“Thế hệ cợt nhả” đang trở thành nội dung thu hút lượng tương tác khổng lồ trên mạng xã hội. (Ảnh sưu tầm).
“Thế hệ cợt nhả” là cụm từ gây bão mạng xã hội thời gian gần đây, thu hút hàng triệu lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội. Các bạn trẻ Gen Z sử dụng cụm từ này như một cách tự trào hài hước.
“Khi thế hệ cợt nhả gia nhập thị trường lao động”; “Khi thế hệ cợt nhả làm bác sỹ”; “Khi thế hệ cợt nhả làm giáo viên”... Đây là những dòng tiêu đề của các clip hay các bài viết thu hút hàng triệu lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội.
“Thế hệ cợt nhả” là cụm từ để chỉ các thế hệ Gen Z (sinh năm 1997-2002). Cụm từ này mô tả một thế hệ người trẻ có lối sống và cách làm việc hài hước, thoải mái, mang chút châm biếm, tự giễu. Vậy lý do vì sao mà cụm từ này trở nên ‘viral’ đến vậy?
“Cợt nhả” - Cơ chế sinh tồn giữa áp lực
Không muốn chỉ đến trường với những bài giảng truyền thống và cách giảng dạy theo lối mòn, Thanh Hằng (21 tuổi, Thanh Hóa) luôn muốn mang đến cho các học trò của mình không khí vui vẻ và gần gũi.
“Mình và các học sinh vẫn thường gọi nhau là “người đẹp”, hay những lúc giải lao hoặc tan học, mình và các em có thể hẹn nhau đi cafe, ăn vặt cổng trường…,” Hằng chia sẻ.
Đối với nhiều người, hành động của Hằng là thiếu nghiêm túc trong công việc, nhưng đối với Hằng, đó là cách giúp giáo viên và học sinh gần gũi và giải tỏa không khí căng thẳng trong lớp học.
“Bản thân mình là một giáo viên nhưng cũng từng là một học sinh, mình cũng mong muốn được học tập trong môi trường thoải mái. Bởi vậy khi đến trường giảng dạy, mình luôn giữ thái độ vui vẻ, gần gũi với học sinh như những người bạn, thậm chí sẵn sàng tâm sự mọi lúc khi các em cần,” Hằng cho biết thêm.
Theo từ điển Tiếng Việt, “cợt nhả” mang nghĩa là trêu đùa một cách sỗ sàng, không đứng đắn. Tuy nhiên, các bạn trẻ lại sử dụng “cợt nhả” để chỉ cách họ tự mang lại niềm vui trong công việc, hay cách họ đơn giản hóa vấn đề và làm việc theo phong cách sáng tạo để mang lại tiếng cười.
Hằng ngày đều bắt đầu công việc văn phòng từ 8h sáng và kết thúc lúc 18h chiều, Ngọc Phú (24 tuổi, Hải Phòng) tìm đến những video hài hước và nội dung về “Thế hệ cợt nhả” như một cách thư giãn sau một ngày làm việc dài bởi anh cảm thấy đồng cảm với nhân vật chính trong các câu chuyện hài hước.
Người trẻ là đối tượng dễ gặp nhiều vấn đề về tâm lý. (Ảnh minh họa)
“Khi xem những nội dung về 'Thế hệ cợt nhả' trên các nền tảng mạng xã hội, mình cũng thấy chính bản thân mình trong đó. Với công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày, môi trường làm việc thân thiện với đồng nghiệp và cấp trên, cũng như cách làm việc sáng tạo hơn sẽ giúp mình có cảm hứng hơn trong công việc,” Phú bộc bạch.
Báo cáo của Bộ Y tế năm 2023 ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm, chiếm 3,1% dân số. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 - 29 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất chiếm 5,4%.
Số liệu này cho thấy người trẻ là đối tượng dễ gặp nhiều vấn đề về tâm lý trong cuộc sống, đòi hỏi họ cần có một “liệu pháp cảm xúc” cho chính bản thân mình.
Theo Thạc sỹ Tâm lý học lâm sàng Nguyễn Như Mạnh, sự phát triển của xã hội và mong muốn được giải tỏa cảm xúc là hai nguyên nhân chính của cách thể hiện “cợt nhả” trong công việc và cuộc sống của thế hệ trẻ.
“Người trẻ hiện nay trưởng thành trong bối cảnh đất nước hòa bình và phát triển, không còn chịu nhiều ràng buộc hay cấm đoán như các thế hệ trước.
Nhờ đó, phong cách giao tiếp của họ trở nên cởi mở, thoải mái và tự nhiên hơn. Bên cạnh đó, phong cách thể hiện “cợt nhả” cũng là một cách giúp giới trẻ giải tỏa cảm xúc, căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày mà họ gặp phải.”, Thạc sĩ cho biết.
Cần “cợt nhả” đúng lúc, đúng chỗ
Trong khi giới trẻ ủng hộ xu hướng “Thế hệ cợt nhả” một cách mạnh mẽ, thế nhưng có không ít ý kiến cho rằng đây là hành vi giao tiếp thiếu nghiêm túc, lố bịch, làm mất đi tính chuyên nghiệp trong môi trường làm việc.
Trên mạng xã hội, không ít những bài viết bày tỏ quan điểm phê phán một số bạn trẻ lạm dụng lối ứng xử “cợt nhả” trong môi trường làm việc và đời sống, gây không ít phiền toái tới những người xung quanh.
Làm việc tại vị trí tuyển dụng và quản lý các nhân sự trẻ, chị Trần Thị Hiền (25 tuổi, Quảng Ninh) cho rằng, Gen Z là thế hệ dám nghĩ, dám làm, luôn muốn được khẳng định bản thân và có trách nhiệm trong công việc. Tuy nhiên, người trẻ cần biết đặt sự thoải mái và hài hước vào đúng lúc, đúng chỗ.
“Môi trường làm việc hay cuộc sống thường ngày không chỉ có các bạn Gen Z, bởi vậy người trẻ cần phải biết quan sát bối cảnh để cư xử đúng mực. Đôi lúc những hành động 'cợt nhả' của các bạn chỉ mang tính hài hước, tạo không khí thoải mái, tuy nhiên điều đó cũng rất dễ khiến nhiều người cảm thấy phản cảm và khiến họ thấy bị thiếu tôn trọng,” chị Hiền nhận định.
Một số cư dân mạng phê phán trào lưu “Thế hệ cợt nhả” (Ảnh: Sưu tầm)
Dù có những giờ phút thư giãn và thoải mái với các học trò, Thanh Hằng vẫn luôn giữ thái độ chuẩn mực khi giảng dạy: “Ngoài giờ học, mình và các học sinh có thể 'cợt nhả' với nhau. Thế nhưng, trong các tiết học, mình luôn tạo một không khí học tập thoải mái trong khuôn khổ. Các em có thể được trao đổi, nói lên ý kiến của mình khi có sự cho phép. Điều này không chỉ giúp không khí học tập không quá căng thẳng mà còn cải thiện đáng kể hiệu quả học tập của các em học sinh.”
Sự “cợt nhả” là cách các bạn trẻ giải tỏa áp lực trong công việc và cuộc sống, tạo môi trường làm việc cởi mở và thân thiện.
Tuy nhiên, để tránh những hiểu lầm đáng có, Gen Z cần đặt sự hài hước và thoải mái vào đúng thời điểm, bối cảnh để vừa giảm bớt căng thẳng, vừa đảm bảo hiệu quả trong công việc./.
(Vietnam+)