Ngày 17/11, các lãnh đạo từ nhiều quốc gia đã đến Rio de Janeiro tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 nhằm giải quyết các vấn đề từ đói nghèo đến cải cách các thể chế toàn cầu.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán về khí hậu đang diễn ra của Liên hợp quốc đã tập trung vào những nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Hội nghị khí hậu COP29 tại Baku, Azerbaijan có nhiệm vụ thống nhất mục tiêu huy động hàng trăm tỷ USD cho khí hậu, còn các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế lớn đang nắm giữ hầu bao.
Các nước G20 chiếm 85% nền kinh tế thế giới và là những nước đóng góp lớn nhất cho các ngân hàng phát triển đa phương giúp định hướng tài chính khí hậu. Họ cũng chịu trách nhiệm cho hơn 3/4 lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới.
"Tất cả các quốc gia phải làm phần việc của mình. Nhưng G20 phải dẫn đầu", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại COP29 tuần trước. "Họ là những nước phát thải lớn nhất, có năng lực và trách nhiệm lớn nhất".
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva chào đón Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trước Hội nghị thượng đỉnh G20, tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 16/11. Ảnh: Reuters
Việc đạt được thỏa thuận như vậy có thể sẽ trở nên khó khăn hơn khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Ông Trump được cho là đang chuẩn bị rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, cũng như có kế hoạch hủy bỏ luật quan trọng về khí hậu đã được Tổng thống Joe Biden thông qua.
Người đứng đầu về khí hậu của Liên hợp quốc Simon Stiell đã viết một lá thư cho các nhà lãnh đạo G20 vào ngày 16/11, kêu gọi họ hành động về tài chính khí hậu, bao gồm tăng cường tài trợ cho các quốc gia đang phát triển và thúc đẩy cải cách các ngân hàng phát triển đa phương.
Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao am hiểu các cuộc đàm phán tại Rio, những bất đồng ảnh hưởng đến COP29 từ tuần trước đang lan sang các cuộc đàm phán của G20.
COP29 phải đặt ra mục tiêu mới về số tiền tài trợ của các nước phát triển, các ngân hàng đa phương và khu vực tư nhân cho các nước đang phát triển. Các nhà kinh tế nói với hội nghị thượng đỉnh rằng con số đó phải ít nhất là 1.000 tỷ USD.
Các nước giàu có, đặc biệt là ở châu Âu, cho biết mục tiêu đầy tham vọng này chỉ có thể đạt được nếu cơ sở đóng góp được mở rộng đến một số quốc gia đang phát triển giàu có hơn, chẳng hạn như Trung Quốc và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn ở Trung Đông.
Theo các nhà ngoại giao, vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi trong những cuộc thảo luận về tuyên bố chung của G20 tại Rio, khi các quốc gia châu Âu thúc đẩy nhiều quốc gia đóng góp hơn và các nước đang phát triển như Brazil phản đối.
Sự thành công không chỉ của COP29 mà còn của COP30 được tổ chức tại Brazil vào năm tới cũng phụ thuộc vào bước đột phá về tài chính khí hậu.
Ngọc Ánh (theo CNA)