Rất khó để tìm một người yêu điện ảnh mà không xếp The Godfather (Bố già) vào hàng ngũ những bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại. Ra mắt năm 1972, kiệt tác của Francis Ford Coppola không chỉ thay đổi cách kể chuyện trên màn ảnh rộng, mà còn đưa thể loại gangster – vốn từng bị coi là tạp kỹ – lên tầm của những bi kịch đẫm chất Shakespeare.
Với một dàn diễn viên huyền thoại gồm Marlon Brando, Al Pacino, James Caan và Robert Duvall, bộ phim là sự hội tụ hiếm có giữa nghệ thuật, sức nặng tâm lý và thương mại. Nhưng để đạt đến tầm cao đó, The Godfather đã phải... nói lời tạm biệt với khá nhiều yếu tố trong nguyên tác văn học.
Tiểu thuyết “Bố già” có quá nhiều câu chuyện
Tác giả Mario Puzo không phải là một cây bút tầm thường. Chính ông đã đồng viết kịch bản cho bộ phim, và giành giải Oscar danh giá cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất năm 1973. Nhưng tiểu thuyết The Godfather xuất bản năm 1969, dù bán chạy, lại không được đánh giá cao về mặt văn chương.
Lý do? Đơn giản là vì nó... quá nhiều tình tiết. Và không phải tình tiết nào cũng hay.
Trong sách, nhân vật Johnny Fontane – một ca sĩ kiêm diễn viên Hollywood – được kể với nhiều chi tiết rườm rà, từ những buổi tiệc tùng đến bê bối tình ái, khiến nhịp truyện bị chệch hướng khỏi trọng tâm gia đình Corleone. Nếu bạn từng thấy Fontane trong phim chỉ là một khách mời thoáng qua, thì đó chính là nhờ sự tiết chế tài tình của Coppola và Puzo khi chuyển thể.
Và chưa dừng lại ở đó, một trong những tuyến truyện “khó hiểu” nhất trong sách là mối tình giữa Sonny Corleone và Lucy Mancini. Tiểu thuyết đi xa đến mức dành hẳn một phần để kể về một ca phẫu thuật vùng chậu... giúp Lucy quan hệ với người khác sau Sonny. Phim đã hoàn toàn loại bỏ tuyến truyện này – và xin cảm ơn Coppola vì điều đó.
Phim hay hơn tiểu thuyết gốc
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của tiểu thuyết The Godfather. Nhưng chính nhờ việc chắt lọc và tinh chỉnh, Coppola và Puzo đã biến một cuốn tiểu thuyết "rối rắm nhưng hấp dẫn" thành một tác phẩm điện ảnh có cấu trúc chặt chẽ, đậm đặc cảm xúc và giàu chất thơ u ám.
Họ lược bỏ những chi tiết rườm rà để tập trung vào hành trình biến đổi của Michael – từ một người ngoài cuộc trở thành ông trùm máu lạnh kế thừa di sản gia tộc. Những nhân vật phụ như Luca Brasi hay đại úy McCluskey được giữ lại đúng mức, vừa đủ để tạo không khí mà không làm loãng mạch truyện chính.
Điều đó khiến bộ phim trở nên vượt thời gian – không chỉ là một câu chuyện về mafia, mà là một bi kịch về quyền lực, gia đình, danh dự và sự hy sinh. Một bi kịch mà Shakespeare hẳn cũng phải gật gù.
Nếu bạn muốn đọc sách – hãy để dành sau khi xem phim
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không nên đọc sách. Nhưng nếu bạn chưa từng xem The Godfather, đừng để tiểu thuyết làm mất đi trải nghiệm điện ảnh trọn vẹn đầu tiên. Hãy để mình bị cuốn vào màn sương mù đầy ma mị, những ánh đèn vàng mờ ảo, ánh mắt lạnh lùng của Michael và lời thì thầm khét tiếng của Don Corleone.
Rồi khi phim kết thúc, khi bạn còn đang ngồi lặng người giữa dư âm của một cú twist hoàn hảo, lúc đó hãy mở sách ra và đọc. Khi ấy, bạn sẽ không thất vọng. Nhưng bạn cũng sẽ hiểu tại sao đôi khi, bộ phim lại là phiên bản tốt hơn.
Duy Tuấn