Triển lãm mang đậm dấu ấn cá nhân của một họa sĩ với tâm hồn yêu cao nguyên nồng nàn.
Một góc triển lãm “Dấu ấn đại ngàn”. Ảnh: M.C
Bản giao hưởng về cuộc sống
Tình yêu của Mai Quý Ngọc không hề mơ hồ. Nó thấp thoáng trong nhịp điệu cuộc sống tươi vui, hồn nhiên từ cảnh sắc, con người và lễ hội Tây Nguyên. Với hơn 2 thập kỷ quan sát sự chuyển động của cuộc sống, họa sĩ Mai Quý Ngọc đã chắt chiu trong từng đường nét để khắc họa “Dấu ấn đại ngàn” qua 45 tác phẩm giới thiệu đến công chúng. Do đó, dấu ấn đại ngàn còn là dấu ấn thời gian anh gắn bó với vùng đất cao nguyên này.
"Phong cảnh"-sơn dầu của Mai Quý Ngọc.
Mai Quý Ngọc như “bê” cả không gian Tây Nguyên tự nhiên nhất vào trong tranh. Trong thế giới đó, con người nhỏ bé ngàn đời sống chan hòa, nương tựa, tạo nên bản giao hưởng về cuộc sống. Các tác phẩm đưa người xem vào đời sống thấm đẫm sự hồn nhiên, mộc mạc, sự háo hức như trong ngày “Hội làng”, hạnh phúc quây quần trong “Niềm vui mẫu hệ”, niềm vui xôn xao trong “Mùa lan rừng” hay sự êm đềm thanh lành của một sáng thức dậy giữa “Bình yên Tây Nguyên”…
Bên cạnh mảng đề tài cùng tâm thức cội nguồn, Mai Quý Ngọc còn đưa người xem đến với cảnh sắc của hoa lá, thiên nhiên sống động.
Có mặt tại không gian triển lãm, chị Nguyễn Thị Thu Huy (69 Nguyễn Văn Nghi, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mỗi tác phẩm đều thể hiện sự rung động và tình yêu của họa sĩ với núi rừng, hoa cỏ và con người Tây Nguyên. Anh mang đến một Tây Nguyên đẹp hoang sơ nhưng không kém phần lãng mạn, có chút gì đó bí ẩn nhưng cũng hết sức gần gũi. Bút pháp phóng khoáng, thoải mái. Vì vậy, khi thưởng lãm tranh của anh, tôi có cảm giác rất thư thái”.
Đến thưởng lãm còn có cô và trò của Trung tâm khuyết tật An Yên (62 Ngô Thì Nhậm, TP. Pleiku). Chị Ngô Từ Vy-Giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính-bày tỏ: “Tôi rất thích vẽ. Mong ước của tôi là được gửi gắm những điều mình không nghe, không nói được qua ngôn ngữ hội họa. Xem triển lãm này, tôi thấy yêu cuộc sống hơn và có thêm động lực để làm việc. Thế giới sắc màu trong tranh của họa sĩ Mai Quý Ngọc khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Các cô và trò của Trung tâm khuyết tật An Yên đến thưởng lãm tranh tại triển lãm. Ảnh: M.C
Họa sĩ Mai Quý Ngọc chia sẻ: Anh cầm cọ từ năm 1997 và đến 1998 thì có những sáng tác đầu tay. Trong số 45 tác phẩm trưng bày tại triển lãm, một số bức sơn dầu được anh sáng tác từ hơn 20 năm trước như: “Dấu thời gian”, “Vòng tròn Tây Nguyên”, “Cá”… Nhưng dù là tác phẩm sáng tác hơn 2 thập kỷ hay mới đây, chủ đề về Tây Nguyên cùng với bút pháp, màu sắc không có sự khác biệt, tạo nên “Dấu ấn đại ngàn” đậm nét, khó lẫn.
Khích lệ sáng tạo nghệ thuật
Từng 5 lần tham gia triển lãm nhóm, nhưng họa sĩ Mai Quý Ngọc xem triển lãm cá nhân là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp. Theo nhà điêu khắc Nguyễn Vinh, triển lãm cá nhân của Mai Quý Ngọc là “cú hích” cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật tại Gia Lai.
“Phải có tình yêu đủ lớn, đủ sự mãnh liệt thì họa sĩ Mai Quý Ngọc mới gắn bó với đề tài về Tây Nguyên lâu dài đến như vậy. Việc anh chọn tổ chức triển lãm cá nhân tại Gia Lai mà không phải ở thành phố lớn khác đã nói lên điều đó. Triển lãm thành công ngoài mong đợi khi thu hút đông đảo người trong giới lẫn công chúng yêu nghệ thuật đến thưởng lãm. Trong ngày đầu tiên, anh đã bán được hàng chục tác phẩm. Đây là niềm mơ ước với bất kỳ họa sĩ nào”-nhà điêu khắc Nguyễn Vinh nói.
Tác phẩm "Mẫu hệ".
Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh-cho rằng: Triển lãm cá nhân của họa sĩ Mai Quý Ngọc không chỉ có ý nghĩa với cá nhân tác giả mà còn khích lệ hoạt động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ.
“Mai Quý Ngọc là họa sĩ đầy nhiệt huyết, đam mê trong hoạt động sáng tạo. Anh gặt hái được nhiều thành công, được ghi nhận bằng các giải thưởng ở các triển lãm khu vực và toàn quốc. Những tác phẩm nghệ thuật truyền cảm hứng cho công chúng về cái đẹp, từ đó tạo động lực sống, cống hiến cho xã hội... Triển lãm khơi dậy xúc cảm mới mẻ, truyền lửa đam mê cho lớp họa sĩ trẻ tỉnh nhà”.
Đối với cá nhân Mai Quý Ngọc, dù có nhiều dự định mới nhưng anh vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài về Tây Nguyên và thể hiện với bút pháp mới mẻ hơn, sáng tạo hơn. Anh bộc bạch: “Đó vẫn là một Tây Nguyên mộc mạc, hồn nhiên, tràn đầy sức sống nhưng hiện đại hơn, đổi mới hơn.
Qua hội họa, tôi muốn vẽ lại tinh thần của vùng đất đang trên đà đổi mới với tâm thế vươn mình cùng đất nước-một Tây Nguyên đầy khát vọng vươn lên nhưng vẫn là miền đất quyến rũ và đậm đà của bản sắc văn hóa”.
Họa sĩ Lê Hùng-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Gia Lai: “Các tác phẩm của Mai Quý Ngọc khai thác sự huyền hoặc đa chiều của một thế giới phiêu linh, ảo diệu mang đầy triết lý nhân sinh. Hơi thở trong các tác phẩm của anh chính là hơi thở của rừng núi, hơi thở của buôn làng, hơi thở của đời sống đương đại đầy tính cộng sinh”.
HOÀNG NGỌC