Lực lượng cứu nạn liên tục tìm kiếm người mất tích do lũ quét kinh hoàng ở bang Texas, Mỹ. Ảnh: Getty Images
“Thảm họa trăm năm có một"
Từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ, người dân các nước đang phải chống chọi với các thảm họa thiên nhiên ngày càng trở nên khốc liệt. Mới đây, trận lũ quét kinh hoàng ở bang Texas, Mỹ đã trở thành một trong nhữngthảm họa thiên tai thiệt hại lớn nhất cho nước này trong vòng 100 năm qua.
Lực lượng cứu hộ tính đến thời điểm này vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi, trong đó có nhiều trẻ em. Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả đây là trận lụt "thảm họa trăm năm có một" và "không ai lường trước được", đồng thời tuyên bố tình trạng thảm họa quy mô lớn tại bang Texas.
Cùng thời điểm này, nắng nóng như thiêu đốt cũng đang khiến hàng triệu người dân sống tại châu Âu, châu Á và châu Phi “khốn khổ” chống chọi với thời tiết cực đoan. Ngay trong tuần qua, các nước châu Âu liên tục gồng mình đối phó với cháy rừng lan rộng do nắng nóng khắc nghiệt gây ra.
Hầu hết các khu vực ở Tây Âu phải hứng chịu nắng nóng kéo dài. Tây Ban Nha ghi nhận nhiệt độ lên tới 40 độ C trong khi cháy rừng bùng phát ở Pháp. Nhiều trường học và điểm du lịch đã phải đóng cửa. Hiện tượng "đêm nhiệt đới" – khi nhiệt độ ban đêm không đủ mát để cơ thể hồi phục – xảy ra ở hầu hết miền Nam châu Âu.
Tại châu Á, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) xác nhận nước này đã trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay khi biến đổi khí hậu gây ra các đợt nắng nóng trên toàn cầu.
Hàn Quốc ghi nhận số người mắc các bệnh liên quan nắng nóng đã tăng hơn 83% so với cùng kỳ năm 2024 bởi nắng nóng đến sớm hơn bình thường. Chính phủ nước này đã khuyến cáo các cơ quan liên quan tạm dừng các hoạt động xây dựng tại các công trình công cộng khi xảy ra nắng nóng.
“Rủi ro kép”
Các chuyên gia y tế cảnh báo biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ tăng cao hơn đáng kể và nguy hiểm hơn nhiều đến con người. Số người chết trong thảm họa lũ quét ở bang Texas, Mỹ đã ghi nhận hơn 100 người và còn rất nhiều người mất tích chưa thể tìm thấy.
Một nghiên cứu gần đây đã ước tính khoảng 2.300 người tử vong do nhiệt độ cao tại 12 thành phố châu Âu trong đợt nắng nóng gay gắt vừa kết thúc. Theo Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, tháng 6 là tháng nóng thứ ba trong lịch sử hành tinh, chỉ xếp sau tháng 6 năm 2024 và 2023.
Đáng chú ý, theo thống kê số ca tử vong hàng năm do nắng nóng, Vương quốc Anh dự báo số người tử vong cóthể tăng từ mức hiện tại là 634 lên 10.317 vào thập niên 2050.
Không chỉ dừng lại ở đó, thời tiết khắc nghiệt cũng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo các thảm họa khí hậu như hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và bão có thể kéo giảm GDP của Eurozone tới 5% vào năm 2030, nếu không có hành động chính sách quyết liệt.
Hành động toàn cầu
Dù nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường sống được nâng cao rõ rệt trong những năm gần đây, song trên thực tế, thế giới vẫn còn thiếu hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn với biến đổi khí hậu.
Liên hợp quốc đã nhiều lần nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang xảy ra với tốc độ đáng báo động và thế giới không còn thời gian để trì hoãn hành động. Tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), các nước phát triển cam kết nâng mức tài chính khí hậu lên 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035.
Hướng tới COP30 vào tháng 11 năm nay, nước chủ nhà Brazil cũng đang thể hiệnquyết tâm sẽ đưa hội nghị lần này trở thành “di sản” trong đổi mới các cam kết về khí hậu.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) khẳng định thế giới sẽ dần phải học cách sống chung với khí hậu bất thường, ứng phó với thời tiết cực đoan và phức tạp. Phạm vi ứng phó không chỉ ở một số quốc gia mà còn ở tất cả các quốc gia.
Đặc biệt, để giảm thiểu tác động từ thời tiết cực đoan, các quốc gia cần chủ động liên kết, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm để ứng phó phù hợp với các hình thái thời tiết cực đoan mới.
HỒNG NHUNG