Reuters hôm nay (4/2, giờ Hà Nội) dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận, Tổng thống Donald Trump sẽ công bố chính sách thuế quan mới nhắm vào hàng hóa nhập khẩu vào lúc 16h (giờ Mỹ, tức 3h sáng 3/4, giờ Hà Nội), thời điểm mà ông Trump trước đó gọi là "Ngày Giải phóng" của nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times
"Tổng thống Trump có một đội ngũ cố vấn tài giỏi đã nghiên cứu những vấn đề này trong nhiều thập niên, Chúng tôi đang tập trung vào việc khôi phục thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ", phát ngôn viên Nhà Trắng nói.
Theo bà Leavitt, chính sách thuế quan mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Bà không tiết lộ bất cứ nội dung nào trong chính sách mới, nhưng truyền thông Mỹ trước đó cho biết, các cố vấn của ông Trump đã xây dựng mức thuế quan bổ sung 20% với hầu hết hàng hóa nhập khẩu.
Trong khi đó, trả lời báo giới tối 1/4 (sáng 2/4, giờ Hà Nội), Tổng thống Trump khẳng định ông đã có "quyết định" về vấn đề áp thuế. Tuy nhiên, ông cũng không nêu rõ mức thuế sẽ là bao nhiêu và sẽ áp dụng với các quốc gia nào.
Reuters, CNN, New York Times và nhiều hãng tin khác mô tả quyết định của Tổng thống Trump về vấn đề thuế nhập khẩu có ảnh hưởng rất sâu rộng, là bước đi "lịch sử" và có thể là chính sách thuế quan quy mô lớn nhất mà Mỹ từng áp dụng trong nhiều năm qua.
CNN dẫn kết quả mô hình mô phỏng của hãng Moody's Analytics nhận định, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu thêm 20%, các nước khác sẽ trả đũa và kéo theo một cuộc chiến thương mại quy mô lớn, trở thành "kịch bản xấu nhất" với nền kinh tế Mỹ. Tình thế đó có thể xóa sổ 5,5 triệu việc làm, nâng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên 7% và khiến GDP nước này giảm 1,7%.
"Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ có một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Đây là sự xóa sổ của nền kinh tế", nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics nói với CNN và kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ chỉ công bố một mức thuế quan mới thấp hơn 20%.
Một nghiên cứu do Cơ quan thử nghiệm ngân sách của Đại học Yale (Mỹ) chỉ ra rằng, nếu Mỹ cộng thêm 20% vào mức thuế hiện tại, một gia đình tại Mỹ sẽ tốn thêm ít nhất 3.400 USD nữa để mua sắm. Mỹ hiện nhập khẩu khoảng 3.000 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, theo Reuters.
Hầu hết các nước đang "nín thở" chờ đợi, nhưng đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm ứng phó với khả năng Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Canada ngày 1/4 tuyên bố sẽ đáp trả Mỹ nếu họ bị áp thuế. "Chúng tôi sẽ không để các nhà sản xuất và công nhân Canada chịu bất lợi hơn so với công nhân Mỹ", Thủ tướng Canada Mark Carney phát biểu.
Từ Brussels, Guardian dẫn lời các nguồn tin quan chức Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ, khối đang lên kế hoạch tăng thuế với thép, nhôm, hàng dệt may, đồ da, đồ gia dụng, dụng cụ gia đình, nhựa và gỗ nhập khẩu từ Mỹ nếu Washington tăng thuế với hàng EU. Ngoài ra, EU còn cân nhắc tăng thuế thu nhập của các công ty công nghệ Mỹ có hoạt động ở EU.
Anh lại đang tỏ ra mềm mỏng hơn. Thủ tướng Anh Keir Starmer tin rằng, các doanh nghiệp Anh không muốn một cuộc chiến "ăn miếng, trả miếng" với Mỹ. Bởi vậy, thay vì phản ứng "tức thời", ông sẽ phản ứng theo cách "bình tĩnh và điềm đạm". Ông khẳng định London sẽ thảo luận với Mỹ để đạt một "thỏa thuận kinh tế thịnh vượng".
Tại châu Á, một số nước đang cân nhắc xoa dịu Mỹ bằng cách hạ thuế nhập khẩu. Tờ Fortune cho biết, Ấn Độ, quốc gia có thặng dư thương mại 47,5 tỷ USD với Mỹ năm 2024, đang cân nhắc xóa bỏ một số thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định các biện pháp thuế quan sẽ gây tổn hại đến thương mại toàn cầu và không giải quyết được những thách thức kinh tế mà Tổng thống Trump đề cập. "Không có bên nào chiến thắng trong chiến tranh thương mại hay chiến tranh thuế quan, và không có nước nào đạt được thịnh vượng bằng cách áp đặt thuế quan", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu.
Thái Hà