Thế giới liên tiếp hứng chịu thiên tai: Cần giải pháp ứng phó hiệu quả hơn

Thế giới liên tiếp hứng chịu thiên tai: Cần giải pháp ứng phó hiệu quả hơn
13 giờ trướcBài gốc
Lực lượng cứu hỏa tại hiện trường đám cháy rừng ở đảo Crete (Hy Lạp). Ảnh: Telegraph
Từ ngày 4 đến 7-7, khu vực Texas (Mỹ), đặc biệt là Kerr và vùng thung lũng sông Guadalupe đã hứng chịu trận lũ quét bất thường sau lượng mưa dồn dập, vượt quá 520mm trong vài giờ. Thiệt hại về người là rất lớn, với ít nhất 104 người thiệt mạng, trong đó có 28 trẻ em và giáo viên tại trại hè Camp Mystic. Thiệt hại kinh tế ước tính từ 18 đến 22 tỷ USD. Đây là một trong những trận lũ quét gây thiệt hại về người lớn nhất tại Mỹ trong 100 năm.
Tiến sĩ Martina Egedusevic (Đại học Exeter, Vương quốc Anh) cho rằng, biến đổi khí hậu là "thủ phạm chính" khiến nền nhiệt tăng, dẫn tới những cơn mưa cường độ cao xuất hiện nhiều hơn.
Ở phía bên kia trái đất, Trung Quốc những ngày đầu tháng 7 cũng trải qua mùa mưa bất thường, khiến quốc gia này phải ban bố mức cảnh báo đỏ tại nhiều địa phương. Lũ đột ngột và sạt lở đất xảy ra ở các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Quý Châu, Cam Túc, trong khi tại Hà Nam nước tràn đê, gây ngập lụt nghiêm trọng. Trái lại, miền Đông của nước này đã xuất hiện đợt nóng sớm, có nơi vượt 400C, dẫn đến thiếu hụt điện và nền nông nghiệp nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã hứng chịu tác động nặng nề.
Trong khi đó, ở khắp châu Âu, từ Tây Ban Nha, Pháp, Italia cho đến Thụy Sĩ, Đức đang đối mặt với đợt nắng nóng bất thường. Theo các kênh truyền thông, nhiệt độ lên tới 460C ở nhiều nơi đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, hơn 300 người nhập viện, tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội của Lục địa già. Nắng nóng tạo điều kiện cho cháy rừng lan rộng ở Crete (Hy Lạp) khiến hơn 1.000 người phải sơ tán, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã phải di dời hơn 50.000 người tại Seferihisar cũng vì lý do tương tự.
Trong bối cảnh thiên tai dồn dập gõ cửa mọi châu lục trong tháng 7, câu hỏi không còn là “chuyện gì đang xảy ra”, mà là “chúng ta có phản ứng đủ nhanh không". Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo, năm nay nhân loại sẽ chịu tổn thất bảo hiểm từ thiên tai lên tới 145 tỷ USD, cao hơn 6% so với năm 2024. Thực tế này cho thấy, ứng phó với các thảm họa thiên nhiên không còn nằm ở nhận thức, mà phải chuyển sang hành động. Thiên tai xảy ra một cách "phi truyền thống" cũng đồng nghĩa các hệ thống và biện pháp ứng phó cần cải tổ tương ứng.
Theo các chuyên gia, những trận lũ đột ngột như ở Texas, với mực nước dâng 9 mét trong chưa đầy một giờ cho thấy, việc các chính phủ cần thực hiện ngay là tái cấu trúc hệ thống cảnh báo và dự báo thiên tai. Giáo sư Bill McGuire tại Đại học London (Anh) nhận định, trận lũ ở Texas chính là "bài tập phản ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra".
Các quốc gia cũng cần đầu tư mạnh vào mạng lưới cảnh báo sớm liên thông, trong đó dữ liệu khí tượng phải được truyền đến người dân với tốc độ và độ chính xác cao. “Khi một phần của hệ thống không thực hiện tốt vai trò của mình, cả chuỗi cảnh báo sẽ thất bại, và hậu quả là không thể bù đắp”, Giáo sư Hannah Cloke tại Đại học Reading (Anh) nhận định. Việc thu thập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu thiên tai cũng cần được nâng tầm toàn cầu để giúp con người hiểu rõ hơn về quy luật của thiên nhiên.
Sự sẵn sàng của cộng đồng, từ khả năng nhận biết rủi ro, kỹ năng sơ tán, đến hiểu biết về cứu hộ, cũng cần được chú trọng đào tạo, bởi đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Trong nhiều vụ thiên tai gần đây, những cộng đồng dân cư có tập huấn trước, có mạng lưới cảnh báo sớm, thường chịu ít tổn thất hơn. Cùng với đó, các thành phố và vùng nông thôn cần chuyển hướng sang mô hình hạ tầng có sức chống chịu cao hơn trước thời tiết cực đoan. Quy hoạch vùng trũng, đường ven sông, bờ biển cần dựa vào dữ liệu thực tế mới về nước biển dâng và mưa cực đoan... Về dài hạn, giảm phát thải CO₂ là yếu tố cần được chú trọng, để mọi nỗ lực thích ứng không chỉ là biện pháp chống đỡ tạm thời.
Việc thiên tai xuất hiện khắp nơi trên thế giới trong vài tuần trở lại đây đã phơi bày một thực tế: Biến đổi khí hậu không còn là dự đoán mà là thực tại. Tuy không thể trực tiếp ngăn chặn thiên tai, nhưng nhân loại có thể đồng lòng và hành động quyết liệt để chuyển mình ứng phó, tồn tại và phục hồi tốt hơn.
Hoàng Linh (Theo The Guardian, Telegraph, Politico)
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/the-gioi-lien-tiep-hung-chiu-thien-tai-can-giai-phap-ung-pho-hieu-qua-hon-708478.html