Người dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt tại Feni, Bangladesh, ngày 24/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Dù Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu duy trì mức nóng lên trung bình dài hạn dưới 1,5°C, mức tăng đột biến trong năm 2024 chưa được coi là vi phạm thỏa thuận. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng xu hướng nhiệt độ gia tăng cho thấy thế giới có nguy cơ tiến tới mức nóng lên lâu dài, vượt quá giới hạn mà thỏa thuận đề ra.
Thỏa thuận Paris năm 2015 kêu gọi các quốc gia hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C, với mục tiêu lý tưởng là không vượt quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dù một năm riêng lẻ có nhiệt độ cao vượt mức này chưa thể khẳng định thế giới đã chạm đến mức nóng lên toàn cầu 1,5°C, nhưng các chuyên gia cho rằng xu hướng gia tăng nhiệt độ là một dấu hiệu đáng báo động.
Bà Samantha Burgess - Phó Giám đốc tại Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu, nhận định rằng toàn bộ 10 năm qua đều nằm trong danh sách những năm nóng nhất từng được ghi nhận, với năm 2024 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Theo bà, nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể sẽ tiếp tục vượt ngưỡng 1,5°C trong nhiều năm tới.
Giám đốc nghiên cứu tại Viện Grantham của Imperial College London cho biết việc nhiệt độ toàn cầu vượt 1,5°C trong một năm không đồng nghĩa với việc vi phạm hoàn toàn Thỏa thuận Paris, nhưng điều này cho thấy thế giới đang tiến rất gần đến mức nóng lên dài hạn đáng lo ngại.
Ngập lụt sau khi bão Milton đổ bộ Siesta Key, Florida. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Mặc dù hiện tượng El Ninõ vốn làm tăng nhiệt độ tự nhiên, có góp phần vào mức nhiệt kỷ lục của năm 2024 nhưng các nhà khoa học khẳng định rằng nguyên nhân chính vẫn là biến đổi khí hậu do con người gây ra. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt và than tiếp tục làm gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển. Năm 2024, lượng carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác đạt mức cao kỷ lục, thúc đẩy sự nóng lên của Trái Đất.
Hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ rệt, với tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng. Khi nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1,5°C nguy cơ xảy ra các biến đổi khí hậu đột ngột và không thể đảo ngược cũng tăng cao.
Dữ liệu từ Copernicus cho thấy độ ẩm trong khí quyển đã đạt mức kỷ lục vào năm 2024, cao hơn 5% so với trung bình giai đoạn 1991-2020. Điều này làm tăng nguy cơ mưa lớn và lũ lụt, đồng thời kết hợp với nhiệt độ đại dương cao có thể khiến các cơn bão trở nên mạnh hơn và nguy hiểm hơn. Ngoài ra, nhiệt độ và độ ẩm cao cũng làm gia tăng nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Trong năm 2024, các thảm họa khí hậu đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên toàn cầu. Từ lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Ban Nha và Brazil, các trận bão mạnh tàn phá Mỹ và Philippines, đến các vụ cháy rừng dữ dội tại Los Angeles buộc hàng chục nghìn cư dân phải sơ tán. Những hiện tượng này cho thấy biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ xa vời mà đang diễn ra ngay trước mắt với những hậu quả nặng nề.
Cùng thời điểm với những phát hiện của Copernicus, chính quyền Mỹ đang có kế hoạch rút khỏi Thỏa thuận Paris và đẩy mạnh khai thác nhiên liệu hóa thạch, làm dấy lên lo ngại về khả năng đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Trong bối cảnh nhiệt độ tiếp tục tăng cao, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có sự thay đổi quyết liệt trong chính sách và hành động, thế giới có thể bước vào giai đoạn nóng lên dài hạn với những hậu quả khôn lường.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo politico.eu)