoản tốt hơn cho Mỹ.
Nhưng nhìn từ thực tế, các nhà kinh tế lý giải rằng nguyên nhân thâm hụt thương mại không phải do chính sách thuế mà đến từ các yếu tố đặc thù của nền kinh tế Mỹ. Chính phủ liên bang duy trì mức thâm hụt ngân sách lớn trong thời gian dài và người tiêu dùng Mỹ chi tiêu mạnh, dẫn đến tổng mức tiêu dùng và đầu tư của Mỹ tăng cao.
Trong 100 năm qua, nợ công của Mỹ đã tăng từ 395 tỷ USD năm 1924 lên 35.460 tỷ USD vào kết thúc năm tài chính 2024, tức quý III/2024. Cùng với đó, kinh tế Mỹ gần đây vượt trội hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Từ trước COVID-19 đến giữa năm ngoái, GDP Mỹ đã tăng gần 9%, so với chỉ 5,5% của Canada, 1,9% của Liên minh châu Âu và giảm 2% ở Đức. Sự kết hợp giữa chi tiêu công bạo tay và tiêu dùng mạnh mẽ khiến một phần nhu cầu phải được đáp ứng bằng hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài.
Theo truyền thông quốc tế, Nhà Trắng hiện vẫn chưa tiết lộ những loại thuế quan nào sẽ được áp dụng, cách tính toán chúng hay khi nào các mức thuế mới này sẽ có hiệu lực.
Trước đó, ông Trump đã áp thuế cao đối với nhôm, thép và ôtô, cùng với việc tăng thuế tất cả hàng hóa từ Trung Quốc. Hồi tháng 2, nhà lãnh đạo Mỹ đã ký một bản ghi nhớ chỉ đạo giới chức thương mại nước này xem xét từng quốc gia và lập một danh sách các biện pháp đối ứng được điều chỉnh phù hợp.
Reuters dẫn lời giới chuyên gia nhận định, việc áp thuế đối ứng trên diện rộng có thể mang lại một số lợi ích ngắn hạn cho kinh tế Mỹ, như bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa và tạo nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, về dài hạn, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ có thể phải đối mặt với giá cả leo thang do chi phí nhập khẩu tăng.
Các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, chẳng hạn như sản xuất ôtô và công nghệ, có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trên phạm vi toàn cầu, chính sách này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm thương mại quốc tế và làm chậm lại tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế, nhưng ông cũng để ngỏ khả năng đàm phán với các quốc gia để đạt được các thỏa thuận thương mại công bằng hơn. Một số nhà phân tích cho rằng điều này phản ánh vẫn còn cơ hội để các bên tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại, tránh leo thang căng thẳng thương mại.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán có thể kéo dài và phức tạp, đòi hỏi sự nhượng bộ từ cả hai phía. Mặt khác, một câu hỏi cũng đang dấy lên trong giới quan sát đó là liệu thị trường đã thực sự lường hết được những gì Tổng thống Trump có thể tung ra hay chưa? Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng thị trường đang chủ quan vì một cuộc điều tra của chính phủ Mỹ đang tính đến việc đưa ra cái gọi là “tỷ lệ thuế hiệu quả” - phép tính tổng hợp tất cả những yếu tố mà ông Trump coi là cái cớ để đáp trả.
Theo ông Edward Yardeni, người đứng đầu công ty nghiên cứu thị trường Yardeni Research, kết quả đưa ra có thể là một con số gây choáng váng - lên tới 50% với một số trường hợp. Ông cảnh báo đây có thể là một cú sốc đối với những lĩnh vực vẫn còn xem nhẹ kế hoạch thuế quan của Tổng thống Trump.
Được biết, những thông tin về thuế quan sắp tới của Mỹ đã khiến các thị trường chao đảo. Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong ngày 31/3 khi mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu đã lan rộng khắp, khiến chỉ số MSCI đo lường hiệu suất của thị trường chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,5%.
Các chỉ số chính tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều giảm trong khoảng 1-3%. Trên thị trường kim loại quý, giá vàng thế giới giao ngay tăng lên 3.122 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 3.128 USD/ounce trước đó. Giá vàng tương lai của Mỹ cũng tăng lên mức 3.148 USD/ounce. Vốn được coi là hàng rào chống lại sự bất ổn về chính trị và kinh tế, giá vàng đã tăng hơn 18% trong quý I/2025, mức tăng theo quý lớn nhất kể từ tháng 9/1986.
Ông Tim Waterer, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường của công ty môi giới tài chính KCM Trade, cho biết: “Mức độ lo lắng của thị trường đã tăng lên trước các thông báo về thuế quan đối ứng của Mỹ, điều này đang khiến nhu cầu về vàng ở mức cao như một biện pháp phòng thủ”.
Kim Khánh