Danh sách yêu cầu mà Mỹ đưa ra với các đối tác trải rộng từ việc giảm thặng dư thương mại với Mỹ, gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan và thuế kỹ thuật số, đặc biệt nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ, cho đến yêu cầu giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Tất cả được gói gọn trong khẩu hiệu “công bằng với nước Mỹ” nhưng thực tế lại đặt nhiều quốc gia vào tình thế bị ép buộc.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump rất có thể sẽ gia hạn thời gian hoãn áp thuế cho những nước đang đàm phán với Hoa Kỳ.
Các quốc gia vì thế đang được chia thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên – chủ yếu là các nước nghèo, không có khả năng trả đũa thương mại, buộc phải nhượng bộ. Nhóm thứ hai - gồm các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản, Canada, Australia - có thể đàm phán nhưng vẫn phải dè chừng các nước cờ bất ngờ của ông Donald Trump. Nhóm thứ ba, tiêu biểu là Trung Quốc, đang chuẩn bị một cuộc chơi dài hơi: củng cố vị thế bằng những quân bài chiến lược như đất hiếm và khoáng sản quan trọng - những lĩnh vực Mỹ không thể dễ dàng thay thế.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều nước bất an không chỉ nằm ở nội dung các yêu sách, mà chính là sự khó đoán trong phong cách đàm phán của ông Donald Trump. Ngay cả khi đạt được thỏa thuận, khả năng bị “lật kèo” luôn hiện hữu. Trường hợp Anh là ví dụ điển hình: sau khi ký kết thỏa thuận mở cửa thị trường ôtô và thép với Mỹ, họ vẫn bị tăng thuế gấp đôi. Nhật Bản thì phải dừng đàm phán khi Mỹ đưa thêm yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng, điều Tokyo coi là không thể chấp nhận.
Tất cả những diễn biến đó đang khiến các quốc gia nhìn lại vai trò của luật pháp và thể chế đa phương trong kiểm soát tranh chấp thương mại. Nhiều nước chờ đợi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết về việc liệu tổng thống có quyền đơn phương thay đổi chính sách thuế hay không - một phán quyết có thể mất nhiều tháng, hoặc sẽ không bao giờ tới.
Trong khi chờ đợi, các cuộc đàm phán song phương có thể kéo dài sang tháng 9, thậm chí xa hơn, với khả năng cao là các mức thuế bị tái áp đặt trên diện rộng. Và với việc Mỹ cũng không thể cùng lúc xử lý hàng loạt hồ sơ, phần lớn đối tác thương mại sẽ bị dồn vào thế bị động.
Thế giới có thể đang bước vào một vòng xoáy thuế quan mới – nơi quyền lực không nằm ở bàn đàm phán, mà trong những lá thư có thể chấm dứt mọi thỏa thuận bất kỳ lúc nào.
Như Thảo